Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam, ông đã thể hiện niềm buồn qua các bài thơ của mình. Cuộc đời của ông cũng trải qua nhiều khó khăn và đau khổ, gắn liền với cuộc chiến tranh tàn khốc và chính trị khắc nghiệt. Bằng cách viết những câu thơ đơn giản, nhưng sâu sắc và cảm động, Nguyễn Tất Nhiên đã thể hiện tâm trạng và cảm xúc của mình. Tác phẩm của ông đã góp phần lan tỏa văn hóa và ghi lại lịch sử trong thời kỳ khó khăn của đất nước..
Khi là lính và đồn trú ở Pleiku, tôi đã quen một cô bé trong một chuyến bay trực thăng từ Đà Lạt về. Hôm ấy, thời tiết thật xấu và cô bé ngồi bên cạnh tôi ói lên cả quần áo của tôi. Khi xuống đến phi trường trời mưa dữ dội, tôi lấy xe chở cô ra phố và bắt đầu quen nhau.
Mấy tháng hè, cô về thăm nhà và hình như ngày nào tôi cũng đều kiếm dịp để đến thăm cô. Mỗi lần tôi đến, không hiểu sao cô lại cho máy chạy bài hát “Thà Như Giọt Mưa”, mà Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Khúc Buồn Tình” của Nguyễn Tất Nhiên. Lời thơ, tiếng nhạc như có một điều gì gửi gấm, lạ lạ, bâng khuâng. Bài thơ thủ thỉ, thì thầm:
“người từ trăm năm
về ngang sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)…
Người từ trăm năm
Về khơi tình động
Ta chạy vòng vòng
Ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn
người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ…”
Tôi nhớ lúc ấy có những cơn mưa kéo dài suốt từ ngày này sang ngày khác. Đường phố tối tăm trơn trợt, lúc nào bầu trời cũng mù mù và cái lạnh, ướt át như bao phủ xung quanh. Có lần vừa nghe bản nhạc, tôi vừa đùa nghịch dấu đi cái kính cận của cô bé. Bình thường, mắt cô bé long lanh qua màn kính, nhưng lúc này, đôi mi cụp xuống và tôi muốn hôn vào khuôn mắt ấy mà rụt rè không dám. Có một chút gì ngây thơ nhưng cũng có một chút gì mời gọi thầm kín trong dôi mi khép hờ và đôi môi he hé. Có lúc, cô giơ hai tay ra đùa ngịch với những hạt nước mưa và lúc ấy tôi thấy những sợi lông măng, y hệt như thơ Nguyễn Tất Nhiên đã tả:
“thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vời vợi
trên ngọn lông măng…”
Mấy chục năm rồi, tôi vẫn còn như thấy lại cái cảm giác ngày đó. Cái lạnh của cao nguyên hình như làm cho trái tim người cần sưởi ấm hơn và bây giờ, cái rụt rè xưa, cái bâng khuâng cũ đã làm thành một kỷ niệm trong tôi. Mưa, những hạt mưa làm mềm nhung đi quá khứ. Hình như trời đất, gió mưa ở Pleiku cũng biết yêu đương, biết lãng mạn cùng người. Có những lúc, như nghe thấy mưa dạt dào trên mái nhà, sủi bóng trên mặt đường nhựa và làm uốt đầm mái tóc. Thời gian như làm dài mãi không gian của những trái tim đang dòn dã nhịp đập. Về sau này, khi nghĩ đến hay đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên tôi lại tìm thấy xúc cảm cũ, nhẹ nhẹ, buồn buồn…
Một lần khác, cũng lại thơ Nguyễn Tất Nhiên có mặt trong câu chuyện của tôi. Trong một cuộc hành trình hơn mười mấy tiếng đồng hồ trên chuyến bay mà Cao Ủy Tị Nạn thuê bao để đi định cư, tôi đã làm quen một cô bạn ngồi ghế bên cạnh. Cô học Trưng Vương có lẽ cùng thời gian với tôi, và là một cô… Bắc Kỳ chính cống. Chúng tôi nói chuyện trên trời dưới biển khá tương đắc, có lẽ vì chung một tâm trạng để cho chuyến bay ngắn đi. Cô nói chuyện rất sắc sảo, có nhiều suy nghĩ rất mạnh, có vẻ nhiều nam tính nên có lúc, tự nhiên tôi đọc:
“Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt
ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
nên yêu thương bằng gương mặt khờ khờ
nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”
Và cô bạn ấy đã chấm dứt gọn bài thơ bằng câu phán: “Bài thơ tán gái lãng xẹt… và vô duyên”. Bây giờ cô bạn ấy đang sống ở Quận Cam, không biết còn nhớ đến câu chuyện cũ. Dù sao cũng chỉ là kỷ niệm!
Còn Nguyễn Tất Nhiên, sau này khi đã quen tôi kể câu chuyện ấy, thì anh đổ quạu nói: “Thơ tôi làm đâu phải để ông… tán gái!”
Một điều khá lạ với tôi là Nguyễn Tất Nhiên còn phổ nhạc nhiều bài thơ như bài “Nga” của nhà thơ Nguyên Sa, hay ý thơ Đào Văn Dũng trong bài hát “Như màu nắng sân trường”. Và anh còn làm những bản nhạc như “Sông Chiều Áo Trắng”, “Paris Thu Khúc”, “Trên Nát Tan Tôi”, “Chiều Trên Đường Hồng Thập Tự”, “Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du”… Những bản nhạc này cũng được nhiều ca sĩ có tên tuổi trình diễn và cũng đã được thu băng cassette hay CDs. Những bài nhạc của ông nói lên tâm trạng của người xa xứ, bàng hoàng với cuộc biển dâu…
Trước năm 1975, thơ của Nguyễn Tất Nhiên được phổ biến rộng rãi nhờ Phạm Duy phổ nhạc.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về trường hợp phổ nhạc của mình: “Năm 1972. Đây là lúc những khổ đau của Tết Mậu Thân chưa kịp phai mờ trong đời sống của mọi người thì xảy ra những nhức nhối của Mùa Hè Đỏ Lửa. Tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé, bình ca… Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ…
Thế rồi, tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hòa bình… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị… Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc thì sẽ cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung (Duy Quang) trong ban nhạc gia đình là ban The Dreamers mà tôi đang cần “lăng xê”.
Sau khi tôi phổ bài Thà Là Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Đá, Nguyễn Tất Nhiên cung cấp cho tôi thêm nhiều bài thơ để tôi biến thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời hay là Anh Nam Kỳ Dễ Thương, Hãy Yêu Chàng, Hai Năm Tình Lận Đận… Những tên bài hát phần nhiều do tôi đặt ra, Chẳng hạn Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ được rút ra từ bài thơ mang tên Đám Đông.
Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… cả ba vị đều đã từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó..”
Có lần, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã nói chuyện với tôi về ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều nhạc tính và dễ dàng tạo ra những âm vang khi chuyển thể sang âm nhạc. Ông nói chữ nghĩa của Nhiên “mềm” nên dễ tạo những bản nhạc có tuổi thọ lâu dài. Chữ “mềm” của riêng nhạc sị Trầm Tử Thiêng như là một từ ngữ để nói lên đặc tính của thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nhà văn Vĩnh Hảo cũng nhận xét thật xác đáng thi sĩ này. Trong cảm nhận, có sẻ chia. Trong nhận xét, có niềm thương cảm :
“Anh nổi tiếng rất sớm. Vì thơ anh đi sớm hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, chiến tranh, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng… Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt. Vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ và được đón nhận nồng nhiệt. Bắt được giọng thơ tươi rói và đầy sức thu hút của anh, một nhạc sĩ tài danh phổ ngay thơ của anh thành nhạc làm rung động bao trái tim cuồng nhiệt yêu đương thời chiến loạn. Vậy rồi thơ anh cất lên thành cơn sóng lớn, vượt bờ. Không ai mà chẳng biết thơ anh. không ai mà không hát nhạc phổ thơ của anh.
Hãy đọc một số bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc mà ai cũng biết và nên nhớ rằng lúc ấy Nguyễn Tất Nhiên chỉ mới sấp sỉ ở tuổi hai mươi, để thấy cái tài hoa dị thường của anh.”
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, Nguyễn Tất Nhiên đã rời khỏi thế gian trong chiếc xe cũ kỹ nằm trong khuôn viên chùa Việt Nam. Cái chê’t đau xót làm nhiều người cảm xúc. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều bài văn, bài thơ nhắc đến anh và tưởng niệm anh. Có nhiều người lúc anh còn sống thường giúp đỡ anh thì thường chê bai, cho là một sự kiện của những người dựa vào tiếng tăm của anh để nhắc đến mình. Và, họ cho là chính họ mới là những người xứng đáng nhất để nói về và nhắc về người thi sĩ tài hoa ấy. Lúc sống mà không giúp đỡ nhau, thì lúc chết ca tụng nhau làm gì? Tôi cũng hơi lạ về cái sự muốn độc quyền ấy…
Riêng tôi, làm bài thơ tưởng niệm không ngoài chủ đích nói lên tình người, của một người làm thơ nghĩ về một người làm thơ vừa đi khuất. Bài thơ này tôi viết khi đang ở trên freeway 405 ngược lên phía bắc vào một buổi trưa đi làm. Đó là ngày 5 tháng 8 năm 1992. Có sự thảng thốt, về cuộc sống và con người
“ngày hôm qua thi sĩ đã chết
Nắng mùa hạ lửa đốt trong đầu
Mồ hôi đọng long lanh lệ khóc
Mặt thủy mờ kính cuộn nỗi đau
Một mình cơn mộng du không dứt
Xa lộ đông bỗng chẳng còn ai
Mặt nhựa xám đen thẳm ý mực
Vỡ tan tành nghiên bút loay hoay
Ngày hôm qua thơ tình đã hết
“thà giọt mưa trên đá” vỡ tan
cành “trúc đào” nở hoa oan nghiệt
rất yêu em dù nỗi muộn màng
đào mấy tầng tinh tuyền chất quặng
ngôn ngữ ròng cùng tận trái tim
gánh nhân gian đôi vai còn nặng
“Cũng cần cho hạnh phúc” cách riêng
Ngày hôm qua chuyến xe khuất biệt
Hạt bụi nào hành trang đi xa
Này “cô gái Bắc kỳ” mắt biếc
Nước mắt đành giọt nhỏ vỡ òa?
Hát lên đi bản nhạc xưa cũ
Như chiếc lá phơi nền cỏ nâu
Dáng mắt buồn đêm trắng ẩn dụ
Lửa vô minh khói ngút bờ lau
Ngày hôm qua trái đất đứng sững
Chân lao đao thế giới lạ lùng
Tiếng gió bật cuồng điên ngựa chứng
Vài câu thơ đọc giữa muôn trùng.
Sống là chịu vai trò thất ý
Mộng ngàn năm, mơ cũng vạn năm
Đáy tâm cảm loài hoa kỳ dị
Mọc rễ trong da thịt ăn năn
Ngày hôm qua thi sĩ đã chết
Gót chân trần dẫm cõi hư không
Bài thơ tình chẳng có đoạn kết
Ngôn ngữ rơi theo sóng bềnh bồng
Ai đã hỏi thơ bao nhiêu tuổi?
Ba trăm năm, ý nhớ tình quên
Thơ, thiên thu vẫn là tiếng gọi
Dìu dắt ai lạc chốn vô biên!”
Thơ Nguyễn tất Nhiên có những câu thơ như là lời thiên định. Khi còn trẻ, ông đã viết:
“Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời”.
Và cũng có câu thơ nào, như một tiếng than, của một người có trái tim giàu cảm lụy “Hồn ta đẹp nhưng đời ta thảm quá”. Cái bi thiết của một người nuôi nhiều mơ mộng nhưng thực tế lại mênh mông những bóng tối thẳm sâu. Cuộc sống như là trải dài từ những nợ nần từ bao giờ đến bây giờ phải trả để thi sĩ phải tự than thân “Ta mấy kiếp vẫn là ta mắc nợ”. Nợ tình, nợ đời, thành những câu thơ bi thiết, thành những tâm tình đầy dằn vặt thảm thê. Thơ, là nỗi niềm tràn ra từ những lời ân hận, những cấu xé của thâm tâm.
Lạ lùng, thơ như trải ra trước những phận số, nói trước những bi đát trong đời Nguyễn Tất Nhiên. Làm thơ ngày sinh nhật của người yêu sắp thành người vợ, sao lại có những câu thơ như lời sám hối:
“Khổ đau oằn nặng sinh thời
yêu ai tôi chỉ có lời thở than
có môi hôn trộm vội vàng
khiến em hoảng hốt trong cơn tình đầu
nụ cười giữ được bao lâu
nhân sinh là một dòng sầu miên man
sông dài rồi cũng chia phân
tình bao nhiêu lớn cũng tàn phai thôi
tôi đam mê siết thân người
hay đâu đá tảng đeo đời trăm năm
em gầy guộc, em mong manh
em chưa đủ sức long đong cùng chàng
em ngây thơ đến rỡ ràng
em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
em tội nghiệp, em tủi thân
em chưa tự chủ kịp ngăn lệ tràn..
lôi người té sấp. Gian nan
lỗi tôi, ừ đó, muôn phần lỗi tôi!”
Khi thành vợ thành chồng rồi hai người ly thân, Nguyễn Tất Nhiên mang đời sống tình cảm riêng của mình thành những bài thơ, buồn bã của một phận số không may và người đọc thấy rõ được tâm cảm đa lụy của một người nghệ sĩ. Đọc “Minh Khúc”, những bài thơ của chia ly, của nhớ thương và của những nỗi niềm ăn năn thống hối.
Đọc “Minh Khúc, 90.” Bài thơ của những não lòng, của nỗi niềm bời bời trong tim trong óc. Tôi đọc và vì nghĩ tim mình không phải là gỗ đá nên cũng thấy một phút se lòng.
“Đường không gian – đã phân ly
đường thời gian , đã một đi không về
những con đường mịt sương che
tôi vô định lái chuyến xe mù đời
cu tí ngủ gục đâu rồi?
Băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con !
Đường trăm năm – nát tan lòng
Đường ngàn năm – hận, xin đừng trả nhau!
Những con đường cuối năm nào
Cho tôi tìm lại cành đào ba sinh
Khi em lễ mễ với tình
Thắp nhang tạ tội sinh thành con đi
Đường chung đôi – đã chia đời
Đường chia đôi – vẫn hơi người quẩn quanh
Chim đêm hót tiếng đau tình
Đau tim tôi chở lòng thành kiếm em.”
Chiếc xe ấy, có phải là nơi chốn mà chàng thi sĩ thở hơi thở cuối cùng đi vào nơi miện viễn. Nơi ấy, trong một phút thảng thốt, nhìn lại băng sau để thấy “bời bời nhớ con”. Cũng chiếc xe ấy, đã có lúc chung đường chung đôi mà bây giờ thì chia đời… vạn dặm.
Lúc trước, Nguyễn Tất Nhiên làm bài thơ “Tịnh Khúc”. Những câu thơ của chịu đựng, của thinh lặng tâm tư. Những tiếng kêu than luôn kìm giữ trong lòng:
“Buồn ơi…
tôi bỏ tôi chìm đắm
trong tiếng làm thinh của ghế bàn
ghế bàn không sẻ chia sầu thảm
nhưng biết làm thinh lặng cảm thông
bàn ghế đâu như người vui nhảm
tọc mạch đời nhau để miệng mồm
buồn ơi, tôi muốn như bàn ghế
chịu đưng đời không chút thở than…”
và trong tận cùng của tuyệt vọng, vẫn là ý tưởng vì người:
“buồn ơi…
tôi bỏ tôi gần chết
tay đời bít lối chẳng ngưng tay
u đầu sứt trán lao vào vách
tội tình tôi sao nặng thế này?
Buồn ơi,
Trong đám đông tàn nhẫn
Một người chứng kiến đủ cho tôi
Nhờ ai tôi đã thành tâm nhẫn
Nhờ ai, tôi phục dưới chân đời
Buồn ơi, tôi muốn như dòng lệ
Cay đời như kẻ thích ăn cay
Buồn ai…
Tôi có tôi bàn ghế
Nguyện hiến cho đời một tấm lưng”
Ở Minh Khúc, những bài thơ cuối đời, Nguyễn Tất Nhiên vẫn là cậu bé học trò tuổi nhỏ, yêu say đắm và sồng chết với tình. Dù đã qua nhiều con lốc cuốn đi trong tình cảm và đời sống, vẫn là cậu bé ngây thơ với tuổi trẻ muôn năm. Anh hạnh phúc trong bất hạnh, câu nói có vẻ nghịch lý nhưng ở thi ca, cái tâm trạng ấy đã làm thơ anh gần với tuổi trẻ. Tôi mở ra rất nhiều trang web của những tuổi học trò, của lứa tuổi còn ngồi ghế nhà trường ở cả trong nước và hải ngoại thì thấy thơ Nhiên được đọc rất nhiều và số “fan” thần tượng thật là đông đảo. Những bài nhạc phổ thơ anh trong nhiều trường hợp là dấu tích của những kẻ yêu nhau, của thời đầy ắp mộng mơ, tràn đầy tâm sự.
Với thơ tình Nguyễn Tất Nhiên là ngôn ngữ thi ca tinh khôi, của những màu trắng tuy bị vọc vầy nhưng vẫn còn nguyên nếp lụa. Trong cuộc đời này, khi thời gian qua đi, khi xác thân rồi cũng vào tro bụi thì những câu thơ lại vẫn còn hiện hữu. Nguyễn Tất Nhiên là một biểu hiện.
Mười bài “Minh Khúc”, mười bài thơ xé ruột xé gan, như một phần hương hỏa của người thi sĩ mà đời sống nhiều bất như ý mà thi ca như những lời tâm sự đến tự thâm tâm:
“Đong tình đong nghĩa cho nhau
Trái tim nhân loại dù sao cũng còn
Đâu đây, đâu đó bên đường
Có thêm một tấm lòng thương tấm lòng
Nợ đời trả kiếp chưa xong
Ai đem đổ biển đổ sông nợ tình
Cho nhau nhiều it chân thành
Cũng như hương hỏa ba sinh vẫn còn
Sẻ chia khúc ruột đoạn trường
Kẻo vua Lê trách chàng Trương phũ phàng
Nợ đời trả chút văn chương
Nợ tình, ừ, trả con đường em đi
Sống không trách móc không về
Qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai
Chỉ xin sợi vắn sợi dài
tóc mai nhắn gió thương hoài ngàn năm
bữa qua qua bỗng đau lòng
nhớ hôm bậu hát bài đừng xa nhau…”
Đáng lẽ tôi còn trích dẫn nhiều bài thơ khác. Những bài khi anh viết lúc còn tuổi trẻ, những bài của “Thiên Tai”. Những bài thơ anh viết lúc tuổi đã lớn nhưng tâm còn trẻ của “Tâm Dung” hay “Chuông Mơ”. Hay những bài thơ cho người con gái Bắc, cho cô Bắc Kỳ nho nhỏ, cho những mối tình học trò, cho những ý nghĩ của một người tràn đầy lãng mạn bởi, ở Nguyễn Tất Nhiên, muôn thuở vẫn là một người xa lạ với cuộc sống dưới đất và gần gũi với trăng sao trên trời. Và, cũng phải có một lúc, để trở vế với nơi chốn thân quen, mà bất hạnh cũng nở hoa kết trái giống như hạnh phúc. Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh. Và, theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?
Nguồn: Nguyễn Mạnh Trinh
Khi tôi là lính ở Pleiku, tôi đã gặp một cô bé trên chuyến bay từ Đà Lạt. Chúng tôi bắt đầu quen nhau và mỗi khi cô về nhà, tôi lại tìm cơ hội để đến thăm. Cô bé thường chạy bài hát “Thà Như Giọt Mưa” trong mỗi lần gặp. Tôi nhớ những cơn mưa dày đặc và cái lạnh của cao nguyên. Mưa làm mềm những kỷ niệm và tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngày đó. Thêm vào đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên.
Hastags: #Thi #sĩ #Nguyễn #Tất #Nhiên #Cuộc #đời #buồn #như #những #bài #thơ