Các từ “tiếng Tây” như sault, treilli, poncho, demi garcon trong âm nhạc vàng có ý nghĩa như thế nào?.
Trong dòng nhạc miền Nam trước 1975 và nhạc tiền chiến, có 1 số bài hát mà người ta bắt gặp những ca từ tiếng Anh, Pháp xen lẫn trong lời nhạc, có thể gây khó hiểu đối với người nghe.
Xin ghi ra đây một số chữ tiếng nước ngoài xuất hiện trong các bài nhạc nổi tiếng.
Giày “xô” tôi đi…
Trong bài hát Thành Phố Sau Lưng của nhạc sĩ Hàn Châu có câu hát: Giày xô tôi đi, hằn trên lá cỏ…
Nhiều ca sĩ vẫn hát là “giầy xô” nhưng chắc không mấy người hiểu “xô” ở đây là gì. Chắc chắn là giày không thể “xô” người lính rồi, “xô” ở đây thực ra là “sault”, ghi đầy đủ là giày Botte De Sault, là loại giày cao cổ được dùng trong quân đội mà người ta thường thấy ở binh sĩ miền Nam (bộ đội miền Bắc thường mang dép râu).
“khoác áo trây-di”
Bài hát nổi tiếng Tình Thư Của Lính của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được bắt đầu bằng câu:
Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo treilli
Trong tờ nhạc của bài hát, chữ này được ghi là “Treilli”, tuy nhiên đúng hơn phải là “Treillis”, là 1 chữ tiếng Pháp, phát âm tiếng Việt là “Trây di”, là một dạng áo tay cánh, vài dày thô. Đây là chữ dùng để gọi áo lính ngày xưa.
Pông xô buồn liệm kín hồn anh…
Pông xô, tức là Poncho, là một loại áo mưa nhà binh được dùng khi hành quân rất tiện dụng. Nó có thể che mưa, che nắng, mắc thành lều, làm chiếu, làm võng, làm phao di chuyển trên sông… và trở thành một loại áo quan phủ kín người lính nằm xuống, như trong bài hát Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy (phổ từ bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của thi sĩ Linh Phương):
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh…
Trong bài hát Xin Đừng Yêu Tôi của nhạc sĩ Ngân Giang cũng có nhắc tới poncho:
Để quên đêm mưa phùn lạnh poncho
Quên đi gió rít biên thùy
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng có một bài hát rất hay về đời quân ngũ là Mưa Trên Poncho.
Poncho ban đầu là một loại áo choàng có nguồn gốc từ Mexico, vì sự tiện lợi của nó mà người Mỹ chế ra loại áo đi mưa bằng một loại vải không thấm nước và rất bền, sau đó được dùng nhiều trong nhà binh.
Tóc Đờ Mi Gạc Xông
Bài hát Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên có 2 câu đầu như sau:
Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc demi garcon…
Trong tiếng Pháp, demi là một nửa, garcon là con trai. Demi-garçon là gần giống con trai, và tóc demi-garçon là kiểu ngắn hơi giống con trai. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên vì tương tư cô gái xứ Bắc Kỳ tên Oanh nên đã viết thành bài thơ Đám Đông như sau:
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
chiều vui thương đón gió
có thương thầm anh không?
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
cười ngày thơ hết nụ
tình cờ thấy anh trông
khi không đường nín gió
bụi hết thời bay rong
khi không đường nín gió
anh lấy gì lang thang?
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
chiều đạp xe vô chợ
mắt như trời bao dung
anh vì mê mải ngó
nên quên thù đám đông!
…
Khăn san bay, lả lơi bên hai vai ai
Bài hát Gửi Người Em Gái Miền Nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được gắn với giai thoại rất lãng mạn, được kể lại như sau:
Trước thời điểm hiệp định Geneve, ca sĩ Mộc Lan, lúc này là vợ của nhạc sĩ Châu Lỳ, có buổi lưu diễn ở nhà hát lớn Hà Nội. Tại đây, Mộc Lan đã gặp gỡ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ngỡ ngàng trước nhan sắc và tài năng của của cô ca sĩ nổi tiếng người đất cảng, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã đem lòng thương nhớ. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngắn ngủi vì nữ ca sĩ chỉ lưu lại Hà Nội một ngày, sau đó cô phải về Hải Phòng thăm gia đình rồi lại vào Sài Gòn.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn quyết tâm chinh phục người đẹp. Không lâu sau khi Mộc Lan vào Sài Gòn, Đoàn “công tử” đã đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua bạn bè, ông mới biết rằng nàng đã có chồng, và chồng nàng cũng là một tài tử, nghệ sĩ nổi danh là nhạc sĩ Châu Kỳ. Tiếc nuối với mối tình vô vọng, nhưng với bản tính thích chơi ngông, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã thuê một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn để mỗi sáng thức dậy, người đẹp đều nhận được một bó hoa hồng thơm ngát. Tuy vậy, danh tính người tặng được giấu kín. Mộc Lan dù lúc đó đã là ca sĩ nổi danh nhưng chuyện được tặng hoa vào mỗi buổi sáng trong suốt nhiều tháng trời như thế chưa từng xảy ra. Người đẹp vô cùng xúc động lẫn tò mò về kẻ si tình bí ẩn. Nàng biên một lá thư cảm ơn, với những lời lẽ ẩn ý nhờ ông chủ tiệm hoa chuyển tới tay người tặng. Khi biết “kẻ tình si bí ẩn” chính là Đoàn “công tử”, Mộc Lan đã vô cùng bất ngờ và xúc động.
Rồi một ngày, cùng với đóa hồng xinh, người đẹp còn nhận được một cánh thư từ phương Bắc, trong đó có bài hát với tựa đề được viết nắn nót dòng chữ “Gửi người em gái miền Nam”. Để tỏ lòng trân trọng người đẹp, vị nhạc sĩ tài hoa đã kẻ khuông nhạc bằng tay rất cẩn thận trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang.
Trong bài hát này có câu:
Khăn san bay, lả lơi bên hai vai ai…
Lâu nay ca sĩ vẫn hát là “khăn san”, nhưng có mấy ai hiểu nghĩa khăn san là khăn gì. Khi nhìn lại lời bài hát này được chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chép tay, chúng ta thấy ông ghi như sau:
Đó là khăn châle, một từ tiếng Pháp, có nghĩa là khăn choàng cổ.
Đông Kha
nhacxua.vn
Các bài hát miền Nam trước năm 1975 và tiền chiến có chứa các từ tiếng Anh, Pháp, gây khó hiểu cho người nghe. Ví dụ, trong bài hát “Thành Phố Sau Lưng” của Hàn Châu có câu “Giày xô tôi đi” thực chất là “Giày Botte De Sault”, một loại giày cao cổ. Trong bài hát “Tình Thư Của Lính” của Trần Thiện Thanh, “khoác áo trây-di” là “Treillis”, một loại áo lớp dày. “Pông xô” là “Poncho”, một loại áo mưa. “Tóc demi garcon” là kiểu tóc ngắn hơi giống con trai. “Khăn san” là “khăn châle”, tức là khăn choàng cổ.
Hastags: #Những #chữ #tiếng #Tây #trong #nhạc #vàng #sault #treilli #poncho #demi #garcon #có #nghĩa #là #gì