Năm 1963, một gia đình nghệ sĩ gồm các thành viên Phạm Đình Sỹ, Kiều Hạnh, Mai Hương và Bạch Tuyết đã được báo chí viết về. Phạm Đình Sỹ là một họa sĩ, trong khi Kiều Hạnh, Mai Hương và Bạch Tuyết là các ca sĩ. Họ đã có sự nổi tiếng trong làng nghệ thuật và được công chúng biết đến qua các tác phẩm và tiết mục biểu diễn. Gia đình này đại diện cho tài năng và thành công trong ngành nghệ thuật Việt Nam vào thời điểm đó..
Trong làng nghệ thuật miền Nam trước 1975, nếu nói đến một đại gia đình nghệ thuật, ai cũng nghĩ đầu tiên đến đại gia đình nhà họ Phạm – Những người con nhà Thăng Long của ông bà Phạm Đình Phụng, đó là Phạm Đình Sỹ, Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), và Thái Hằng, Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), Thái Thanh. Tất cả họ đều là những nghệ sĩ huyền thoại đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền văn nghệ đa dạng nhiều sắc màu.
Nếu tách riêng từng thành viên trong đại gia đình này, thì sẽ lại có những gia đình nghệ sĩ khác nữa, với quy mô nhỏ hơn, đã cùng nhau cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà.
Bài báo sau đây của nhà văn – nhà báo nổi tiếng Mai Thảo, dưới dạng một ký sự, được đăng trên tờ Kịch Ảnh năm 1963, giới thiệu về từng thành viên trong gia đình nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh, với 2 cô con gái Mai Hương – Bạch Tuyết.
Trận mưa buổi chiều còn tầm tã khi tôi rũ áo bước vào cái thế giới thân mật ngoài đời của cặp vợ chồng tài tử Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ là căn nhà ấm cúng của họ cuối một ngõ cụt đường Duranton (Bùi Thị Xuân). Mở đầu loạt bài giới thiệu nghệ sĩ và danh ca trên làn sóng điện, tôi đã đến đây, cũng chưa định đóng khung bài viết vào một khuôn mặt nào. Lứa đôi tài tử này, từ Hà Nội đã họp thành một cặp bài trùng khăng khít của Sân Khấu Kịch Nói, và nghệ thuật diễn xuất ở họ trong mưa nắng Saigon đã chuyển thành nhạc điệu khi truyền xuống thế hệ thứ nhì thành hai tiếng hát chị em. Đó là hai tiếng hát Mai Hương và Bạch Tuyết.
Tách rời từng người, họ chỉ là những nghệ sĩ trình diễn như mọi người. Nhưng chung sống dưới một mái nhà, kết hợp trong sự kết hợp đằm thắm của máu mủ ruột thịt, cái tay tư bố-mẹ-chị-em họ Phạm này đã là một hiện tượng. Và người ta phải nói đến nó như một toàn thể Hollywood có đảng Frank Sinatra. Paris có đảng Vadim. Gần đây lại có “đảng gia đình” John Wayne với Wayne lớn Wayne con Wayne già Wayne trẻ lũ lượt tấn công Kinh Thành Chiếu Bóng. Thì ở cái đất Saigon 63 này, tuy nhỏ hẹp hơn, chúng ta cũng có cái đảng của Kiều Hạnh đang làm mưa làm gió như ai. Bởi vậy, cái sự thực về Một nếu là thiếu, thì nói đến Hai cũng chưa vẹn toàn. Phải nói đến Bốn. Đến cái toàn thể. Đến cái đảng. Đến cả nhà.
Căn phòng tắm đẫm trong ánh nắng màu hồng trên hai bờ tường chạy dài, một cuộc triển lãm toàn gia nho nhỏ. Hình Phạm Đình Sỹ ngậm tễu trầm ngâm. Hình chánh đảng Kiều Hạnh điềm đạm trước bóng tỳ bà. Hình Mai Hương, bông hoa hồng tươi tắn cười mãn khai đến hết. Hình Bạch Tuyết, bông hoa lan dịu dàng cười hàm tiếu nửa vời. Mai Hương đi lấy chồng rồi, cô chị đã sang ngang phố khác, cô em Bạch Tuyết chưa lấy chồng, nên còn ngồi đó một mình mơ mộng.
“Chú ạ” – Tiếng nói dẫn kịch quen thuộc của Ban Hoa Lư 6 giờ 15 thứ năm mỗi tuần chào tôi đó. Năm nay, Bạch Tuyết mới “em vừa hai mươi tuổi”. Nhưng chưa lớn, còn nhỏ, còn mười sáu mười lăm. Chị đi lấy chồng, cháu lớn cũng vừa mà. Một cuộc đời chưa có chuyện để nói, dẫu đã có chuyện để mơ mộng, mà tâm sự mới thấp thoáng như nắng nhạt, như mưa sa, như cái chỉ tay định mệnh còn lẩn lẩn chìm chìm như cuộc sống chưa bắt nó phải gia nhập, lựa chọn nên chưa rõ ràng đường nét. Là bởi vì Bạch Tuyết nữ sinh chiều chiều theo mẹ Hạnh lên đài còn mang theo cuốn vở nhằng nhịt những phương trình, nên con người ca sĩ ở Bạch Tuyết còn là sự ngập ngừng, sự e dè của con chim nằm trên tổ cao thử dóng lên vài tiếng hót sớm đầu tiên.
Cô Tú rồi đó. Năm nay Bạch Tuyết đang theo Ban Dược Khoa. Nghe mưa ru nằm ngủ đến ba bốn giờ trưa chưa chịu dậy, học vừa vừa thôi chú à còn để thì giờ ăn quà vặt, hát, đóng kịch và mơ mộng nữa chưa, ấy thế mà quyết đỗ, để mai sau ra mở cái tiệm thuốc đàng hoàng giữa đường Bô-Na (Lê Lợi). Bạch Tuyết có một người tình. Chỗ này chắc nhiều anh chàng giật mình đánh thót. Nhưng ông bố Phạm Đình Sỹ cười ha hả: “Tình nhân của cháu là anh chàng Dược Khoa đó”.
Tiếng hát Tuyết thoát thai (danh từ này của Kiều Hạnh) từ ban Thiếu Sinh Nhi Đồng. Nó bé nhỏ, yếu đuối và nó cũng thanh thanh như cái dáng người, cái nét mặt dễ thương của Bạch Tuyết nhưng nó vẫn lớn bổng lên được với Ban Sinh Viên bây giờ, với Ban Hoa Lư toàn các anh chị, với ban Ly Tao ban Nghiêm Phú Phi toàn các chú các bác, ở những buổi hát thế cho chị Mai Hương.
6 giờ chiều. Vẫn mưa như tầm như tã, khi Phạm Đình Sỹ chở tôi sang cái bên kia sông mưa bay của Mai Hương đã lấy chồng. Căn nhà người con cũng ấm cúng nhỏ nhắn như căn nhà cha mẹ. Bà ngoại Kiều Hạnh đã đến đây. Bà cố ngoại – là thân sinh Thái Thanh, Hoài Bắc cũng có mặt. Một bàn thờ nhỏ được thiết lập cho buổi lễ ăn mừng cậu con giai đầy tháng. Mười hai ngọn nến cháy cho mười hai tháng đánh dấu ngày đầy tuổi đứa nhỏ. Tôi lạc vào một vùng nói cười ồn ào. Kiều Hạnh, Phạm Đình Sỹ, Mai Hương và Bạch Tuyết đang đóng một màn kịch vui ngắn trên cái sân khấu không có tiền trường hậu trường, với một cảnh trí tự nhiên là sự thỏa thuê trong một hạnh phúc giản đơn phô diễn hoàn toàn không che giấu. Bồng đứa con trên tay, Mai Hương là một người mẹ mới vỡ lòng. Đàn bà rồi nhưng mãi là trẻ con. Cùng với mẹ Kiều Hạnh, Hương là ngôi sao sáng của gia đình. Tôi ném vào cái vùng yên vui ồn ào của bốn khuôn mặt rạng rỡ một câu hỏi:
– Những cái gì giống nhau giữa Mai Hương và Bạch Tuyết?
Ông bố Phạm Đình Sỹ đỡ lời:
– Cùng nghiện ciné một cây.
– Vậy cái gì khác nhau giữa Mai Hương và Bạch Tuyết?
Vẫn ông bố Phạm Đình Sỹ như một xướng ngôn viên nhanh nhẩu nói thay cho hai cô con gái:
– Tâm tình. Cháu Mai Hương bồng bột, tự nhiên. Cháu Bạch Tuyết khép nép, kín đáo. Người ta nghĩ đến chị qua những nét Tây phuong nổi lên bề mặt. Và đến em là sự trái ngược lại, là những nét lặn và chìm Đông phương.
Năm nay, Mai Hương vừa hai mươi hai tuổi. Có một giọng hát vững vàng, một căn bản nhạc lý chắc chắn. Cùng với Anh Ngọc và Thái Thanh, Mai Hương có mặt ở hầu hết các ban trình diễn âm nhạc và Thơ văn của hai đài Phát Thanh Quốc Gia và Quân Đội. Từ Ban Ly Tao của Thái Thủy đến ban Hoàng Trọng, Võ Đức Thu, Nguyễn Quý Lãm, đến ban Đan Thọ, Hoàng Lan, Thăng Long… Mai Hương như một con thoi xuất hiện luân phiên sáng chiều, bảy ngày, một tuần, tạo được cho mình một chỗ đừng hàng đầu trong những tiếng ca phổ biến nhất trên làn sóng điện.
Mẹ Kiều Hạnh:
– Cháu đang học chương trình tú tài thì bỏ học.
Bố Phạm Đình Sỹ:
– Lấy chồng mà. Con gái lớn phải lấy chồng bộ học mãi sao. Nhưng rồi cháu lại học nữa.
Phạm Đình Sỹ 63 đã ngoại ngũ tuần. Nhưng còn trẻ, như cái nét chung chính yếu của cái gia đình này, là người nào cũng trẻ vô cùng hơn tuổi. Một nhân viên cần cù của Tổng Nha Quan Thuế. Thích hội họa. Đội mưa ngồi xem đá bóng để cổ võ cho đội ban nhà của ông bầu Nguyễn Đức Ân. Sỹ là một công chức kiểu mẫu, nhưng con người công chức đó không chịu hạ sát con người ham hoạt động văn nghệ, động có dịp lại hóa trang, học vở, bước lên sân khấu tức thì. Vai ông thầy thuốc trong phim Đất Lành trước đây là Phạm Đình Sỹ đó. Lần xuất hiện mới nhất: Trên sân khấu Quốc Thanh, trong vở Cai Hoạt, một dịp để trở lại đồng diễn với “bà đầm”, trở lại với vị trí con bài của cặp bài trùng khăng khít đằm thắm từ mười mấy năm nay trên sân khấu Kịch Nói.
Tôi quay sang hỏi Kiều Hạnh:
– Còn chị?
Người vợ, người mẹ, người bà ngoại ở Kiều Hạnh cùng cười duyên dáng thành một tiếng cười với người nghệ sĩ sân khấu tên tuổi:
– Tiểu sử và thành tích hoạt động của tôi?
– Khỏi. Người ta đã viết không biết bao nhiêu lần về thành tích của chị. Vai trò nào chị ưa thích nhất?
– Vai Thị Phượng trong Lôi Vũ, công diễn ở sân khấu nhà Hát Lớn ngoài Hà Nội năm 1946. Bởi Thị Phượng là cực điểm đẩy mâu thuẫn của Đam Mê và Thơ Ngây, người diễn viên nào cũng ngợp cũng rợn trong những vai trò như thế. Thứ đến là trong vở Trong Bóng Hậu Trường của anh Năm Châu diễn năm 1958. Đó là những vai trò có diễn xuất. Và tôi nghĩ rằng mình đã lột được hết tinh thần những vai trò ấy.
Hoạt động kịch ở Kiều Hạnh là một hoạt động thường trực. Nghệ thuật diễn xuất ở Kiều Hạnh là những kinh nghiệm tích lũy dẫn đưa tới sự dễ dàng thuần phục, sự thấu hiều và cầm nắm được tâm lý vai trò, chỉ thấy ở những khả năng bậc chị. Hiện nay, sân khấu kịch nói im lìm, cái đất sở trường của Kiều Hạnh cũng vì đó mà thu hẹp lại. Nhưng khán thính giả hàng tuần tuy vậy vẫn được thưởng thức tiếng nói phù hợp với bất cứ một vai trò nào của Kiều Hạnh trong ban Gió Nam, ban Hoa Lư của Thanh Nam, và ban Tuổi Xanh mà Kiều Hạnh là trưởng ban, và hiện cũng là ban được Kiều Hạnh yêu thương chăm chút nhất.
Buổi chiều vẫn mư như tầm như tã khi cái “đảng Kiều Hạnh” ồn ào đứng dậy tiễn tôi ra cửa. Kiều Hạnh, Phạm Đình Sỹ, Mai Hương, Bạch Tuyết, và nếu lại mở rộng cái tiểu gia đình này thành một đại gia đình để kể thêm Thái Thanh, Hoài Bắc, Hoai Trung, Lê Quỳnh, Thái Hằng, Phạm Duy, thì cái tập thể nghệ sĩ này quả có là một hiện tượng nhiều mặt đang bao trùm, đang tràn lan, như một vết dầu loang trên mọi sân khấu trình diễn và mọi luồng âm thanh của cả hai Đài lớn. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng nói của họ kết hợp như một bản hợp tấu. Vang vọng trở lại từng cuộc sống riêng tư, bản hợp tấy có thể dội xuống một mái đầu này một nốt nhạc buồn, tắm đẫm trên khuôn mặt kia một nốt nhạc vui, nhưng nhìn chung, vẫn là một hình ảnh thuận hòa phát sinh từ một ý chí của mỗi cá nhân bảo vệ cho quyền lợi và uy thế toàn thể. Cho, với họ, không thể nói đến một người. Phải nói đến cái hiện tượng. Cái Đảng. Phải nói đến tất cả mọi người. Phải nói đến cái con người ham mê sinh hoạt nghệ thuật ở Phạm Đình Sỹ. Phải nói đến người nữ diễn viên lão luyện ở Kiều Hạnh. Phải nói đến cái tiếng hát đã thành của Mai Hương, như phải nói đến cái tiếng hát còn yếu còn chìm nhưng đang lớn của Bạch Tuyết. Với cái gia đình nghệ sĩ tay tư này, nghệ thuật trình diễn là một bản đồng ca vui tươi, trên làn sóng điện, trên sân khấu, như trong cái thế giới ngoài đời bình yên và hạnh phúc.
nhacxua.vn biên soạn
Tư liệu của Leminh Saigon
Trước năm 1975, gia đình nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh được coi là một gia đình nghệ thuật nổi tiếng, gồm có Phạm Đình Sỹ, Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), Thái Hằng, Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) và Thái Thanh. Cả gia đình này đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của nghệ thuật ở miền Nam. Bài báo giới thiệu về gia đình này và hai con gái của họ, Mai Hương và Bạch Tuyết, được đăng trên tờ Kịch Ảnh năm 1963. Gia đình này có sự đoàn kết và tài năng, và được xem như một “đảng gia đình” đặc biệt. Bài báo cũng đề cập đến sự khác biệt giữa hai chị em, với Mai Hương tự nhiên và mở lòng hơn, trong khi Bạch Tuyết khép kín và kín đáo hơn.
Hastags: #Bài #báo #xưa #năm #Một #gia #đình #nghệ #sĩ #Phạm #Đình #Sỹ #Kiều #Hạnh #Mai #Hương #Bạch #Tuyết