“Quái kiệt” Trần Văn Trạch là người đã tổ chức “Đại Nhạc Hội” đầu tiên và tiên phong trong việc phát triển tân nhạc Việt Nam. Ông đã lập một bước đi mới và nổi bật với sự sáng tạo và tinh thần tiên phong của mình. Từ việc tổ chức những cuộc hòa nhạc lớn, ông đã giúp tạo ra không gian để các nghệ sĩ trình diễn và giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến công chúng. Cống hiến và đóng góp của Trần Văn Trạch đã góp phần xây dựng cộng đồng âm nhạc Việt Nam ngày nay..
Bài viết này có thể xem là đầy đủ nhất về ca sĩ – nhạc sĩ Trần Văn Trạch, được viết bởi giáo sư nhạc sĩ Trần Quang Hải – là cháu ruột của “quái kiệt” Trần Văn Trạch. Thế hệ nghe nhạc sau này có thể ít biết về Trần Văn Trạch và những tác phẩm của ông, vì ông hoạt động sôi nổi nhất là vào những lúc sơ khai của tân nhạc Việt Nam hồi thập niên 1940, 1950. Trần Văn Trạch có thể xem là một trong những “bầu sô” đầu tiên và là người đặt ra khái niệm “đại nhạc hội” vẫn đang còn phổ biến ở hiện nay.
—
Viết về cuộc đời của một nghệ sĩ danh tiếng là khó rồi. Viết về một nghệ sĩ “lập dị” đã chinh phục cảm tình của khán giả qua hai thế hệ, mà người đó lại là chú ruột của người viết bài này thì lại khó hơn nữa. Làm sao có thể viết một bài phê bình, nói gần nói xa như “mèo khen mèo dài đuôi”?
Cái khó của tôi là không biết nhiều về ông chú của tôi đứng về mặt gia đình. Có thể nói là suốt thời gian tôi sống ở Việt Nam, tôi chỉ gặp chú tôi tổng cộng độ 10 lần. Mà khi gặp chú thì ít khi được nói chuyện vì lúc đó tôi hãy còn quá nhỏ. Tôi chỉ được xem chú Ba Trạch trình diễn ba lần tại Saigon: một lần vào khoảng 1948 tại dancing Théophile, vùng Dakao, lúc đó tôi mới có 4 tuổi; một lần lúc chú tôi từ Pháp về năm 1961 hát bài “Chiều mưa biên giới” (nhạc và lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông) với dàn nhạc Pháp thu vào băng sẵn để hát kèm theo kiểu hát play back, và được xem chú tôi biểu diễn trò múa rối học được ở Pháp về. Và lần chót là trước khi tôi rời Việt Nam vào khoảng cuối năm 1961.
Hình ảnh người chú tóc dài, chạy xe Mercedès cũ xì, được báo chí tặng cho danh hiệu “quái kiệt” vẫn còn in rõ trong trí nhớ của tôi.
Cái khó thứ hai là tôi không ở trong nghề, không biết được bộ mặt thật sự của hậu trường sân khấu, cũng như không có sống, nếm mùi ngọt, bùi, cay, đắng của nghề bán giọng hát đổi lấy chén cơm. Do đó, tôi không có một kỷ niệm nào để kể cho các bạn, như đa số các nghệ sĩ Việt Nam mà tôi may mắn được gặp và nghe họ kể những bước thăng trầm của cuộc đời rày đây mai đó trên những nẻo đường mòn Việt Nam từ thành thị tới thôn quê .
Thưởng thức giọng hát Trần Văn Trạch với các nhạc phẩm thu âm trước 1975
VÀI DÒNG VỀ THỜI THƠ ẤU Ở SẦM GIANG
Trần Văn Trạch, tên thật là Trần Quang Trạch, sinh năm Giáp Tý (1924) tại làng Đông Hòa, ở Mỹ Tho, trong gia đình có rất nhiều người biết về nhạc, nhứt là nhạc cổ. Ông cố tôi, Trần Quang Diệm, ngày xưa được gởi ra Huế để học đờn tỳ bà trong thành nội. Ông nội của tôi, Trần Quang Triều, biệt danh là Bảy Triều, nổi tiếng trong giới cổ nhạc qua tiếng đờn kìm lên theo dây Tố Lan do ông nội tôi sáng chế ra. Dây Tố Lan của đờn kìm khác với cách lên dây thường của đờn kìm. Bình thường đờn kìm có 2 dây, được lên dây cách nhau một quãng 5 (do – sol). Còn lên dây Tố Lan thì hai dây phải cách nhau một quãng 7 thứ (do – sib).
Gia đình bên phía ông nội tôi còn có bà cô Ba tên là Trần Ngọc Viện, người đã thành lập gánh hát Đồng Nữ vào khoảng năm 1927 với một điểm đặc biệt là tất cả các diễn viên trong gánh hát toàn là đàn bà. Trong một dịp khác, tôi sẽ viết một bài về gánh hát Đồng Nữ, một hiện tượng duy nhứt trong lịch sử cải lương miền Nam.
Bên phía bà nội tôi thì có ông cậu Năm tên là Nguyễn Tri Khương, từ trần vào năm 1962, một nhạc sĩ chuyên về sáo, lại thông hiểu về lý thuyết nhạc cổ, đã giúp cho ba tôi là cố giáo sư Trần Văn Khê khi viết luận án tiến sĩ về nhạc Việt. Ông Nguyễn Tri Khương còn là thầy tuồng của gánh Đồng Nữ và là tác giả những bài hát mới mà ngày nay rất ít người biết như các bài Thất trĩ bi hùng, Yến tước tranh ngôn, Phong xuy trịch liễu, Bắc cung ai,… Ông cậu Tư có một người con rất giỏi về nhạc. Đó là cố nhạc sĩ My Ca (tên thật là Nguyễn My Ca) mất vào năm 1944 trong lúc chống Pháp. Bác My Ca là anh em cô cậu với ba và chú tôi, chỉ được biết tiếng qua nhạc phẩm “Dạ Khúc”.
Những dòng trên đây được viết ra với mục đích là giúp các bạn hiểu rõ trong bối cảnh nào chú tôi là Trần Văn Trạch đã sống và hấp thụ nhiều khía cạnh âm nhạc trong khoảng thời ấu thơ tại làng Vĩnh Kim, làng Đông Hòa, làng Bình Hòa Đông của tỉnh Mỹ Tho miền Nam Việt Nam.
Ông bà nội tôi có ba người con. Người con cả là Trần Văn Khê (1921-2015), cựu giáo sư dân tộc nhạc học, một nhà chuyên môn về nhạc cổ truyền Á châu, sinh sống 55 năm tại Paris và ngoại ô. Kế đến là Trần Văn Trạch (1924-1994), từ trần tại Paris năm 1994. Người con gái út là Trần Ngọc Sương (1925 – ) đã có một thời nổi tiếng lấy biệt hiệu là Ngọc Sương, sau đổi lại là Thủy Ngọc trong những năm 1948-50, và hiện sống tại Montréal, xứ Canada.
3 anh em: Trần Văn Khê – Trần Ngọc Sương – Trần Văn Trạch
Chú Trạch lúc nhỏ rất có khiếu về nhạc. Học đánh đờn kìm và đờn tỳ bà rất sành. Lại có giọng hát ấm êm ca vọng cổ mùi không thua gì Năm Nghĩa thời đó. Tuy biết về cổ nhạc nhưng lại thích tân nhạc hơn. Lúc khoảng thời đó (1937-39) cố nhạc sĩ My Ca rất giỏi về đờn violon, và ba tôi thiên về mandoline để hợp tấu với nhau những bản nhạc Pháp nổi tiếng thời đó như “J’ai deux amours”, “Marinella”.
Phong trào phát động nhạc mới được giới trẻ theo một cách mạnh mẽ. Chú tôi theo học chữ ở Collège de Mytho (trường trung học Mỹ Tho) cho tới năm 1942 thì rời ghế nhà trường. Tuy ở trong gia đình nhạc sĩ, nhưng lại là người thích buôn bán làm ăn, nên chú Trần Văn Trạch mới lập ra lò làm chén ở Vĩnh Kim. Sau một vài năm buôn bán, coi bộ không khá lắm, nên bỏ nghề lên Saigon tìm việc sinh sống. Khoảng năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng, Pháp trở lại Việt Nam, những phòng trà nho nhỏ mở cửa trở lại. Chú tôi mới bắt đầu tìm kiếm được một phòng trà nhỏ (loại salon de thé) ở đường Lagrandière.
Trần Văn Trạch năm 1941
DANH TỪ “ĐẠI NHẠC HỘI” XUẤT HIỆN
Có lẽ rất ít người biết từ đâu xuất phát danh từ “đại nhạc hội”. Chú Trần Văn Trạch làm hoạt náo và hát tại dancing Théophile ở vùng Dakao từ năm 1947-1948. Các bản nhạc hài hước đầu tiên không phải do Trần Văn Trạch sáng tác mà là của cố nhạc sĩ Lê Thương. Nhạc sĩ Lê Thương được nhiều người biết qua bài Thằng Cuội, Hòn Vọng Phu 1,2,3. Chính nhạc sĩ Lê Thương đã chính thức khơi mào loại nhạc hài hước như bản “Hòa Bình 48” cũng được ba tôi và chú tôi tung ra thị trường với những màn bắt chước các thứ tiếng Anh, Nga, Tàu… Nhạc sĩ Lê Thương có viết năm 1948 một bản nhạc tựa là Làng Báo Saigon do Trần Văn Trạch hát vài lần trên sân khấu nhưng bị chánh phủ cấm. Nhạc sĩ Lê Thương đã viết:
Báo Sài thành từ suốt ba năm nay
Sống một cuộc đời bất bình, mập mờ cũng hay
Nếu mai sau mà anh muốn nói láo
Cứ nghe tôi mà anh cứ viết báo
Công chúng đang buồn, nghe nói một hồi,
Như thác nhớ nguồn, nên cũng đành thôi
Đoạn giữa có câu:
Nào xin kính chào này
Mừng tân thử tướng mới
Chừng coi gió chiều nào
Là xoay đổi hướng…
Trần Văn Khê – Trần Văn Trạch – Lê Thương
Viết lời nhạc có tánh cách chánh trị, nên sau đó những Lê Thương, Trần Văn Trạch, Phạm Duy và Đức Quỳnh đã “bị mời” vô bót Catinat mấy ngày. Đến năm 1949, Trần Văn Trạch thấy rằng tân nhạc bắt đầu thịnh hành. Các nữ ca sĩ như Minh Trang, Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tâm Vấn góp mặt trên đài Pháp Á, trên các sân khấu trình diễn tân nhạc. Trần Văn Trạch mới có ý nghĩ “lăng xê” danh từ “đại nhạc hội” để chỉ định những buổi hát bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch trong một chương trình văn nghệ. Từ đó trở đi, “đại nhạc hội” được thông dụng cho tới ngày nay.
Sau đó Trần Văn Trạch thấy rằng muốn khuếch trương khía cạnh tân nhạc, chỉ có cách là mang tân nhạc xen kẽ với những màn ảo thuật, xiếc vào những buổi chiếu phim hát bóng, vì lúc đó phim hát bóng rất thịnh hành, người đi coi hát rất đông, thuận tiện cho việc phổ biến tân nhạc Việt lúc đó hãy còn trong giai đoạn phôi thai.
PHỤ DIỄN TÂN NHẠC TRÊN SÂN KHẤU
Sau thế chiến thứ hai, cuộc sống trên thế giới trở lại bình thường. Nền kinh tế bắt đầu tìm lại thế quân bình. Dân chúng bắt đầu đi coi hát, nghe nhạc, có nhiều cách giải trí hơn. Lúc bấy giờ, xứ Việt Nam hãy còn là thuộc địa của Pháp. Mà ở xứ Pháp vào thời buổi đó bắt đầu có chuyện phụ diễn tân nhạc hay những màn hát thuật giữa phim thời sự, quảng cáo, và phim chánh. Trần Văn Trạch thấy hình thức đó hay nên mới tìm cách phổ biến hiện tượng đó tại Saigon. Nhạc sĩ Đức Quỳnh và chú tôi hợp tác với nhau, và lựa rạp hát bóng Nam Việt làm nơi thử thách đầu tiên.
Lúc đó vào khoảng năm 1951. Được dân chúng thích và đòi hỏi, Trần Văn Trạch mới lần lượt phổ biến chuyện phụ diễn tân nhạc tới những rạp hát khác và lần lần làm thành “hệ thống dây chuyền”. Tân nhạc thiếu bài mới để hát, các nhạc sĩ mới đua nhau sáng tác những nhạc phẩm phù hợp với nhu cầu của dân chúng trong thành phố.
Các ca sĩ không thể đem lên sân khấu những ca khúc hùng mạnh đầy màu sắc đấu tranh giặc giã. Nhờ đó mà mới nảy sanh phong trào sáng tác nhạc rất mạnh. Trần Văn Trạch bắt đầu nổi tiếng về tài hài hước và kể chuyện, rồi sang hát một vài bản nhạc diễu để chọc cười khán giả. Bài bản lại thiếu, nên chú tôi bắt buộc phải sáng tác những bản đúng “ní tấc”. Nhờ đó mà một số bản nhạc “diễu” được ra đời và đi sâu vào lòng dân chúng mãi cho tới ngày hôm nay .
NHỮNG NHẠC PHẨM HÀI HƯỚC CỦA TRẦN VĂN TRẠCH
Trần Văn Trạch có một lối hát mộc mạc, đúng giọng miền Nam để hát, lời lẽ rất đơn giản, không cầu kỳ, màu mè, những từ ngữ được nghe trong đời sống hàng ngày, nhưng chủ đề lấy từ cuộc sống người dân nghèo nên rất dễ làm xúc động người nghe.
Bài hát hài hước đầu tiên được chú tôi sáng tác tức là “Anh phu xích lô” (1951). Về nhạc thì sử dụng âm giai thất cung, với những câu nhạc dễ nhớ được lặp đi lặp lại. Về tiết tấu thì sử dụng nhiều nhịp ngoại, hát mau và phải “giựt” theo kiểu swing để cho vui nhộn hơn.
Tôi chỉ nhở đoạn đầu của bài hát “Anh phu xích lô” như sau:
Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn
Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới
Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới
Ê ! Tôi xin mời lại đây
Chiếc xe này có bảo kiết cho thật chắc
Bánh xe thì tốt thùng có bọc sắt
Nếu khi mà có đụng phải xe jeep
Quý ngày chẳng hề hấn gì.
Khi thấy loại nhạc này hấp dẫn người nghe, chú tôi mới tiếp tục viết thêm một số nhạc phẩm hài hước khác như “Chuyến xe lửa mùng 5” (1952) kể lại chuyện một anh chàng lấy xe lửa về thăm mẹ. Trên xe lửa, để cho qua thì giờ, ngồi đếm cột đèn mà bị người bên cạnh hỏi tới hỏi lui. Đến khi về nhà mới hay mẹ mình đã từ trần. Câu chuyện lúc đầu thì thấy cười. Nhưng kết cuộc là “cười ra nước mắt”.
Trần Văn Trạch và nhạc phẩm hài hước Chuyến Xe Lửa Mùng 5 tại hải ngoại
Cho tới ngày ký hiệp định Genève (1954), Trần Văn Trạch đã viết khá nhiều bài như “Cái Tê-lê-phôn”, “Cái đồng hồ tay”, “Anh chàng thất nghiệp”, “cây bút máy”, “Đừng có lo”…
Để cho các bạn biết sơ qua một số bài với âm điệu, tôi xin tạm ghi lại một đoản khúc của một vài bài điển hình như “Cái tê-lê-phôn” được bắt đầu như sau:
Từ đâu nạn đưa tới
Gắn chi cái tê-lê-phôn
Bởi tôi muốn làm tài khôn
Khiến tôi muốn thành ra ma
Không vào Chợ Quán cũng đi Biên Hòa
Trần Văn Trạch hát “Cái Tê-lê-phôn” trước năm 1975
Trong năm 1952, tôi muốn nói tới hai bản nhạc của Trần Văn Trạch đã được rất nhiều người biết tới mà không phải là nhạc hài hước. Đó là bản “Chiến xa Việt Nam”, và một bản khác mà hầu hết những người Việt miền Nam đều đã có nghe qua rất thường. Đó là bài “Xổ số kiến thiết quốc gia”. Trong vòng 23 năm từ 1952 tới 1975, mỗi tuần tại rạp Norodom (sau đổi thành rạp Thống Nhất), đều có nghe hát bản nhạc này trước khi xổ số.
Tôi ghi lại đây bản nhạc này mà tôi không thấy trong những tập nhạc được sản xuất tại hải ngoại sau 1975.
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm mười đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Mua số quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số …gần….đến.
https://www.youtube.com/watch?v=gXCqMCxXnE0
Bài “Chiến xa Việt Nam” (1952) đã được nghe nhiều lần thời đệ nhứt cộng hòa. Nữ ca sĩ Bạch Yến lúc hãy còn là em bé Bạch Yến đã hát bài này khi dự thi tuyển lựa tài tử ở Đài Pháp Á khoảng 1953. Trong những kỳ đi diễn binh nhân ngày Quốc khánh, chúng ta cũng có được nghe bài này. Thời gian trôi qua, những bản nhạc hùng mạnh như Thúc Quân, Xuất quân, Hận sông Gianh, Chiến xa Việt Nam… mờ dần trong trí nhớ người Việt:
Khi miền Nam trở thành một quốc gia cộng hòa thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm (1956 – 1963), nhạc sĩ Trần Văn Trạch sáng tác rất ít. Chỉ có một bài ca hài hước được ra đời là bài “Ba chàng đi hỏi vợ” (1956).
BAN SẦM GIANG TRÊN ĐÀI PHÁT THANH
Những ai ở vào tuổi thất tuần đều có dịp nghe ban Sầm Giang do Trần Văn Trạch đảm trách trên đài phát thanh Pháp Á từ năm 1950 tới 1954. Con sông Sầm Giang ghi nhiều kỷ niệm trong cuộc đời thơ ấu của chú tôi nên khi lập một ban nhạc hay một đoàn hát, chú tôi mới lấy tên con sông này để “dựng bảng hiệu”. Bản nhạc được nghe báo hiệu chương trình ban Sầm Giang trên đài là một bản nhạc do cố nhạc sĩ My Ca sáng tác cho một tiệm mới khai trương tại Vĩnh Kim khoảng 1940 và chú tôi lấy điệu nhạc này và đặt lời mới vô .
Ban Sầm Giang quy tụ một số nhạc sĩ gạo cội như cố nhạc sĩ Võ Thu, Khánh Băng… về sau có cố nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, các ca sĩ nổi tiếng thời 1950 như Trần Văn Trạch, Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy Hoa, Tâm Vấn. Đến năm 1953, có thêm những bộ mặt mới như nữ kịch sĩ Bích Thuận, ban Thăng Long, Duy Trác, Tùng Lâm, “em bé” Hùng Cường, và “em bé” Bạch Yến.
Trần Văn Trạch & Bạch Yến, 1963
Với một chương trình hàng tuần về ca, nhạc, kịch, Trần Văn Trạch đã chinh phục thính giả và nhờ đó những chương trình “đại nhạc hội” được nối tiếp và phát triển trên toàn xứ.
Năm 1953, Trần Văn Trạch diễn tại Hà Nội và rất được hoan nghinh, vì bộ môn hài hước không có trên đất Bắc. Chú tôi phải dời ngày về Saigon mấy lượt khiến cho những bạn bè nghệ sĩ đi “đón hụt” mấy lần vì chú tôi “không chịu về”. Sau chuyến đi thành công này, Trần Văn Trạch dự định đưa một đoàn nghệ sĩ miền Nam ra diễn ngoài Bắc lấy tên là “Đoàn Gió Nam”. Việc tổ chức đang tiến hành thì hiệp định Genève (1954) đã chia xứ Việt Nam ra làm hai, nên chuyến đi Bắc của đoàn nghệ sĩ miền Nam không bao giờ được thực hiện.
TRẦN VĂN TRẠCH VỚI ĐIỆN ẢNH
Nền điện ảnh Việt Nam ở trong giai đoạn phôi thai. Khoảng 1955, Chú tôi mới cộng tác với hãng phim Mỹ Phương bên Pháp do bà Mỹ Phương (vợ ông Trần Văn Trai, chủ nhà hàng Âu Cơ ở Paris), làm giám đốc sản xuất với sự phụ lực của Phùng thị Nghiệp và Eric Lê Hùng (bấy giờ là đạo diễn nổi tiếng ở Paris). Hai cuốn phim được quay là “Lòng Nhân đạo” (1955) với Trần Văn Trạch, Kim Cương, Hà Minh Tây (anh Tây trước làm việc cho đài truyền hình Pháp) thủ vai chánh, và phim “Giọt Máu Rơi” (1956) với Trần Văn Trạch và Kim Cương. Tuy rằng hai cuốn phim này chưa đạt được đúng mức trình độ diễn xuất, nhưng rất được sự ủng hộ của khán giả Việt Nam lần đầu thấy người Việt đóng phim.
Trần Văn Trạch sau đó mới rời hãng Mỹ Phương để cộng tác với người Tàu ở Chợ Lớn để lập hãng phim Việt Thanh, và tự làm đạo diễn cho hai cuốn phim về chuyện cổ tích Việt Nam. Đó là hai cuốn phim “Thoại Khanh Châu Tuấn” (1956) với Kim Cương, Vân Húng thủ vai chánh, và “Trương Chi Mỵ Nương” (1956) với Trang Thiên Kim và La Thoại Tân.
Năm 1957, chú tôi bị đau thập tử nhứt sanh suốt cả năm. May nhờ có bác sĩ Phan Văn Đệ cứu sống. Chú tôi từ giã nghề điện ảnh Việt Nam lúc đó bắt đầu bành trướng và phát triển mạnh với những nhà đạo diễn chuyên nghiệp và những tài tử điện ảnh như Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Kiều Hạnh…
Tuy chú tôi không có tiếp tục ngành điện ảnh, nhưng cũng có đóng góp khá nhiều cho sự hình thành nền điện ảnh Việt Nam tại miền Nam Việt Nam.
Văn Chung, Phượng Liên, Thành Được, Trần Văn Trạch & Kim Ngọc năm 1969 Đoàn Dạ Lý Hương
GIAI ĐOẠN TỔ CHỨC ĐẠI NHẠC HÔI
Không có một nghệ sĩ Việt Nam nào mà không biết Trần Văn Trạch, đa số ai cũng đã có dịp làm việc chung với chú tôi ít nhứt là một lần trong đời. Có người gọi chú tôi là “Anh Ba”, có người trong lớp nghệ sĩ trẻ gọi là “Chú Ba”. Với những chương trình đại nhạc hội, chú Trạch đã có dịp đi khắp các tỉnh, các làng ở miền Nam. Trong thời đệ nhứt cộng hòa (1956-1963), Trần Văn Trạch đã thực hiện nhiều chương trình ca, vũ, nhạc, kịch ngày càng lớn với môt thành phần nghệ sĩ càng ngày càng đông. Rồi Kim Cương, ban Dân Nam, Hoàng Thi Thơ… nhảy vô làng tổ chức đại nhạc hội cho tới tháng 4 năm 75.
Năm 1960, chú tôi mới đi sang Pháp tìm những ý tưởng mới. Ở Paris, chú thường xuyên hát tại nhà hàng “La Table du Mandarin”, Paris, quận 1, nơi duy nhứt ở Paris có chương trình văn nghệ Á châu mỗi đêm cho khách Tây phương. Cũng nơi tiệm này do ông Phạm Văn Mười làm chủ, đã được những ca sĩ Việt Nam nổi tiếng thời đó như Thiên Hương, rồi Bạch Yến (lúc sang Pháp từ 1961 tới 1963), và Bích Chiêu (1962-1964), kế tới nữ nghệ sĩ Phùng Há và Kim Cương (1964-1965) đến hát.
Sau một thời gian lưu lại Pháp khoảng 6 tháng, chú tôi trở về Saigon với một tiết mục mới là trò múa rối (marionnettes sur tige) và bản “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn Văn Đông được hát theo kiểu sound track, có nghĩa là hát thật sự trên sân khấu với dàn nhạc của Pháp thâu sẵn trên băng nhựa. Tôi có dịp đi xem chú tôi biểu diễn lần đó tại một rạp hát ở Saigon (dường như là rạp Hưng Đạo, tôi không nhớ rõ lắm).
Trần Văn Trạch hát Chiều Mưa Biên Giới trước năm 75
Từ khi có quân đội Mỹ vào miền Nam ngày càng đông, những club dành cho lính Mỹ mọc lên như nấm, các ca sĩ hát nhạc trẻ càng thấy nhiều hơn. Chú tôi đóng vai “ông bầu” để tổ chức những chương trình nhạc trẻ cho lính Mỹ từ năm 1965 trở đi. Trong thời gian này, chú tôi có sáng tác môt vài bản nhạc không được phổ biến cho lắm như bài “Highway 19” đặt theo điệu Long hổ hội, nhạc cổ nhưng trên lời Mỹ và theo nhịp vuông.
TRẦN VĂN TRẠCH SAU NĂM 1975
Sau năm 1975, Trần Văn Trạch không còn giữ chức vụ “quản lý” các nghệ sĩ miền Nam nữa, tạm sống một cuộc đời bình thường, với những chuyến lưu diễn địa phương cùng với một số nghệ sĩ miền Nam còn ở lại lúc đó như Nguyễn Long, tự Long Đất, Quốc Anh (hiện sống ở California, Hoa Kỳ)
Cho tới tháng 12 năm 1977, Trần Văn Trạch rời Saigon sang Paris. Từ đó trở đi cho tới ngày từ trần (tháng 4 năm 1994) là 17 năm, nghệ sĩ Trần Văn Trạch từng nổi tiếng là “Quái Kiệt” vẫn âm thầm hoạt động trong văn nghệ. Có một dạo đi đóng kịch với một đoàn hát của Pháp, lưu diễn khắp các tỉnh ở Pháp rồi thỉnh thoảng đi đóng một vài vai phụ trong các phim của Pháp. Rồi chú tạm ngưng làm việc cho Pháp để xoay ra làm nghề khác để sinh nhai.
Sáng tác âm nhạc dường như bị “nghẹn” đi. Mười bảy năm qua mà chú sáng tác vài bài thôi, vì lẽ cuộc sống mới ở hải ngoại thúc hối con người ta phải luôn luôn chạy với nhịp sống quá ồ ạt, khiến cho chú tôi lớp phải lo việc đem vợ con sang Pháp rồi lại phải lo kiếm việc làm độ nhựt.
Phạm Duy, Cao Thái, Trần Văn Trạch tại Paris, 1982
Tuy nhiên, chú tôi cũng có góp mặt vào trong làng tân nhạc Việt ở hải ngoại qua ba cuốn “Hài hước Trần Văn Trạch” (Thúy Nga, Paris, 1982), “Con đường hạnh phúc” (Thanh Lan, 1983), và “Allo, Paris” (Giáng Ngọc, 1986). Về phía phim vidéo, Trần Văn Trạch cũng có làm một cuốn kỷ niệm “Hài hước Trần Văn Trạch” do ông Cử ở quận Cam, Hoa Kỳ thực hiện năm 1983. Chú tôi cũng có góp mặt trong cuốn thi ca nhạc kịch Việt Nam do Hà Phong thực hiện tại Paris năm 1984 với Bích Thuận, Trần Văn Trạch, Trần Quang Hải, Bạch Yến và Hùng Tiến.
Chú tôi cũng đã có đi diễn cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984, và thường trực có mặt trong những buổi hát giúp lấy tiền cho những con tàu vớt người di tản. Ở Âu châu từ Anh sang Đức, từ Bắc Âu sang Thụy Sĩ, chú tôi vẫn còn tạo những trận cười qua những màn diễu ăn khách ngày xưa .
Tháng 4 năm 1994, chú tôi từ giã cõi trần sau vài tháng năm nhà thương tại Paris vì bịnh viêm gan. Ba tôi từ Việt Nam trở qua Pháp làm chủ tang lễ với sự hiện diện của rất đông ca nhạc sĩ Việt Nam. Chú được chôn tại nghĩa trang Cimetière intercommunal de Valenton (Val de Marne), Pháp.
Giáo sư Trần Quang Hải bên mộ chú ruột Trần Văn Trạch
Với trên 40 năm trong nghề, từng là người tiên phong trong việc tổ chức nhạc hội, người đã đặt ra danh từ “đại nhạc hội”, người đã góp công vào nền điện ảnh Việt, người duy nhứt của Việt Nam đã ra những bản nhạc hài hước lấy từ những đề tài cảnh khổ của người dân nghèo.
Tôi nghĩ rằng, đối với những người làm văn nghệ, Trần Văn Trạch đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam như một số nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Lê Thương, Hùng Lân, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lưu Hữu Phước, Hoàng Giác… Có người sáng tác nhạc gợi hứng từ dân ca (Phạm Duy), hùng tráng có tính cách tranh đấu (Lưu Hữu Phước), hay mang màu sắc địa phương miền Nam (Lam Phương), và cũng có người thích khôi hài (Trần Văn Trạch, Lữ Liên).
Sự đóng góp của biết bao nhạc sĩ có tài của miền Nam Việt Nam cần phải được duy trì qua những bài viết, hay những quyển sách ghi lại những tài năm âm nhạc của miền Nam trong giai đoạn 1954-1975. Chỗ đứng của Trần Văn Trạch hoàn toàn riêng biệt trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, và sự đóng góp của chú tôi cho nền tân nhạc Việt Nam sẽ để lại cho thế hệ mai sau một hình ảnh khó kiếm giữa rừng nhạc Việt đầy hoa thơm cỏ lạ.
Nguồn: Giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải (tranquanghai.info)
Biên tập: nhacxua.vn
Bài viết này nói về ca sĩ – nhạc sĩ Trần Văn Trạch, người hoạt động trong thời kỳ sơ khai của tân nhạc Việt Nam. Ông được coi là một trong những người đặt nền móng cho “đại nhạc hội” hiện nay. Tác giả của bài viết, Trần Quang Hải, là cháu ruột của Trần Văn Trạch. Ông chia sẻ về những kỷ niệm hẹn hò với chú Trạch và miêu tả về cái khó khăn khi viết về một nghệ sĩ mà ông không biết nhiều về cuộc sống và sự nghiệp của ông.
Hastags: #Quái #kiệt #Trần #Văn #Trạch #Người #đầu #tiên #tổ #chức #Đại #Nhạc #Hội #và #những #bước #đi #tiên #phong #của #tân #nhạc #Việt #Nam