Quỳnh Giao là một ca sĩ nổi tiếng với giọng hát trong vắt như pha lê. Cô đã có một cuộc đời và sự nghiệp đầy thành công. Quỳnh Giao được biết đến qua các tác phẩm âm nhạc đa dạng và mang tính chất nghệ thuật cao. Giọng hát của cô thường được ca ngợi là mềm mại, sâu lắng và đẹp như một viên pha lê. Những bài hát của cô đã gắn bó với nhiều thế hệ người nghe và trở thành những tuyệt phẩm âm nhạc trong lòng công chúng..
Dòng nhạc trữ tình, tiền chiến trước năm 1975 luôn sản sinh ra nhiều thế hệ nữ ca sĩ nổi tiếng cả về tài năng lẫn đức độ. Sau thế hệ đầu tiên có nghệ danh gồm toàn chữ Minh ở cả 3 miền: Minh Đỗ (miền Bắc), Minh Diệu (miền Trung), Minh Trang (người miền Trung nhưng sinh sống và làm việc ở Sài Gòn trước khi nổi danh), sau đó xuất hiện thêm những giọng ca thượng thặng vào thập niên 1950 ở Sài Gòn là Thái Thanh, Châu Hà, Mộc Lan, Kim Tước, Hà Thanh, rồi sau đó là thế hệ tiếp nối: Mai Hương, Quỳnh Giao (ái nữ của danh ca Minh Trang).
Ca sĩ Quỳnh Giao được sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào năm 1946, với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang. Quỳnh Giao có giọng hát cao vút, trong vắt như pha lê, có người gọi cô là “tiếng hát thủy tinh”.
Về nghệ danh Quỳnh Giao, trong một bài viết về nhạc sĩ Hoàng Trọng, cô đã tự kể lại rằng khi được nhạc sĩ Hoàng Trọng mời hát trong ban Tiếng Tơ Đồng thay cho mẹ là danh ca Minh Trang lúc đó sức khỏe không tốt (bị hen suyễn), ban đầu cô chọn nghệ danh là Quỳnh Dao, nhưng nhạc sĩ Hoàng Trọng cứ ghi thành Quỳnh Giao, từ đó cô cũng lấy luôn tên Giao.
Đoan Trang, tức ca sĩ Quỳnh Giao được sinh ra trong gia đình hoàng phái, với cả cha lẫn mẹ đều là người trong hoàng tộc.
Thân phụ cô là ông Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Tuy Lý Vương là em của vua Thiệu Trị, là con thứ 11 của vua Minh Mạng. Tuy Lý Vương nổi tiếng là 1 trong 2 ông hoàng giỏi thơ nhất của triều Nguyễn (cùng với Tùng Thiện Vương) và được vua Tự Đức tặng cho câu thơ còn lưu truyền đến nay: Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường (thơ của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương còn hay hơn thơ Đường).
Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng, là thầy của nhiều thế hệ giáo sư người Việt sau này, trong đó có nhiều người trở thành trưởng khoa của các đại học thời độc lập.
Ông Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu Bảo dạy học cho Thái Tử Bảo Long, đồng thời là hiệu trưởng trường Quốc Học Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học, tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ… Ngoài ra, ông còn là người thẩm âm sành nhạc và biết gảy đàn nguyệt.
Cụ Ưng Quả mất vào năm 1951 sau một cơn trụy tim, thọ 46 tuổi, khi đó ca sĩ Quỳnh Giao mới lên năm.
Thân mẫu Quỳnh Giao là danh ca Minh Trang, khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, là con gái của Thượng Thư Nguyễn Hy, là cháu ngoại của Mỹ Lương Công Chúa. Công Chúa Mỹ Lương được người đương thời tôn xưng là “Ngài Chúa Nhất” vì là chị cả của vua Thành Thái. Danh ca Minh Trang sinh năm 1921 tại Bến Ngự – Huế, tốt nghiệp Tú Tài Pháp, làm biên tập viên và xướng ngôn viên song ngữ Pháp-Việt tại đài phát thanh Pháp Á ở Sài Gòn từ năm 1948. Cũng tại đài phát thanh này, bà dùng nghệ danh Minh Trang để bắt đầu sự nghiệp ca hát lừng lẫy của mình vào thuở tân nhạc vẫn còn sơ khai ở Sài Gòn cuối thập niên 1940.
Nghệ danh Minh Trang được kết hợp từ tên của 2 người con của bà, đó là hai nghệ sĩ Bửu Minh và Ðoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao). Người anh Bửu Minh là danh thủ violon, từng ngồi ghế concert master của dàn nhạc hòa tấu Stuttgart Symphony ở Ðức. Ngoài ra, Đoan Trang còn một người anh khác tên là Bửu Dương.
Danh ca Minh Trang đã tạ thế vào Tháng Tám năm 2010 tại California – Hoa Kỳ.
Ca sĩ Quỳnh Giao sống ở Huế chỉ hơn 2 năm thì theo mẹ vào Sài Gòn sống (năm 1948). Do hoàn cảnh thời cuộc nên cha mẹ của Quỳnh Giao không sống chung trong nhiều năm, chỉ một mình Minh Trang nuôi các con khôn lớn. Đến năm 1951 thì danh ca Minh Trang tái hôn với nhạc sĩ nổi tiếng Dương Thiệu Tước – nhạc sĩ đã góp phần khai phá nền tân nhạc cải cách, một nhạc sư đàn Tây Ban Cầm, đồng thời cũng là cháu nội của danh sĩ Dương Khuê.
Ca sĩ Quỳnh Giao có năng khiếu về nhạc từ bé, có lẽ là nhờ huyết thống cả hai bên nội ngoại đều đam mê nghệ thuật, lại được sống và lớn lên trong môi trường tràn ngập âm nhạc.
Khi danh ca Minh Trang lập ban hát thiếu nhi trên đài phát thanh là Thiếu Sinh Nhi Ðồng tại Sài Gòn thì Ðoan Trang đã cùng anh trai là những người tham gia đầu tiên, cùng với nhiều gương mặt “thiếu nhi” khác: Mai Hương, Bích Chiêu, Bạch Tuyết, Kim Chi, Quốc Thắng và Tuấn Ngọc… Sau năm 1953, Minh Trang giao lại việc điều hành ban Nhi Đồng này cho đôi vợ chồng kịch sĩ Kiều Hạnh – Phạm Ðình Sỹ (là song thân của Mai Hương), đồng thời ban Nhi Đồng cũng được đổi tên thành Ban Tuổi Xanh, cũng là tên của lớp nhạc lừng danh đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng từng theo học, như Hoàng Oanh, Mai Hân, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu, nhạc sĩ Quốc Dũng…
Tại Sài Gòn, ca sĩ Quỳnh Giao vừa học trung học, vừa theo học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và được theo học môn dương cầm với danh sư Ðỗ Thế Phiệt, học nhạc lý từ nhạc sư Hùng Lân. Năm 1963, Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa về dương cầm lẫn nhạc pháp sau 7 năm học nhạc. Thời gian sau đó cô còn được một giáo sư Pháp hướng dẫn thêm về thanh nhạc.
Là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc, Quỳnh Giao đã tham gia trình tấu cùng nhiều danh cầm Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Ðỗ Thế Phiệt, ngoài ra còn nhiều lần được xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Ðông Nam Á.
Vì Minh Trang bị hen suyễn phải giải nghệ sớm, nên ngay từ khi còn đi học, Quỳnh Giao lúc 15 tuổi đã chính thức được hát thay mẹ thường xuyên trong các ban nhạc ở các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Ðội, Tiếng Nói Tự Do, đến giữa thập niên 1960 còn có đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam, được xuất hiện trong các ban nhạc của các nghệ sĩ Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Lang, Phạm Duy, Anh Ngọc, Phạm Mạnh Cương….
Khi hát live trên các đài phát thanh, thường là ca sĩ không được tự chọn ca khúc mà phải trình bày những bản nhạc có hòa âm sẵn theo yêu cầu tại chỗ của nhạc trưởng. Ngoài sở hữu giọng hát thượng thặng, ca sĩ của đài phát thanh còn phải biết ký âm pháp, giỏi nhạc lý, một ngày ứng khẩu hát nhiều bài khác nhau trước máy vi âm được thu và phát thanh trực tiếp cùng ban nhạc. Ca sĩ Quỳnh Giao là một trong những trường hợp tiêu biểu đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắc khe đó nhờ được đào tạo bài bản và toàn diện về âm nhạc từ nhỏ.
Năm 1975, Quỳnh Giao cùng gia đình di tản và được anh ruột là Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Dương đón về miền Ðông Hoa Kỳ định cư. Ông Bửu Dương là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ tại Ðại Học Harvard, thời điểm năm 1975 ông đang dạy văn chương Pháp và Trung Hoa trong đại học Hoa Kỳ.
Tại miền Ðông Hoa Kỳ, Quỳnh Giao mở lại lớp dương cầm tại gia rồi bảo lãnh mẹ cùng các em sang Mỹ. Trong thời gian này, cô thực hiện hai băng cassette có chủ đề “Hát Cho Kỷ Niệm” vào các năm 1983 và 1988. Tự đệm lấy dương cầm với phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ, Quỳnh Giao trình bày lại những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc với lời giới thiệu của các nghệ sĩ Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh,… Sang năm 1986, Quỳnh Giao cũng được nhà văn Duyên Anh mời trình bày đĩa nhạc “Còn Thoáng Chiêm Bao”.
Click để nghe băng Hát Cho Kỷ Niệm 2 thực hiện năm 198
Cùng giai đoạn ấy, Quỳnh Giao cộng tác và lưu diễn một số nơi với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, nhưng cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại vẫn chưa phát triển rực rỡ như thời điểm sau này. Ðáng chú ý là năm 1988 và 1989, cô đã cùng Kim Tước và Mai Hương trình bày nhạc Cung Tiến với dàn nhạc thính phòng của nhạc công người Mỹ tại miền Bắc, miền Nam California, Chicago và Minnesota.
Ðó là thời điểm khán giả bắt đầu biết đến những ca khúc mới và thuộc loại khó diễn tả nhất của nhạc sĩ Cung Tiến, như 10 bài Vang Vang Trời Vào Xuân phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là tác phẩm Hoàng Hạc Lâu phổ thơ Thôi Hiệu, qua phần cảm dịch của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Sau khi tái giá với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa – sau này là nhà bình luận hợp tác với các đài phát thanh quốc tế và các tờ báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ, ca sĩ Quỳnh Giao chuyển qua California định cư từ năm 1991. Trong môi trường sôi động có đông đảo người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, Quỳnh Giao có cơ hội trở lại hoạt động âm nhạc nhiều hơn.
Tại Cali, ca sĩ Quỳnh Giao lần lượt thực hiện nhiều đĩa nhạc có giá trị nghệ thuật, đa số với hòa âm của Duy Cường, như Khúc Nguyệt Quỳnh (1992), Tiếng Chuông Chiều Thu (1996), Chiều Về Trên Sông (1997), Ngàn Thu Áo Tím (1998), Hành Trình Phạm Duy (1999), Hình Ảnh Một Buổi Chiều (2000), Tình Khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng (2001), Thơ Tình Phổ Nhạc (2002), Hoa Xuân (2003), Trở Về Thôn Cũ (2005) và Tình Khúc Phạm Duy (2006).
Click để nghe CD Quỳnh Giao – Chiều Về Trên Sông
Ngoài ra, Quỳnh Giao còn hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn thành đĩa Ðêm Tàn Bến Ngự – Tình Khúc Dương Thiệu Tước (1995) với tiếng hát Kim Tước, đĩa Tình Khúc Văn Cao (1995) cùng tiếng hát Mai Hương, đồng thời có những ca khúc ghi âm lẻ trong các đĩa nhạc phát hành từ 1993 đến năm 2006.
Nhờ ở gần Kim Tước và Mai Hương tại miền Nam California, ba nữ ca sĩ có dịp thường xuyên trình diễn với nhau tạo thành Ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng hải ngoại, để nhắc nhớ về ban nhạc Tiếng Tơ Ðồng nổi tiếng trước 1975 của nhạc sĩ Hoàng Trọng khi còn ở trong nước. Ba giọng hát đều điêu luyện, có thể hát chia bè rất ăn ý và độc đáo trong nhiều ca khúc dành cho hợp ca.
Năm 1997, tại Ban Việt ngữ của đài BBC Anh Quốc, Quỳnh Giao đã chủ trương thực hiện chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam, được phát thanh hàng tuần qua 20 buổi. Đây là chương trình thuộc loại “nhạc sử”, nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời kỳ phôi thai năm 1938 trở về sau, với phần nhạc hiệu là ca khúc Bến Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao thể hiện.
Trong chương trình này, Quỳnh Giao phân đoạn theo thời gian, theo đề tài và đọc lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca sĩ và phần phát biểu của nhiều nhạc sĩ. Nhờ nội dung phong phú, kiến thức âm nhạc uyên thâm, Suối Nguồn Tân Nhạc rất được thính giả yêu thích, là chương trình hiếm hoi được đài BBC cho phát lại lần thứ hai.
Để thực hiện chương trình dài hơi này, Quỳnh Giao cùng với chồng đi nhiều nơi để gặp gỡ những ca sĩ – nhạc sĩ tiền phong của tân nhạc, trong đó có cả những lần về lại Việt Nam. Ngoài ra, Quỳnh Giao có chuyên môn âm nhạc vững vàng, đã được sống với tân nhạc từ bé, có cơ hội gần gũi với các nhạc sĩ và ca sĩ nổi danh nhất của Sài Gòn năm xưa như trong một đại gia đình nên có thể nắm vững hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc.
Ngoài nổi tiếng trong vai trò là nghệ sĩ trình diễn, Quỳnh Giao còn là một nữ ký giả, một xướng ngôn viên truyền thanh và truyền hình ở hải ngoại. Ban đầu được sự khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác phụ trách tờ Văn Học, Quỳnh Giao đã viết nhiều tùy bút và truyện ngắn cho tờ Văn Học và các tờ báo định kỳ khác. Đa số bài của cô viết là về đề tài âm nhạc, gần như một loại tự truyện về thế giới tân nhạc Việt Nam đã mở rộng sự hiểu biết về âm nhạc cho độc giả. Những bài của Quỳnh Giao viết về kiến thức âm nhạc chuyên sâu và kỹ thuật trình diễn sân khấu đã giúp người đọc hiểu biết hơn về từng tác phẩm, tác giả và ca sĩ. Nhờ vậy, độc giả cảm nhận được giá trị đích thực của các ca khúc bất tử.
Ngoài đề tài âm nhạc, sau đó Quỳnh Giao còn viết về điện ảnh, văn chương hay mỹ thuật, thể hiện được những hiểu biết rộng lớn và thấu đáo, cô đã lôi cuốn được đọc giả với văn phong nhẹ nhàng, cái nhìn tinh tế và cách nói khiêm nhường dí dỏm.
Những năm cuối đời, Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của Việt Báo và nhật báo Người Việt trong mục “Tạp Ghi” với những bài định kỳ mỗi tuần. Tạp Ghi Quỳnh Giao là mục ăn khách trên báo Người Việt kể từ năm 2005 cho đến lúc cô qua đời năm 2014.
Không chỉ đọc Quỳnh Giao, người ta còn nghe được giọng nói thanh quý của Quỳnh Giao trên sóng phát thanh, truyền hình, với lối ứng khẩu tự nhiên và nhu mì để nói về đủ loại đề tài hấp dẫn.
Trong cùng lúc đó, cô cũng mở lớp dạy đàn tại tư gia liên tục trong suốt vài chục năm.
Tháng 10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản Tạp Ghi Quỳnh Giao với 67 bài trên hơn 400 trang. Năm 2012, Quỳnh Giao chuẩn bị hoàn thành cuốn thứ hai thì ngã trong vườn nhà và bị thương nặng. Dù được giải phẫu thành công nhưng sau đó tay trái của cô bị yếu dần, không thể dạy đàn được nữa.
Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao tưởng mình bị ho vì bị cảm lạnh, nhưng sau một tháng chữa trị bình thường mà bệnh không dứt. Vào một đêm của đầu tháng 3, khi bị mất giọng, Quỳnh Giao mới được xe cấp cứu đưa và bệnh viện và được chẩn đoán là bị ung thư phổi. Sau hơn bốn tháng điều trị, Quỳnh Giao qua đời ngày 23 tháng 7 năm 2014.
Có thể nói nghệ sĩ Quỳnh Giao làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và bằng cả những bài viết về nghệ thuật về mỹ thuật. Người ta thấy yêu đời và yêu người hơn khi nghe Quỳnh Giao hát, nghe Quỳnh Giao nói, và đọc những gì Quỳnh Giao viết.
Nhận xét về hát Quỳnh Giao, có rất nhiều người đã viết về cô. Xin trích những dòng nhận xét của các văn nghệ sĩ về ca sĩ Quỳnh Giao:
Ca sĩ Duy Trác:
Quỳnh Giao hát rõ ràng, thoải mái, có vẻ như cô không cần đến môt sự cố gắng nào khi hát. Sự hòa nhập của Quỳnh Giao đối với những bài mình hát là một sự hòa nhập được đắn đo hẳn hoi. Hình như khi hát Quỳnh Giao còn muốn khẳng định sự tách rời giữa tiếng hát, bài hát và người nghe, dù đó là một sự liên hệ hỗ tương. Cái khoảng cách cần thiết, sự thật thì người ta cũng chẳng thể nào xóa bỏ được và chỉ khi nào người ta ý thức rõ ràng như thế, việc thưởng thức mới thật sự nghiêm chỉnh.”
Nhạc sĩ Nguyễn Long
Khuôn mặt trái soan, vóc dáng khoan thai dịu dàng, giọng hát trong như giòng suối, nhẹ nhàng thiết tha, truyền cảm, thủ khoa nhạc lý, piano khóa 63 & 64 trường Quốc Gia Âm Nhạc nên kỹ thuật rất vững vàng điêu luyện.
Quỳnh Giao trình diễn như diễn đạt hồn mình qua từng ca khúc, rất chọn lựa tác phẩm, khung cảnh để trình bày, thường trực trên các đài phát thanh, truyền hình, ít xuất hiện trên sân khấu, nhưng hình ảnh Quỳnh Giao “Nàng Công Chúa của Tân Nhạc Việt Nam” đã gây thành ấn tượng không thể phai mờ trong tâm khảm người Việt Nam.
Nhà thơ Du Tử Lê
Tôi, nhiều lần được thấy chị khoan thai bước tới, ngồi xuống chiếc dương cầm, đơn ca, những ca khúc, tự thân vốn đòi hỏi nơi người thưởng ngoạn một trình độ, một cảm quan không phổ thông, đại chúng.
Tôi nhiều lần được nghe tiếng hát chị tha thiết, chênh vênh trên những nát tan; sâu, kín nơi những nồng nàn tình khúc, thất lạc.
Đó là những lúc tôi một mình, với đĩa nhạc, với tiếng hát sang cả, lênh đênh niềm xa, vắng của chị.
Đó là những lúc, không một hình ảnh cụ thể nào của chị diễn ra trước mắt tôi. Nhưng chẳng vì thế mà, tôi không thể hình dung chị.
Nhà văn Hồ Trường An:
Quỳnh Giao hát cực kỳ điêu luyện, ai cũng biết. Quỳnh Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi và sành điệu, chắc chẳng ai quên. Nhưng mấy ai biết được sự thủy chung và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô, là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng được bao người đi nữa.
Ở ngoài đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát cô quý phái theo. Cô không bao giờ vừa hát vừa nhỏng nhẻo với khán giả, hoặc làm như hổn hển say nhừ lạc thú ái ân như mấy bà sủng phi ỏn ẻn mê hoặc đức vua hiếu sắc hiếu dâm, như mấy cô kỹ nữ nịch ái các khách làng chơi khờ khạo. Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực. Người chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà cũng không đắng đậm như mật gấu. Tuy nhiên cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ. Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào.
Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng lóa như pha lê. Từ khi ra hải ngoại, khi hát ở những chỗ hơi trầm, tiếng cô hơi khào khào một chút, thật gợi cảm như giọng thiếu phụ. Tuy nhiên, rồi đâu cũng vào đó, tiếng hát cô cũng trở về cái giọng thánh thiện và trinh khiết gợi nên hình ảnh thiên thần cánh trắng.
Giọng Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chỗ ngang ngang thì nó quá dịu mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ kiều nhược. Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa như giọng Ánh Tuyết, tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn chắc, vẫn dẻo, vẫn thoải mái và thống khoái. Cô lại còn ưa chuyền hơi, từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ, nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào!
Nhạc sĩ – nhà văn – nhà thơ Nguyễn Đình Toàn:
Có những tiếng hát, nghe rồi, khi gặp người hát, người ta có cảm tưởng, giữa người hát và tiếng hát, có một cái gì đó sai lạc. Tiếng hát Quỳnh Giao hợp nhất với khuôn mặt và cả vóc dáng người hát.
Nghe và xem Quỳnh Giao hát, người ta có thể thấy ngay rằng, người như thế ắt tiếng hát phải như thế. Mong manh. Trong sáng. Dịu dàng.
Có người cho rằng giọng hát Quỳnh Giao hơi mỏng. Ðó là điều người ta có thể thích hay không thích. Nhưng cái vẻ sang trọng và kỹ thuật điêu luyện của tiếng hát thì không ai có thể phủ nhận được.
nhacxua.vn biên soạn
Ca sĩ Quỳnh Giao là một nghệ sĩ trữ tình nổi tiếng trong âm nhạc Việt Nam. Cô sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, với cha là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và mẹ là danh ca Minh Trang. Quỳnh Giao có giọng hát cao vút, trong vắt và được gọi là “tiếng hát thủy tinh”. Cô đã tham gia nhiều chương trình âm nhạc và trình diễn tại Sài Gòn vào những năm 1960. Quỳnh Giao còn là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và thường tham gia biểu diễn cùng các danh cầm khác.
Hastags: #Cuộc #đời #và #sự #nghiệp #của #sĩ #Quỳnh #Giao #Giọng #hát #trong #vắt #như #pha #lê