Nhạc Tiền Chiến – Lời kể của Nhạc sĩ Lê Thương – Cực hay Thanhhaaudio

Nhạc Tiền Chiến là một thể loại nhạc được sáng tác và trình bày trong thời kỳ Tiền Chiến tranh. Nổi bật trong danh sách những nhạc sĩ tài năng của thời kỳ này là Lê Thương, người đã góp phần tạo nên những giai điệu đặc trưng và lời thuật sâu sắc cho thể loại nhạc này. Lê Thương đã nắm bắt tâm lý của người dân trong thời gian khó khăn và biểu đạt những tình cảm của họ qua những bài hát như “Chiến Sĩ Việt Nam Anh Hùng”. Nhạc Tiền Chiến của Lê Thương mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa đặc sắc..

Bạn đang xem bài viết về Nhạc Tiền Chiến – Lời thuật của Nhạc sĩ Lê Thương tại Thanhhaaudio – Liên hệ Hotline để được tư vấn kiến thức âm thanh: 0358866266

Lời Ban Biên Tập: Bài viết này do nhạc sĩ Lê Thương viết năm 1970, là bài viết đầy đủ nhất về thể loại nhạc tiền chiến. Lâu nay, nhiều người nghe nhạc, thậm chí là các nhà nghiên cứu âm nhạc, vẫn thường xuyên sử dụng sai khái niệm “nhạc tiền chiến”. Bài viết này cung cấp một cái nhìn toàn vẹn về quá trình hình thành, phát triển của dòng nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, khởi đầu từ năm 1937. Đặc biệt hơn, bài viết này là của nhạc sĩ Lê Thương, là nhạc sĩ thế hệ đầu của dòng nhạc tiền chiến.

Mấy năm nay nhiều thính giả tìm nghe lại những bài tiền chiến, những bài tân nhạc từ khởi đầu phong trào cho đến thời bắt đầu tranh thủ độc lập.

Thính giả đứng tuổi thường thích nhạc tiền chiến vì những kỷ niệm tuổi trẻ của mình, nhất là kỷ niệm tình ái, vẫn phảng phất tiếng ca điệu nhạc “thời đó” mà mình đã ưa thích. Nghe lại những bài hát xưa là một thích thú như lật được lại trang tình sử của cái thời không bao giờ trở lại.

Thính giả trẻ tuổi có thể thích nghe nhạc tiền chiến vì nhiều lẽ trong đó có khoái cảm của người khám phá; họ như tìm được loại nhạc lạc loài điềm tĩnh hơn đời kích động này và có thể gân cốt họ nhẹ phần miên man khích thích?


Đúng hay không vẫn tùy nhân tâm. Nhưng muốn hiểu sơ qua thời phát hiện của nền Tân nhạc gọi là tiền chiến, có lẽ là lúc ta nên tĩnh tâm nhìn lại một dĩ vãng rất gần với chúng ta mà nhiều cõi lòng đã tưởng chẳng có gì hay là “mất hút” để xét lại cái công trình chung của giới Tân nhạc chúng ta, già như trẻ, đang phải xây dựng, tô điểm cho tòa nhà âm nhạc, không những cho lợi tư riêng mình mà cho cả người lân cận và đàn em.

Xem bài khác

Hình ảnh thư sinh của Thế Sơn trong video ca nhạc 30 năm trước khi còn ở Việt Nam

Vĩnh biệt nhạc sĩ Y Vũ – Tác giả ca khúc Kim, Những Tâm Hồn Hoang Lạnh…


Mà trong công việc xây dựng này, những người thời tiền chiến đã khổ công ra sao. Họ đã dò dẫm đường đi gặp bao trởi ngại “đợi chờ mai hậu” để ngày nay được “mai hậu” gọi về cho nghe đôi niềm tâm sự: thời… tiền chiến.

Nói đến thời mới cách đây 30 năm, trong lúc đất nước còn qua phân, nhân tâm còn rời rạc và tác giả như tác phẩm còn tản mác, kể cũng khó mà tìm ra những tài liệu đích xác, nhất là về năm tháng xuất hiện.

Song một số tài liệu sống là các nhân chứng có mặt tại miền Nam, trong số bài báo rải rác, và những hiểu biết về bản thân có giúp độc giả biết khái quát về thời tiền chiến qua những chủ điểm tạm xếp như sau:

1 — Mấy năm đầu Tân Nhạc (1938 – 1940)
2 — Thời thanh niên lịch sử (nhóm Đồng Vọng và Tổng Hội Sinh Viên (1941 – 1944)
3 — Thời đầu tranh thủ độc lập (1945 – 1946)


I. Ảnh hưởng của những bài hát ta điệu tây

Chưa tiện bàn đến những nguyên nhân tạo nên tinh thần đổi mới trong xã hội Việt – Nam trước Thế giới đại chiến thứ nhất và hậu quả đầu tiên trong lãng vực ca nghệ là sự phát động kịch trường cải lương, và những bước thăng trầm của giới này, chúng tôi nói ngay đến ảnh hưởng của những “bài hát ta điệu tây” do các nghệ sĩ tiền phong Tư Chơi (Huỳnh Hữu Trung) và Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) đề xướng trên các gánh Trần Đắt và Phước Cương, từ khoảng 1933-1934. (Phong trào này sẽ bàn riêng)

Năm đó là năm 1937, năm bành trướng nhất của những bài hát nói trên. Tại đài phát thanh Radio Saigon như tại Hà Nội, Huế, đâu đâu cũng thấy ca hát theo giọng Tino Rossi, từ các rạp hát tiệm khiêu vũ, quán rượu, đến thư phòng, gác trọ. Nhiều hãng dĩa như Béka, đã bắt đầu ném ra thị trường những bài hát ấy do các cô Ái Liên và Kim Thoa ca.

Việc truyền bá những bài Tây hoặc những bài Ta hoặc điệu Tây đã gây ảnh hưởng nên chú trọng:

Một là những bài này dần dần đã đổi thị hiếu của công chúng làm cho họ càng ưa chuộng mới lạ mà muốn quên lãng những cái gì không thay đổi trong nhạc cổ truyền.


Hai là với cái hào hứng mới nhập cảng trong tinh thần thanh niên, người ta thấy một sự tiêu thụ to tát, những tác phẩm và sự thay đổi luôn hồi trong sở thích, làm cho những bài đàn truyền-bá chẳng bao lâu đã lâm vào “cõi già” mà cần phải được thay thế.

Tóm tắt, nghệ sĩ Việt Nam bị đặt trước một vấn đề phải giải quyết. Trước bổn phận phải ngăn cản sự phách những giá trị nghệ thuật của dân tộc do những cung điệu ngoại lai đang gây nên, và phải thỏa mãn những nhu cầu ồ ạt đang bột phát tứ tung, họ phải vạch một đường mới cho nhạc nghệ là sáng tác.

Giữa lúc này vài nhạc sĩ Việt-Nam đã bắt đầu truyền bá những bài hát mới đầu tiên như Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước, Trần Quang Ngọc tại Hà Nội, Lê Thương tại Hải Phòng, Nguyễn Văn Tuyên tại Saigon trong miền Thị Nghè, và trên đài Radio Saigon, Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Đăng Hinh với nhóm học sinh theo học đàn,…

II. Tân-Nhạc xuất hiện – 1938

Năm xuất hiện chánh thức của phong trào Âm Nhạc Mới là tháng 3 năm 1938, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Saigon ra hô hào tại đất Bắc.

Ông Tuyên được thống đốc Nam Kỳ thời đó là Rivoal trợ cấp để đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại Bắc Hà.

Tới Hà Nội vào tháng 3, ông có nói chuyện tại hội Trí Tri. Nhưng trong cuộc vận động cải cách, ông đã gặp một cử tọa đông đảo, ồn ào không trật tự. Một phần thất bại buối đó do giọng nói địa phương của ông được ít người hiểu. Hơn nữa, có thể nhiều thanh niên Hà Nội lúc đó như đã cho việc hô hào của ông là thừa, vì bài hát cải cách đã có sẵn tại đó.

Tại hội Tri Tri Hải Phòng, ông đã may mắn hơn. Tuy số khán giả chỉ độ 20 mặt, nhưng ông đã có người thông cảm. Chính vào buổi nói chuyện này, cử tọa đã yêu cầu chúng tôi lên trình bày cho diễn giả nghe một bản nhạc mới của miền Bắc. Câu chuyện trở nên lý thú, khi ông Tuyên đã gặp một người đồng hành và một tri âm.

Sau đó nhân kỳ hội của trường Nữ Học Hoài Đức, ông Tuyên còn trình bày nhạc mới tại rạp chớp bóng Palace một lần nữa. Lần này cử tọa rất tán thưởng giọng hát của ông trong bài “Bông Cúc Vàng”.

Đến đây báo Ngày Nay, một cơ quan ngôn luận rất được đọc thời bấy giờ, mới nhóm khởi việc hô hào và đăng tải những “tác phẩm đầu” của nền nhạc mới.

Những bài như “Bông Cúc Vàng”, “Kiếp Hoa” của Nguyễn Văn Tuyên, “Bình Minh” của Nguyễn Xuân Khoát (thơ Thế Lữ), “Bản Đàn Xuân” của Lê Thương, “Khúc Yêu Đương” của Thẩm Oánh, “Đám Mây Hàng” của Phạm Đăng Hinh, “Đường Trường” của Trần Quang Ngọc,… mới lần lượt được in trên mặt báo vào tháng 9 năm đó.

Một cái dây bứt động cả rừng, người ta mới thấy những người yêu nhạc đăng và xuất bản những bài hát mới để dùng vào khiêu vũ hay để hòa nhạc vui vẻ.

Từ đầu 1939, một số bài nhạc của vài nhóm đã thấy treo bán tại các hiệu sách.

III. Những nhóm tân nhạc và bài ca xuất bản

Trong việc nhóm khởi phong trào Tân Nhạc, một điều hiển nhiên là rải rác khắp nơi, có những nhóm người lo sáng tác. Việc làm âm thầm của từng nhóm không có dịp phô bày công khai, nhưng phải nói là từ khi đĩa hát và phim nói (1934) và cả những bài nhạc Âu Mỹ được bán trên thị trường thì việc sáng tác được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Chỉ cần có người khởi xướng một việc gì hữu lý là các người khác bộc lộ ý định nuôi dưỡng từ lâu bằng cách noi theo và đôi khi vượt cao hơn cả người đi trước.

Đó là cơ hội xuất phát của các nhóm Tân Nhạc và việc xuất bản bài ca. Thời gian đích xác và việc làm trước sau của các nhóm khó lòng quả quyết, song ta có thể qui vào năm 1930-40 là thời kỳ phát hiện công khai của đa số các nhóm.

– Nhóm Myosotis: nhóm này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Trần Dư, Phạm Văn Nhường… hoạt động từ vài năm trước trong vài “sa-lông” và đôi khi tại rạp chiếu bóng vào dịp làm nghĩa.

Việc thực hiện đáng kể của nhóm vào khoảng cuối 38 là việc xuất bản. Những bài như “Đôi oanh vàng”, “Hoa tàn”, “Phút Vui Xưa” đã bắt đầu truyền bá từ cuối năm 1937 đồng thời với những bài: “Joie d’aimer”, “Souvenance”, “Ton doux sourire” (nhạc không lời cho hạ-uy-cầm) của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Nhóm này với ban đàn Myosotis là lợi khí, đã ra đời từ ít lâu và thường hòa nhạc tại các tư gia để trau dồi nghệ thuật.

Nhóm Myosostis có hai chủ trương: Thẩm Oánh chủ trương “Theo đạo Trung dung” và tạm gọi những bản đàn hồi đó là những bản đàn cải cách Âm Nhạc của những bản đàn cải cách phải theo ý nhạc nhạc Việt Nam và phải có cảm tưởng thuần túy Á Đông (T-O — Việt nhạc số 5 ngày 16-10-1948). Còn Dương Thiệu Tước thì chủ trương soạn theo âm điệu Tây Phương, ông nghĩ rằng “Nếu đã có nhà văn Việt Nam cũng rất có thể viết được những bản nhạc có âm điệu Tây phương (T-O — 1 bid).

Theo phương hướng này hai nhà soạn nhạc ấy đã cho xuất bản trước nhất mấy bài kể trên.

Đại để những bài kể trên bài về sau: Hồ xưa, Xuân về, Tiếng khóc trong phòng the của Thẩm Oánh.

Tâm hồn anh tìm em, Một ngày mà thôi của Dương Thiệu Tước, chịu ảnh hưởng khiêu vũ Tây phương nhiều.

– Nhóm TRICÉA: gồm mấy nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn cũng đem ấn loát mấy bản nhạc vào 1939 như Khúc Ca Ban Chiều, Trên Thuyền Hoa của Văn Chung. Biệt Ly, Sao Hoa Chóng Tàn, Tiếng Hát Đêm Thu của Dzoãn Mẫn và Bẽ Bàng, Vườn Xuân của Lê Yên.

Nhóm này thì như nhạc sĩ Thẩm Oánh đã nói: (Việt Nhạc số 5) “chủ trương đi sát quần chúng” hơn. Luồng nhạc của Văn Chung chịu nhạc hưởng Trung Hoa nên đã có vẻ Á Đông từ buổi đầu. Tuy vậy Lê Yên và Dzoãn Mẫn vẫn thiên về bay bướm nhịp tiết nên gợi nhiều âm hưởng nước ngoài. Triệu tập được 7 người, xuất bản hoặc truyền bá được mấy bản như Đóa Hồng Nhung, Hồ Xuân và Thiếu Nữ của Văn Chung. Một Hình Bóng, Một Buổi Chiều Mơ của Dzoãn Mẫn. Một Ngày Vui của Lê Yên, nhóm ấy đã vội tan rã.

– Nhóm PHẠM ĐĂNG HINH ra đời sau Tricéa. Nhóm này do nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh đứng đầu gồm các nhạc sinh theo học ông về vĩ cầm và đại vĩ cầm. Chuyên đàn những bản nhạc do ông soạn, nhóm này ra mắt có một lần tại rạp Majestic Hà Nội (V.N. số 5). Rồi tiếc thay ban đàn điêu luyện ấy 15, 16 cây đàn vĩ cầm hòa hiệp mô tả thanh âm có nhiều quy pháp cũng sóm ngừng hoạt động. Nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh, người đã từng du học Hồng Kông vội lưu lạc để lại mấy tên bài đơn lẻ: Đám Mây Hàng sau đổi là Cám Dỗ trong phim Việt Nam Trận Phong Ba quay tại Hương Cảng năm 1940.

Tại Hải Phòng, kẻ viết bài hồi đó còn đang dạy tại trường trung học Lê Lợi và có diễm phúc là đếm được thường xuyên tại lớp sự khi có mặt hí hởn của một nhóm “híp – pi tiền chiến” ưa ca hát thấu trời và thích du ngoại, là các “bạn trẻ”: Canh Thân, Hoàng Quí, Phạm Ngữ, Hoàng Phú, Văn Trang (hiện giờ là thương gia Saigon), Nàng Cúc Phương, Nàng Thư Nhàn,… Ngoài những cuốc xe đạp đi Uông Bí, Núi Voi,…, nhóm nhạc sĩ trẻ ấy sáng tác Tân Nhạc.

Họ đã giúp chúng tôi xuất hiện lần đầu trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hải Phòng với bài Tân nhạc vào lúc thi sĩ Thế Lữ ra hoạt động cho Hội Ánh Sáng tại đất Cảng, hè năm 1939.

Những bài Tiếng Đàn Đêm Khuya, Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử, Thu Trên Đảo Kinh Châu... được giới thiệu với khán giả. Cuối năm này, nhóm kịch Thế Lữ còn đem nhạc mới Lê Thương về Hà Nội, Vĩnh Yên cùng vở kịch Ông Ký Cóp của Vi Huyền Đắc gặt hái nhiều kết quả khả quan.

Nhóm nhạc sĩ trẻ nói trên, phần đông là tráng sinh hướng đạo nên có đà soạn nhạc đàn ca. Tinh thần Đồng Vọng liền dội lên trong loạt xuất bản tươi mát là nhạc thanh niên, thiếu sinh và cả mỹ thuật.

Phạm Ngữ cho xuất bản bài Nhớ Quê Hương (1939-1940) và Hoàng Quí chuẩn bị tiến cử một loạt ca khúc trẻ mà hởi đầu là ca khúc Chùa Hương lâng lâng hồn chiêu mộ.

Tại Nam Định, một tỉnh văn nghệ hữu hạng, nhạc sĩ Đặng Thế Phong sau đó cũng đề cử mấy bản nhạc mới của anh như Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến (nhân dịp vở kịch Cái Vạ của nhóm Vũ Trọng Can lưu diễn tại Nam Định và sau đó tại rạp Olympia Hà Nội)

Luồng nhạc Đặng Thế Phong đựng một mê luyến mênh mông như tiên kiến cho cuộc đời đoản mệnh.

IV. 1939 – Cuộc diện đổi thay

Phong trào Nhạc mới phát khởi được hơn một năm thì xảy cuộc Âu-chiến. Như một tiếng sấm động trời, tiếng súng của chiến tranh đã đánh vỡ tan không khí truy hoan của nhân loại.

Tin chiến trường tàn phá rầm rộ báo hiệu một cuộc tơi bời tràn tới. Đó đây trong cảnh động binh rải rác, người ta lặng lẽ chuẩn bị sống giờ thảm khốc sắp diễn và tinh thần trở về thực tế.

Pháp đã quy hàng và lo đường trỗi dậy.

Phong trào Phục-Hưng do thống chế Petain bên đề xướng đã lan sang đất Việt. Phong trào này nẩy nở trong đau khổ của chiến bại, dự bị cuộc tái sinh cho dân tộc Pháp.

Người ta liền nghĩ đến thanh niên, những “rường cột của nước nhà” trong việc xây dựng lại.

Nhiều nghị định đã quyết đổi mới cuộc sinh hoạt: đả đảo mơ mộng, đào tạo cho thanh thiếu niên một tinh thần mạnh mẽ với một thân thể cường tráng để dựng lại giang sơn nghiêng ngửa.

Báo chí sách vở bị kiểm duyệt. Các vũ trường bị đóng cửa. Những cuộc chợ phiên (kermesses) không còn là nơi đùa cợt của trai gái nữa, hoặc bị bớt đi nhiều.

Tin rằng những chiến công oanh liệt của các vị anh hùng được đem ra cho dân chúng sùng bái có thể kích thích đám thanh niên Việt vùng lên trên đường phụng sự “mẫu quốc”, người ta chuyển hướng văn nghệ về lịch sử.

Nhưng hai dân tộc Việt Pháp tại hai chân trời, từng nếm mùi cay đắng của chiến bại đã mượn dịp biểu lộ trên dòng tư tưởng và nghệ thuật hai chí hướng khác nhau. Dân Việt sẽ tìm cơ hội vùng lên nhưng để xây dựng một Quốc gia độc lập.

Đó là mục tiêu xa gần của phong trào Thanh Niên lịch sử trong Tân Nhạc.

V. Thời “Thanh Niên Lịch Sử” trong Tân Nhạc

Để thúc đẩy những hoạt động thanh niên, người Pháp tổ chức phong trào cắm trại (campeurs). Những bài hát suy tôn thống chế như “Mrechal, nous voilà” cia Dambrine, bài hát kích thích thanh niên như Relèvement, Debout, belle jeunesse của Parmentier muốn hô hào thanh niên Việt quay nhìn vị thủ tướng già đã ôm cành “hòa bình vi quý”, nhưng đoàn thiếu niên Việt lại thích nghe những điệu “Việt Nam bất diệt” của Hoàng Gia Lịnh, “Trên sông Bạch Đằng” của Hoàng Quý hay “Tiếng gọi sinh viên” của Lưu Hữu Phước hơn vì đó mới là tiếng gọi thân tình của giòng giống.

Trong các phong trào mà chánh quyền thời đó chủ trương hay khuyến khích hoặc cho phép phong trào thể thao huyến luyện thân thể cường tráng, phong trào hướng đạo đào luyện tinh thần thượng võ, hội Truyền Bá Quốc Ngữ cho ông Phan Thanh cầm đầu, hội Ánh Sáng do nhóm Tự lực văn đoàn chủ xướng, vấn đề ca nhạc vẫn là nồng cốt trong các dịp tuyên truyền, hội họp hoặc gây quỹ bằng buổi hát.

Âm nhạc hùng tráng, vui tươi đắc dụng hơn hết trong các hoạt động thường xuyên và cơ sở sẵn sàng nhất là các đoàn thể Hướng đạo.

Thế là phong trào tân nhạc lại được thêm đất dụng võ thuận tiện để tiến triển về mọi mặt.

– Bài nhạc Hướng đạo

Tại các nơi, họp trại ca nhạc vẫn được coi như chủ chốt.

Từ đầu, những bản ca quốc tế về hướng đạo được phổ lời Việt như tập Đời Vui Sướng của ông Phạm văn Xung, trưởng đoàn Lê Lợi Hà Nội và tập Tiếng Chim Ca của Lưu Ngọc Văn và Đào Văn Thiết đã được xuất bản từ năm 1938 trở đi.

Lác đác trong những tập trên cũng kèm theo vài cung điệu xứ sở được phổ lời Việt (như điệu Ngũ-điểm mai, Mãi tạp hóa… là những tiểu điệu Trung Hoa do ông Trần Phềnh nhập cảng vào sân khấu hát chèo cải lương thời đó).

Tất cả đều ngụ ý phụng sự chánh nghĩa dân tộc bằng các phương tiện sẵn có, nhưng phải đợi nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quí ra đời ngay sau đó thì các bài hướng đạo, thanh thiếu nhi mới có tính cánh Việt Nam và dựng được cái sinh khí mạnh mẽ của trai đất Việt thời tranh đấu.

Từ năm 1940, súng đã nổ tại Lạng Sơn và thời cuộc Đông Nam Á đã bắt đầu khẩn trương. Nhật quân đang hăm họa trực tiếp Đông Dương.

Những tin tức chiến tranh tại trời Âu chiếm hết chú ý của độc giả. Lác đác trên mặt báo, hàng sách, nhạc tình cảm vẫn xuận hiện: Con thuyền không bến của Đ. T. Phong trên tạp chí Bạn Gái, Xuân Yêu Đương (Xuân Ngày Nay 40), Bản đàn xuân (Xuân Ngày Nay 1941) của Lê Thương, Giọt mưa thu của Đ. T. Phong, Hồn xuân của Nguyễn Xuân Khoát (báo Ngày Nay), Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn, Bóng ai qua thềm của Văn Chung…

Nhưng đó chỉ là những cánh hoa rải rác mọc xa những luồng gió đang thổi mạnh luồng nước đang dâng lên luồng gió “đồng vọng” đem tươi mát tráng sinh, luồng nước dâng sóng nhạc của sinh viên.

– Đầu năm 1941 – Trẩy Hội Đền Hùng

Một trong những dịp náo nhiệt khơi mào cho phong khí hùng ca báo hiệu một chuyển hướng trong tinh thần sáng tác Tân nhạc là kỳ trẩy hội Đền Hùng vào mùa xuân Tân Tỵ (1941 vào 10-3 âm lịch) do tờ Việt Báo tổ chức.

Người ta còn nhớ hai đòan xe lửa chở hàng ngàn thanh niên nam nữ vào buổi sáng xuân êm ả, đi từ Hà Nội lên Phú Thọ để thăm mộ Hùng Vương.

Có lẽ từ ngày nội thuộc cho tới ngày đó, dân Việt mới có dịp nô nức tỏ lòng ngưỡng mộ vị Tổ ngàn xưa. Đặt chân lên phần mộ của tổ tiên, bao lòng đã nhiệt thành hướng về cội rễ, nhiễm lấy quốc hồn nguyên bản.

Bài Thanh Niên Ơi của Thẩm Oánh ngày hôm ấy đã đóng một vai tuồng chiêu lệnh và được hàng ngàn lồng ngực ca lên trong cảnh đồi hùng vỹ.

HOÀNG QUÝ VÀ NHÓM ĐỒNG VỌNG

Ngày trẩy hội đền Hùng cũng có đầy hướng đạo sinh nam nữ tham dự.

Những con người hướng đạo như Hòang Qúi và đoàn trưởng, đòan sinh lại được thúc đẩy.

Từ cuối năm 1943 đến tháng 2-1945, Hoàng Quí đã tập hợp sáu, bẩy chục bài ca nhẹ nhõm, tươi sáng, dùng để ca múa khi đốt lửa trại.

Hồn nhạc Đồng Vọng hướng về tuổi thiếu sinh, hướng đạo nên luôn nhẹ nhõm trong sáng. Trước sự đòi hỏi của “đời sống ngòai trời”, những đề tài của nhóm Đồng Vọng quả là thích hợp không những cho thời đó mà mà cả cho thời bây giờ và mai sau nên thiếu nhi khắp nước còn học và còn nhớ bài: Gọi Bạn Lên Đường (H.Quí), Vui Lên Đường (Văn Cao), Tiếng Chim Gọi Đàn (H.Quí), Trước Cảnh Cao Rộng (P.Ngữ), Dưới Bóng Thông Xanh, Chiều Xuân (H.Quí), Vui Xuân (L.H.Phước).

Xen vào những cung hát yêu đời, cũng có mấy tâm khúc hòai lịch sử ngày nay vẫn lan tràn khắp nước: Ngày Xưa (Hòang Phú), Bạn Đường (L.H.Phước), Hồn Nam Tướng (Lê Xưân Ái), Lời Vọng Ngày Xưa (H.Quí), Đi Hội Đền Hùng (L.H.Phước), Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn (H.Quí), Anh Em Bước Lên (L.H.Phứơc).

Ngoài L.H.Phước và Văn Cao sẽ đem lại một nhạc nghiệp thênh thang sắp tới, Hoàng Quí phải mang một kiếp sống không dài để mệnh chung vào khỏang năm 1946. Nguyễn văn Nghiêm, Phan Ngữ ít thấy họat động, Lê Xuân Ái vẫn còn sáng tác ít nhiều về sau với những bài Huyền Trân Công Chúa, Thiên L‎ý Mã, Con Thuyền Trên Sông và nhất là bài Chinh Phụ Hoài Khúc đã mội thời gây sôi nổi trên làn sóng điện đài Pháp Á (1948) và được sân khấu cải lương ưu chuộng.

Hoàng Phú sau đổi tên là Tô Vũ, tác giả những nhạc khúc tâm tình nổi tiếng như: Tạ Từ, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa… lúc nào cũng ưu mỹ, trầm tư khác với anh là Hoàng Quí. Thế hệ Hoàng Quí còn đáng ghi ở nhiều nét mà ngày nay hầu như thiếu sót: Đó là sự quên mình cho đoàn thể, cho kẻ khác. Giữa lúc phải chăm lo học hành, Hoàng Quí phải chăm lo cho đàn sói con, cho đàn em trong nhà, cho bạn tráng sinh đồng đội và âm nhạc.

Với bận tâm hết mực ấy, điều đáng ca ngợi là anh lại càng sáng tác những khúc yêu đời. Xây dựng cho người nhiều hơn, cho lòng mình thật ít, tuy nhiên, nhạc ngữ của Hoàng Quí cũng đầy sáng họa: Đêm Trong Rừng, Hương Quê (1946), Sa Trường Tiến Hành Khúc, nhất là bài Cô Láng Giềng, một luồng nhạc cảm u uất, và bài Đêm Trăng Trên Vịnh Hạ Long và bài Tú Uyên làm khi hấp hối là những sáng tác anh còn để lại.

Với đà thanh niên lịch sử thời đó, ngoài nhóm Đồng Vọng tất nhiên, không nên bỏ quên nhiều tác giả rải rác cùng nuôi một quan niệm soạn nhạc nhằm vào trẻ thơ, thiếu nhi. Nhiều bài hát thiếu sinh khác đã được truyền bá, trong đó có Khúc Nhạc Xuân của Nguyễn Quí Thuận, thêm bài Trường Cũ, Tuổi Xuân, bài Chiều Quê của Anh Hải (Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm…), Dặm Về của Lê Ngọc Huỳnh (hiện giờ đang làm giáo sư tại Saigon và cũng là tác giả những bài Tiếng Thu với danh hiệu Nam Huân, Trên Đường Hưng Quốc, Yêu Đóa Hồng Nhung), Thằng Cuội, Hoa Thủy Tiên của Lê Thương, Trên Đường Xa của Lê Như Khôi, Chèo Thuyền của Lê Hữu Mục (em của Lê Ngọc Huỳnh và hiện là giảng sư Đại Học), Giang Tay Bước của Thẩm Oánh, Quãng Đường Mai (1940) của Nguyễn Hữu Ba… nhiều bài của Trần Quang Ngọc, một đoàn trưởng hướng đạo mà tác phẩm đã đăng trong Ngày Nay từ 1958…

Luồng gió Đồng Vọng càng thênh thang vô ngã bao nhiêu thì luồng nước dâng sóng nhạc của Tổng Hội Sinh Viên với Lưu Hữu Phước càng súc tích bấy nhiêu.

LƯU HỮU PHƯỚC và TỔNG HỘI SINH VIÊN

Kể về sinh họat văn nghệ từ 1943 đến 1945 thì Tổng Hội Sinh Viên đã chế ngự phong trào tân nhạc và gây những ảnh hưởng sâu đâ5m chưa từng có.

Nhóm khởi trong đám sinh viên Đại Học ở Hà Nội, trong đó sinh viên miền Nam tỏ ra nhiều khả năng văn nghệ. Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đạc biệt đến việc dùng Tân nhạc trong cuộc đấu tranh, chính trị chống thế lực ngọai bang thời đó là Pháp-Nhật.

Từ ‎ định tổ chức Quán Trọ Thanh Niên (Auberges de la jeunesse) không thành, đến họat động diễn thuyết về lịch sử, lập trại thanh niên, hội đã gây tinh thần yêu nước mãnh liệt trong dân chúng, nhất là đám học sinh.

Với một lập trường quốc gia cấp tiến và những đoàn viên trẻ tuổi hăng say, hội đã đem Lưu Hữu Phước lên một cao độ sáng tác quy mô, bền bĩ, soạn lời ca và nghiên cứu đề tài cho thành một quán quân vô địch trong một thời sôi độnglịch sử, những năm từ 1943 đến năm 1945.

Nhạc nghiệp Lưu Hưu Phước đi đôi với THSV và Phong trào Tân Nhạc đã ghi được những bước tiến mạnh dạn, về sinh khí trong nhiều lọai sáng tác:

Những trang sử oai hùng được lật lại trong những bài Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Nam Tiến, Hát Giang Trường Hận…Thanh niên được kích động mạnh mẽ trong những bài Tiếng Gọi Thanh Niên (trước tiên là Tiếng Gọi Sinh Viên) đã được dùng làm bản Quốc Thiều cho chánh thể Quốc Gia Miền nam, Trung Đoàn Lam Sơn, Suối Lồ Ồ, Nhớ Đạo Anh Hùng, Lên Đàn, Gọi Đoàn…Thiếu sinh được thúc dục trong những bài Gieo Ánh Sáng, Thiếu Sinh Hành Khúc, Mừng Xuân, Đoàn Hùng, Bạn Đường…Thiếu nữ cũng được ca tụng trong bài Việt nữ gọi Đòan Thiếu Nữ Việt Nam…

Nhiều cản trạng sầu niệm của tâm hồn qua thời binh lửa cũng được giãi bày như Kinh Cầu Nguyện, Hồn Tử Sỹ, sau những bài mô tả đoàn quân ma, Đói Lạnh, hoặc trước những giờ ngưỡng vọng được ca khúc Khải Hoàn.

Qua lãnh vực thơ kịch, Lưu Hưu Phước đã phổ nhạc vào kịch thơ Tục Lụy của Khái Hưng, Thế Lữ và sáng tác tiểu ca kịch Con Thỏ Ngọc.

Nhiều khi anh cũng đem nhạc cảm chân thành, nhìn về điệu cổ truyền Việt Nam. Từ bản Ru Con, Thượng Lộ Tiểu Khúc đến Hương Giang Dạ Khúc, một tác phẩm Mỹ Thuật được xuất bản với nặc danh “Nhạc Sỹ Không Tên”. Phải chăng Lưu Hữu Phước cũng thành công cả trên phương diện “phong nhạc”?

Thời kỳ phong phú nhất về sáng tác của Lưu Hưu Phước là những năm từ 1942 đến 1945. Sau đó thời cuộc đã đưa anh đến những đoạn đường luân lạc mà thiếu sinh vẫn là nguồn cảm hứng và an ủi của anh trong việc sáng tác.

Đối với một “Lưu Hữu Phước tiền chiến” với những bài Thanh niên lịch sử nhiều thính giả và nhất là cựu sinh viên thời đó vẫn còn nuôi nhiều thiện cảm vì những kỷ niệm dạt dào tình thương dân tộc mà THSV đã gây nên bằng Tân Nhạc.

SINH HOẠT TÂN NHẠC TẠI MIỀN NAM (1941-1945)

Đầu hè năm 1942, Nhật chiếm Hải Phòng và thời cuộc Đông Dương ngày càng gây cấn. Văn nghệ cũng theo đà chung mà đượm những âu lo.

Tại đất Bắc, nhất là Hà Nội, kinh đô trí thức thời đó, Tân nhạc đang sinh hoạt mạnh. Nhưng tại Sàigòn, đất sinh sống của ca kịch Cải Lương với bản Vọng Cổ đã dứt khỏi nhịp 16 mà sang nhịp 32, như tại miền Trung, và riêng Huế, Đà Nẵng, Tân nhạc chỉ tiệm tiến, mặc dù phong trào khỏe và ban nhạc Bình Minh của Thanh Tịnh đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1941.

Khi chúng tôi phiêu lưu đến đất Đồng Nai (và “mọc rễ” nơi đây đến giờ) và thử một cuộc vận động cho Tân nhạc thì có gặp hai người đã từng nân đở Tân nhạc là ông Nguyễn Văn Cổn, văn thi sỹ và cố nhạc sỹ Jean Tịnh, một cây vỹ cầm điêu luyện trong giới ca hát Cải lương. Cả hai đang làm việc tại Radio-Saigon, một cơ quan tư nhân đầu tiên phát thanh các “bài ta điệu tây” rồi đến bài Tân nhạc.

Hãng Radio-Saigon còn xuất bản một tạp chí cùng tên có đăng vài bài “âm nhạc cải cách” như Bông Cúc, nhạc Jean Tịnh, lời thơ Nguyễn văn Cổn (Radio-Saigon số 3 1-1-1943) rồi Thu Trên Đảo Kinh Châu (L.T.).

Đi tìm hãng dĩa Béka và gặp ông Tôn, nhà Keller, thì buổi gặp gỡ, sau khi nghe mấy bài Tân nhạc, ông khen hay và kết luận bằng câu “đồ đó chưa xài”. Tại hãng Asia Phim Ảnh (ông Định) như Asia dĩa hát (thầy Mạnh quá cố) cũng không thấy kết quả nào, chúng tôi sang gõ cửa hội Bắc Việt tương tế (hồi đó là Bắc Kỳ Ái Hữu).

Một buổi diễn thuyết được hội tổ chức tại nhà hội (hiện giờ là đường Hiền Vương) trong đề tài Câu Chuyện Âm Nhạc Mới với sự góp mặt của ban nhạc Phi Luật Tân của Julio và sự trình diễn hạ Uy Cầm của hai nhạc sỹ Scawell và Nguyễn Thông (1-12-1941) nhưng chỉ đem một tiếng vang nhỏ.

Quả thật lúc đó, Tân nhạc chưa gây được mảy may ảnh hưởng trong quần chúng miền Nam đang say mê Cải lương vào thời đại thịnh và trong rất nhiều gia đình quý‎‎ phái, nhạc Âu Tây là món tiêu khiển thường nhật nhưng âm nhạc mới là cái gì, họ chưa thèm lưu ‎ nếu không là khinh miệt.

Năm 1943, một năm trỗi dậy của nhạc mới, tình thế bỗng đổi hẳn.

Hội Nam Kỳ Đức Trí thể dục (SAMIPIC) mà hoạt động thường xuyên của tiểu ban mỹ thuật là âm nhạc, ca kịch mời bà Thái Thị Lang (được gọi hồi đó là bà Nguyễn Văn Tỵ) diễn tấu những nhạc khúc của bà về dương cầm như bài Lý Ngựa Ô, Bình Bán. Cố nhạc sĩ Võ Đức Thu trình bày dương cầm, một nhạc phẩm mới nhan đề Việt Nam tân âm điệu.

Tại vũ trường đã thấy truyền bá (và cả xuất bản) bài Tình Hận, nhạc Phạm Công Nhiêu và Antoine Đạm với lời Pháp hoa Việt (Ông Antoine Đạm đã từng tổ chức Minh tinh ca vũ đoàn lưu diễn khắp xứ)

Thời sôi động nhất năm 1943 là tuần lễ hoạt động của Tổng hội sinh viên tại Saigon với ca kịch Tục Lụy.

Trong một chương trình diễn xuất lộng lẫy chưa từng có cho Tân nhạc ca vũ kịch Tục Lụy với hàng chục ca khúc của Lưu Hữu Phước, hòa âm Lê Văn Kính, các nữ sinh trẻ đẹp (các cô Đào hát Lan, Đào hát Huệ, cô Thiều, cô Bình,…) bên những sinh viên tuấn tú của đất Đồng Nai, tổng hội sinh viên đã tạo nên một hứng sống không thể quên được cho khán giả Sài thành.

Trong buổi diễn còn giới thiệu những bài Ngày Xưa (Hoàng Phú), Một ra đi là không trở về của Lương Ngọc Châu…

Sau kỳ hoạt động của tổng hội sinh viên tại Saigon, tờ tuần báo Thanh Niên nơi đây bắt đầu ủng hộ Tân nhạc.

Báo vui lòng dành chỗ cho một loạt bài nhận định về Phong trào nhạc mới của Lê Thương từ 25-3-43 đến 26-8-44.

Số Thanh Niên 40 ngày 30-9-44 còn đăng bản Tuyên ngôn về âm nhạc của 3 tác giả cùng ký tên: Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn.

Bản tuyên ngông xét lại những ý thức nhạc thuật cũ mới Đông Tây và nêu một tinh thần phục vụ cho âm nhạc thời tranh đấu cho quốc gia dân tộc và tuyên dương phương pháp cấu nhạc của nhóm.

Cũng trong số báo này còn đăng các bài Hội Nghị Diên Hồng, Thượng lộ tiểu khúc, Gieo ánh sáng, Hờn sông Gianh, Xếp bút nghiêng, và tiểu ca kịch Con thỏ ngọc.

Khắp nơi, nhạc sĩ Tân nhạc càng ngày càng đông, nhưng cô lập từng nhóm vì giao thông bế tắc.

Tại Huế, các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc hoạt động hòa nhạc. Sau bài Dưới bóng cờ (N.V. Thương) ra đời, Ngô Ganh đã truyền bá nhiều bài nhạc thiếu nhi mới sáng tác.

Tại Đà Nẵng, nhóm nhạc sĩ La Hối, Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh cũng đang chuẩn bị cho những sáng tác năm sắp tới.

Nơi khác, nhạc sĩ dạy đàn hoặc truyền bá Tân nhạc càng đông. Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước cho xuất bản Cánh hoa đào, Hồ xưa, Cô lái đò (T.O.) Vầng trăng sáng,…(D.T.T.) Lớp dạy nhạc của Thiện Tơ, Trần Đình Khuê, Dzoãn Mẫn, D.T. Tước (Hà Nội), Nguyễn Thông, Lê Ngát, Dzoãn Ân (Saigon) được mở đó đây.

Từ cuối 1943, nhóm Đức Quỳnh, Vũ Chấn, Dzoãn Ân… cũng toan cùng người bỏ vốn lập gánh hát Kim Thư dùng toàn Tân nhạc, nhưng không thành. Còn nhiều người khác nữa, Canh Thân, Phạm Ngữ (Hải Phòng) cũng truyền bá Tân nhạc.

Một số bản nhạc phổ về Chèo cổ của Nguyễn Xuân Khoát như Phụng mệnh quân vương, Quyết chí tu thân, Lơ thơ tơ liễu, Trấn thủ lưu đồn (42-44) Sau đó nhạc sĩ quay sang phổ nhạc một số câu đồng dao: Con cò, con mèo trèo cây cao, Con voi, Thằng bờm.

Một số bản nhạc phổ vào thơ cũng xuất hiện trên báo chí hoặc lan truyền trong giới người ưa nhạc, như những bài Màu thời gian của Nguyễn Xuân Khoát phổ vào bài thơ của Đoàn Phú Tứ (Xuân Thu nhã tập xuân Nhâm Ngọ 1942), Cô hái mơ của Văn Cao (thơ Nguyễn Bính), các bài Lời kỹ nữ (thơ Xuân Diệu), Bông hoa rừng (thơ Thế Lữ), Tiếng thùy dương (thơ Ngậm ngùi của Huy Cận), Lời vũ nữ (thơ Nguyễn Hoàng Tư), Tiếng hát thu (theo thơ của Lưu Trọng Lư)… của Lê Thương, bài Tống biệt (thơ Tản Đà) của Võ Đức Thu…

Nhạc tình cảm loại mỹ thuật dần chiếm phần quan trọng nhất trong xuất bản. Nhiều tác giả mới đã xuất hiện. Phần đông đều sáng tác tuy hứng sống và theo nhiều thể tài khác nhau, lúc thì hướng về chiến đấu hay thanh niên của trào lưu đang nổi bật, lúc thì quay về lòng mình, về tuổi trẻ vẫn cho lòng mình trống trải.

Cũng trong giai đoạn 44-45, nhiều bài nhạc tôn giáo (giáo-nhạc) xuất hiện và được phổ biến. Bài A di đà Phật của Thẩm Oánh được giới thiệu nhân tuần lễ khánh thành chùa Quán sứ Hà Hội được trùng tu cuối năm 1942.

Tại Huế (theo nhạc sĩ Thẩm Oánh), ngành Phật-nhạc, một thời gian sau, phát triển điều hòa với các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba (bài Sám hối…) và Văn Giảng đóng góp.

Bên ca khúc giáo đường Thiên chúa giáo thì sau một thời lâu dài truyền bá những bài vãn ca theo cung điệu la-tinh, thời sáng tác dồi dào có lẽ chỉ bắt đầu với Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (Hà Nội) gồm những nhạc sĩ Hùng Lân, Tâm Bảo, Thiên Phụng, Hải Linh tích cực sáng tác hàng trăm bài tập hợp trong những tập Cung thánh những năm 1944-45.

Đáng lưu ý hơn nữa là việc khởi công hoạt động của Hội khuyến nhạc Bắc Việt thành lập khoảng 1944 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp làm hội trưởng. Hội được sự cộng tác của nhiều nhạc sư, nhạc sĩ hữu danh như ông Lưu Quang Duyệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu… và nhiều nhân viên đội quân nhạc vệ binh Hà Nội.

Nhờ có lực lượng hùng dũng, điêu luyện nên cuối năng 1945, hội KNBV đã ghi được công đầu bằng một cuộc đại hòa tấu long trọng vào kỳ đại hội âm nhạc năm đó. Bài hòa tấu Tươi Sáng (?) đã được hoan nghênh nhiệt liệt.

Một thành công khác của hội khuyến nhạc và việc tổ chức Cuộc thi sáng tác tân nhạc đầu tiên tại Việt Nam vào cuối 44 đầu 45.

Nhiều bài nhạc được giải thưởng hoặc khuyến khích như hai hành khúc trầm hùng Việt Nam hùng tiến của Thẩm Oánh và Việt Nam minh châu trời đông của Hùng Lân cùng trùng giải đầu đồng hạn, và bài Trung thu đất Việt của Tống Ngọc Hạp. Bài này có phần phụ họa của ông Lưu Quang Duyệt cũng được giải thưởng.

VI. Cảnh đua nở Tân Nhạc các năm 1945-46

Khi tiếng súng bắt đầu nổ tại miền Nam (23-9-45) thì cuộc tản lạc còn kéo dài nhiều năm hay ít nữa một đôi năm cho những người trở về thành phố. Từ Phan Thiết trở vào tình trạng ấy là tình trạng chung.

Miền Bắc, từ Phan Thiết trở ra, tiếng súng chỉ nổ vào 1 năm sau (19-12-46). Thời gian ấy, tạm hưởng hòa bình trong nền độc lập tương đối, miền Bắc sinh hoạt văn nghệ mạnh và nhạc bản xuất hiện nhiều trong khi miền Nam đã im hơi lặng tiếng từ lâu.

Những cuộc giao thông hạn chế, từ cuối 1944 lập lại giữa các miền đem nhạc phẩm miền Bắc vào Nam thường là những bài hơi cũ, không đầy đủ. Đến hết năm 46 hay 47 khi tại miền Nam, tân nhạc bắt đầu sống dậy tại vài thành phố tạm ổn định thì đến phiên miền Bắc tản lạc, phải chờ đến 1948, mới có những cuộc hoạt động rải rác.

Tình trạng nói trên cắt nghĩa tại sao khó mà biết rõ những tác phẩm và tác giả Tân nhạc gọi là tiền chiến của thời xáo động từ 44 đến 46.

Không nắm được tài liệu trong tay, cũng không biết được phần đông các nhạc sĩ miền Bắc xuất hiện từ sau 1941, 42, vì (như đã nói trên, chúng tôi đã vô Nam từ giữa năm 1941) những điều nói lên về nhạc phẩm tiền chiến vào những năm chót chưa hoàn toàn đích xác được.

Vậy chỉ xin kể tên bài và tên tác giả nào mà, sau khi biết và thâu thập tài liệu về họ, chúng tôi còn giữ được sau những mất mát đáng tiếc do thời cuộc gây nên.

Đầu tiên phải kể Văn Cao, nhạc sĩ nổi bật từ 1945 với những tác phẩm Thiên Thai, Trương Chi, Buồn tàn thu, được ưa thích khắp nơi. Với tư cách chiến sĩ, Văn Cao sáng tác thật nhiều nhạc chiến đấu như nhạc mỹ thuật, ta chỉ cần nhắc tên ít bài như Tiến quân ca, Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam, Chiến sĩ hải quân, Chiến sĩ không quân, Thăng Long hành khúc.

Đỗ Nhuận, người chiến sĩ như Văn Cao, sáng tác cũng nhiều. Được mọi nơi truyền bá là các nhạc phẩm Nguyễn Trãi Phi Khanh, Đoàn lữ nhạc, nhất là bài Nhớ chiến khu.

Phạm Duy, người du ca tiên khởi từ năm 1943 “người reo nhạc buồn của Văn Cao khắp chốn” (lời tặng của Văn Cao) đầu năm 46 sáng tác Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu rồi Xuất quân (46). Nhưng nhạc nghiệp Phạm Duy còn dài hàng trăm bài mỹ thuật đủ loại về sau.

Từng lai vãng miền Nam và được nhiều quen biết tại Saigon, có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, tác giả Đêm Đông, Bướm hoa, Trên sông Hương, Leo núi Bạch Mã, giọng nhạc yêu kiều, tha thiết, Nguyễn Đình Phúc, tác giả Cô lái đò, Lời du tử… giọng nhạc vọng hoài tràn thi tưởng.

Miền Trung và riêng vùng Hội An, Đà Nẵng, một nhóm nhạc sĩ đồng thời xuất hiện, đem ra một phong khí nhạc đẹp sáng, gợn gió trùng dương như những bài Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Mùa đông binh sĩ, Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu), Trai đất Việt (Dương Minh Ninh), Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương và các bài nói trên). Sau đó ít lâu còn Ngọc Trai, tác giả Nhắn người chiến sĩ, Bến Hàn giang, Nhạc sĩ với giấc mơ.

Loại hành khúc chiến đấu thì thịnh hành hơn hết và được nhiều tác giả sáng tác suốt mấy năm liền. Dồn dập trong năm 45, 46, người ta còn nhớ những bài Việt Nam thống nhất (Đào sĩ Chu, hiện giờ là dược sĩ), Gò Đống Đa (Văn Cao), Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong (Phan Huỳnh Điểu), Độc lập muôn năm, Khóc cơ hàn (Nguyễn Văn Thương), Không làm nô lệ (Mộng Quỳnh), Hồn Việt Nam (Bùi Công Kỳ), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Đoàn quân ma, Mai Pha (Lưu Hữu Phước), Việt Nam phục quốc (Thẩm Oánh), còn nhiều nữa, chưa tiện kể hết.

Loại nhạc mỹ thuật, hoặc thanh niên, nói chung những bài không ngụ ý gì hơn là miêu tả một ý sống, một cảm giác đối với cuộc đời, một cảnh sinh hoạt thông thường… thì rất nhiều.

Những “bức họa âm thanh” ấy chỉ cốt đẹp về thể chất và gợi cho người nghe một cảm-sống. Có những tên bài đọc không đã gợi nhiều thi-tưởng:

Dạ khúc của Mỹ Ca (một cố nhạc sĩ khả ái cùng Sầm Giang – Định Tường), Bến xuân, Suối mơ của Văn Cao, Bóng ai qua thềm của Văn Chung, Tiếng Xưa, Đêm tàn bến ngự của Dương Thiệu Tước, Cây đàn bỏ quên, Chinh phụ ca của Phạm Duy, Giáo đường im bóng của Thiện Tơ, Mơ hoa của Hoàng Giác, Gấm vàng của Dương Minh Ninh, Cô lái đò, xa cách muôn trùng của Thẩm Oánh, Con thuyền xa bến của Lưu Bách Thụ, Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát…, còn hàng trăm bài tương tự mà danh sách muốn kê khai phải nhiều trương giấy.

Phần đông nhạc sĩ tiền chiến, dầu vẫn nuôi một thành tâm phụng sự và sẵn sàng lăn mình vào chiến cuộc như một chiến sĩ văn nghệ khi cần, nhưng tâm hồn họ vẫn không thể quên lãng phần rung cảm cá nhân đưa đến chỗ sáng hóa tự do là nhạc phẩm mỹ thuật.

Nét chải chuốt trong nhạc phẩm loại này mang nhiều công phu tạo tác và dựng nhiều cá tính của tác giả nhất.

Phải chăng ngày nay nhạc tiền chiến còn được nhiều người ưa thích cũng nhờ ở nét độc sáng nhận thấy ngay trong mỗi tác phẩm, nhất là mỹ thuật ít thấy trong đó sự toa rập vào một khuôn của đề tài, của nhịp điệu như sự đổ xô khai thác những đề mục “hái ra tiền” để rồi đổ xô sang một đề mục khác.

Một điểm dễ thương nữa của giới tiền chiến là hầu hết đều nếm mùi túng bần về tiền, đau xót về tình hay nạn tai ít nhiều vì bài nhạc mình làm ra theo lý tưởng.

Không nghe nói đã có ai phản quốc trong họ hoặc đã trớ trêu bịp bợp như nhiều nhà chánh trị một thời và muôn thời. Hơi ngây thơ với cuộc sống, đầy cạm bẫy, khá dại dột với lòng nhạy cảm cả tin đời, họ dễ bị lôi cuốn vào những tai bay vạ gió cho được khổ để mà than thân bằng nhạc.

Họ cũng có những tị hiềm trẻ con, những giận dữ tức cười, vì chỗ chủ quan trên đường nghệ thuật. Mà họ phải chủ quan mới có vững tin về nghệ thuật.

Thời tiền chiến, nhất là những năm còn xa chiến tranh, lúc đó đất nước còn đủ ba “kỳ”, còn có chỗ cho họ phiêu lưu tìm hứng. Lúc đó chỉ có một đường yêu nước là nên độc lập cho quốc gia dân tộc.

Nhiều người đã chết trong thời binh lửa hoặc đang sống đó đây không bè bạn. Hát lên nhạc phẩm xanh mướt của tuổi thanh xuân, chắc sưởi ấm được tâm hồn họ ngoài xa cách…

Nhạc sĩ Lê Thương
Nhà xuất bản Kẻ Sĩ phát hành vào năm 1970

 

Bài viết này của nhạc sĩ Lê Thương viết năm 1970 là bài viết đầy đủ nhất về thể loại nhạc tiền chiến. Nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về quá trình hình thành và phát triển của thể loại nhạc tiền chiến ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1937. Nhạc tiền chiến thường được người nghe thích vì kỷ niệm tuổi trẻ và tình yêu. Thính giả trẻ có thể thích nghe nhạc tiền chiến vì sự khám phá và cảm giác lạc loài của nó. Các nghệ sĩ thời tiền chiến đã cố gắng xây dựng và phát triển nhạc tiền chiến trong khi đối mặt với nhiều trở ngại.

Bạn tìm lại kiến thức âm nhạc qua bài viết về: Nhạc Tiền Chiến – Lời thuật của Nhạc sĩ Lê Thương chuyên mục Kiến thức thư viện Audio
chia sẻ ngay nếu thấy HAY! Hoặc nếu bạn có ý kiến khác xin hãy comment, bình luận, chúng tôi sẽ ghi nhận và sửa đổi. Cảm ơn nhiều! Liên hệ Hotline để được tư vấn kiến thức âm thanh: 0358866266

Hastags: #Nhạc #Tiền #Chiến #Lời #thuật #của #Nhạc #sĩ #Lê #Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *