Ca khúc “Em Đi Rồi” là một tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương, kể về chuyện tình đầy sóng gió của Họa Mi và Lê Tấn Quốc. Câu chuyện lấy bối cảnh thời kỳ chiến tranh, khi họ thầm yêu nhau nhưng không thể đến với nhau do hoàn cảnh khắc nghiệt. Bài hát mang trong mình nỗi đau, sự tủi nhục và hy vọng lớn lao. “Em Đi Rồi” là một cái nhìn tình cảm sâu sắc về tình yêu và khó khăn trong cuộc sống..
Năm 2010, ca sĩ Họa Mi trở về nước ca hát sau nhiều năm rời quê hương, cô đã thực hiện một số CD nhạc, trong đó có CD mang tên Một Mai Em Đi hợp tác cùng chồng cũ là nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc. Ngoài ra nhân dịp này họ cũng nhiều lần trình diễn chung trên sân khấu. Đó là khoảnh khắc thật đẹp, nhiều cảm xúc đối với những khán giả từng biết về những phong ba bão tố mà họ đã từng trải qua. Bởi vì qua bao khó khăn, thử thách, dù tình yêu không còn, họ vẫn giữ lại cho nhau thứ tình thân quý giá của gia đình.
Click để nghe CD Họa Mi hợp tác cùng Lê Tấn Quốc năm 2010
Đôi trai gái tài sắc
Ca sĩ Hoạ Mi tên thật là Trương Thị Mỹ, sinh năm 1955 tại Sài Gòn. Cha của Họa Mi qua đời vì bệnh nan y khi cô mới 11 tuổi, người mẹ vì đau buồn nên bị trầm cảm, đau bệnh và cũng ra đi chỉ 6 năm sau đó. Ngay từ nhỏ Họa Mi đã phải trải qua những đoạn đường đau xót, nhưng bù lại phần nào thì trên con đường nghệ thuật, may mắn đã sớm mỉm cười với cô gái trẻ.
Năm 15 tuổi, Họa Mi đã nhiều lần được xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia khi tham gia trong ban hợp xướng Gió Khơi. Cũng nhờ đó Họa Mi gặp nhạc sĩ Đoàn Chính, được ông khuyên thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc để phát triển khả năng ca hát. Tại đây Họa Mi được học thanh nhạc với Đoàn Chính và Bùi Thiện, và được ca sĩ Bùi Thiện giới thiệu với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và được nhạc sĩ nổi tiếng này nhận làm học trò.
Với sự dìu dắt của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Họa Mi nhanh chóng nổi tiếng sau lần hát đơn đầu tiên trước công chúng tại phòng trà Maxim’s với ca khúc Đưa Em Xuống Thuyền. Cô được đánh cao không chỉ nhờ giọng ca truyền cảm, mà còn có nền tảng thanh nhạc bài bản.
Nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc lớn hơn Họa Mi 2 tuổi. Ông sinh năm 1953, tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. 10 tuổi, Lê Tấn Quốc bắt đầu học nhạc. 15 tuổi, Lê Tấn Quốc đã có vinh dự đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Sài Gòn. Sau khi trải qua thời gian chơi nhạc tại các phòng trà nổi tiếng như Văn Hoa của nhạc sĩ Bảo Thu, Đệ Nhất của Mai Lệ Huyền, đến năm 19 tuổi Lê Tấn Quốc được mời làm trưởng ban nhạc tại phòng trà của Jo Marcel, sau đó còn là trưởng ban nhạc phòng trà Tự Do của Khánh Ly. Đó là bề dày kinh nghiệm đáng nể đối với chàng nhạc công còn rất trẻ như Lê Tấn Quốc, thu nhập của ông khi đó cao hơn nhiều ca sĩ ngôi sao khác. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, đôi mắt Lê Tấn Quốc bắt đầu có dấu hiệu yếu đi.
Năm 1975, Lê Tấn Quốc nhận lời mời của bà bầu Kim Cương về chơi nhạc cho đoàn kịch. Thời điểm đó, đoàn Kim Cương thường mời các ca sĩ và nhạc công tới để trình diễn tân nhạc cho công chúng thưởng thức trước khi vở kịch chính thức bắt đầu. Tại đây, Lê Tấn Quốc bắt đầu gặp gỡ và để ý tới nữ ca sĩ xinh đẹp Hoạ Mi cũng vừa mới tham gia vào đoàn kịch nói Kim Cương sau khi đoàn Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã tan rã sau năm 1975.
Nếu Hoạ Mi sở hữu nhan sắc xinh đẹp và giọng hát thánh thót cao vút thì Lê Tấn Quốc cũng hề kém cạnh gì. Không chỉ tài hoa, Lê Tấn Quốc còn được đánh giá là đẹp trai, cao ráo, được nhiều khán giả và nghệ sĩ nữ yêu mến. Chỉ 6 tháng sau khi yêu nhau, chàng nhạc công ngỏ lời cầu hôn và nhận được cái gật đầu của nàng ca sĩ. Mắt của Lê Tấn Quốc lúc này cũng dần yếu, tầm nhìn ngày càng hẹp lại. Hoạ Mi biết rõ điều đó nhưng vì yêu nên cô gái trẻ 21 tuổi vẫn quyết định kết hôn. Họ đến với nhau bằng một đám cưới giản dị và nghèo khó vào năm 1976. Lê Tấn Quốc sau này kể lại như sau:
“Lúc đó chúng tôi rất nghèo mà không hiểu sao vẫn nôn đám cưới. Tôi bán chiếc tủ buffet được 100 đồng. Họa Mi dành dụm được 100 đồng. Chị Kim Cương tặng 200 đồng. Bà con hai họ cho thêm 200 đồng. Với số tiền đó, chúng tôi tổ chức đám tại nhà gồm 2 mâm. Mâm trong nhà giành cho quý bà lớn tuổi. Mâm ngoài sân giành cho quý ông cao niên. Còn tụi trẻ chúng tôi chỉ đứng trò chuyện và chụp hình. Buổi chiều chúng tôi lên nhà chị Kim Cương. Chị nấu món cà ri dê ăn với cơm trắng để đãi toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đoàn kịch Kim Cương”.
Những quyết định đơn độc
Những ngày tháng trăng mật phơi phới hồn nhiên mau chóng đi qua, những đứa trẻ lần lượt ra đời kéo theo gánh gặng kinh tế ngày càng đè nặng trên vai đôi vợ chồng trẻ. Dù Hoạ Mi ngày càng hát hay và trở thành một ngôi sao, dù tiếng kèn của Lê Tấn Quốc ngày càng thăng hoa, đưa ông trở thành tay saxophone hàng đầu Việt Nam, nhưng thời điểm đó thì nghệ sĩ nào cũng nghèo. Ba người con của họ đều từng bị suy dinh dưỡng và lao phổi. Bệnh mắt của Lê Tấn Quốc ngày càng trầm trọng, ban ngày không thể nhìn xa, ban đêm gần như bị loà, chỉ còn thấy mờ mờ.
Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc từng ngậm ngùi nhớ lại:
“Cô ấy là một hình ảnh khó phai trong tôi, dù khốn khó thế nào cũng một lòng một dạ lo cho chồng con. Những người hàng xóm vẫn nhớ hình ảnh cô ấy mặc chiếc áo rách, chiếc quần bạc màu bồng con đi dọc xóm hoặc đội chiếc nón lá tả tơi đi chợ… Rồi thời “ngăn sông, cấm chợ” cô ấy phải nhảy tàu đi hát (hồi đó ca sĩ chỉ được hát ở một tụ điểm trong thành phố), để đứa con dưới sàn tàu, cô ấy thức quạt cho con ngủ, tối lại phải lên sân khấu. Về nhà, cô bưng tô cơm nguội, canh đã nguội tanh để ăn. Đi lưu diễn ở nước ngoài, hành lý mang về là những thứ mua cho chồng, cho con còn cô ấy chẳng có thứ gì… Cô ấy đã sống hết mình cho chồng con…”.
Một thời gian dài đằng đẵng, bên cạnh ca hát, Họa Mi vừa chăm sóc 3 người con còn nhỏ, vừa bắt đầu hành trình chữa bệnh cho chồng. Thử bằng mọi cách mà không thể dứt bệnh, Tấn Quốc phải sang tận Liên Xô thử phương pháp chữa trị mới, chích thẳng thuốc vào đáy mắt đau đớn, nhưng phương pháp từ đông sang tây đều phải chào thua căn bệnh lạ này.
Năm 1988, Hoạ Mi được chọn đi lưu diễn tại Pháp theo một đoàn văn nghệ. Ngay trên đất Pháp, Hoạ Mi đã có một quyết định đơn độc làm thay đổi mãi mãi cuộc sống của cô và cả gia đình. Cô quyết định trốn ở lại Pháp. Quyết định này không chỉ gây ra điều tiếng cho Hoạ Mi trong suốt một thời gian dài mà còn gây ra một cú sốc lớn cho Lê Tấn Quốc tại Việt Nam. Bởi quyết định đó của vợ, Lê Tấn Quốc là người biết sau cùng khi đoàn văn nghệ trở lại Việt Nam mà không có Hoạ Mi. Đối với Tấn Quốc, sự ra đi của Hoạ Mi chính là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của họ. Sau này, Tấn Quốc tâm sự:
“Lúc đó mình cũng thấy hụt hẫng lắm. Đi làm về thấy 3 đứa con nằm ngủ lăn lóc rất tội nghiệp” và “Khi Họa Mi đi coi như xong rồi, coi như tan vỡ rồi. Đó là định mệnh”.
Về phần Họa Mi, cô quyết định như vậy là có lý do riêng, nhưng không thể tự thanh minh cho mình, đó là ở lại Pháp để tìm cơ hội đưa chồng sang cùng, với hy vọng nền y khoa tiên tiến của phương Tây có thể chữa khỏi bệnh mắt của người chồng đang dần trở nên trầm trọng.
Câu chuyện đời đầy thương cảm của Họa Mi xuất hiện trên nhiều tờ báo Việt Ngữ tại Pháp đã khiến nhạc sĩ Lam Phương xúc động, viết tặng cô ca khúc Em Đi Rồi, dù chưa một lần gặp mặt. Sau khi hoàn thành, nhạc sĩ Lam Phương gửi ca khúc này đến cho trung tâm Thuý Nga lúc này vẫn còn “đóng đô” ở Paris. Sau đó Thúy Nga đã liên lạc với Hoạ Mi đề nghị cô hát Em Đi Rồi, cũng chính là ca khúc viết về cuộc đời mình trong lần hợp tác đầu tiên trên chương trình Paris By Night số 6:
Em đi rồi, đường xưa có nắng không anh?
Lá hoa còn xanh, hay tàn theo tháng ngày?
Giờ một mình anh, lẻ bước trong sương mai
Người tình còn đâu, chỉ đớn đau con tim
Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn
Biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người
Một lần biệt ly chẳng biết nói năng chi
Lệ tràn bờ mi thì đã quá chia ly
Dù tình thật xa tình vẫn còn đây
Khóe mắt u hoài vì ngấn lệ chưa vơi
Trời buồn tình ngâu trời đêm bão tố
Mưa tuôn thành dòng thuận gió biển đông
Tình buồn tình xa tình không mờ xóa
Hai phương trời rộng tình vẫn mênh mông…
Click để nghe Họa Mi hát Em Đi Rồi
Suốt hai năm ở Pháp, Hoạ Mi miệt mài đi diễn, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gửi về Việt Nam nuôi con, mặc cho những thị phi trong nước về việc cô nhẫn tâm bỏ rơi người chồng gần như mù lòa và 3 người con còn thơ dại để đi “hưởng vinh hoa phú quý nơi xứ người”. Nhờ những mối quan hệ có được, cô tìm mọi cách để bảo lãnh chồng con đến Pháp, trong đó có việc gửi thư cầu khẩn đến Đệ Nhất Phu Nhân Pháp lúc đó (bà Danielle Mitterrand) kể về hoàn cảnh của mình, mong được giúp đỡ.
Sự kiên trì của Họa Mi may mắn được hồi đáp, đệ nhất phu nhân đã giúp cô làm thủ tục cho cả gia đình được đoàn tụ tại Pháp, ngoài ra còn giới thiệu các bác sĩ giỏi nhất của Pháp quốc để chữa bệnh cho nghệ sĩ Lê Tấn Quốc.
Họa Mi vui mừng đón cả gia đình sang Pháp, nhưng sau đó lại nhận được tin buồn là những bác sĩ nhãn khoa giỏi nhất của Pháp cũng không thể cứu chữa được cho Lê Tấn Quốc.
Sau 4 tháng đầy khó khăn trên đất khách quê người, những mối dây nối yếu ớt giữa Lê Tấn Quốc và nước Pháp dần mục rữa. Hy vọng chữa khỏi mắt tiêu tan, không thể hoà nhập, mưu sinh nơi xứ lạ, mọi thứ đều phải phụ thuộc vào Hoạ Mi. Lê Tấn Quốc giống như một con chim thương tật bị nhốt trong lồng, nhiều lúc đã tuyệt vọng và mang những suy nghĩ tiêu cực nhất. Bởi vì khi còn ở Việt Nam, dù đời sống kinh tế khó khăn, dù mắt loà nhưng lúc nào Lê Tấn Quốc cũng được sống trong không gian âm nhạc, với những sân khấu đầy ắp khán giả. Dù Hoạ Mi muốn làm thủ tục xin tị nạn để chồng được ở lại Pháp nhưng Lê Tấn Quốc vẫn kiên quyết muốn trở lại Việt Nam, nơi ông có thể tự mưu sinh và không làm gánh nặng cho vợ. Sau những cuộc nói chuyện chân thành và thẳng thắn, họ chính thức chia tay nhau trong nước mắt. Cuối năm 1990, Lê Tấn Quốc về nước sống cùng mẹ ruột, để lại 3 người con cho Họa Mi chăm sóc.
Đồng hành trong âm nhạc
Đầu năm 1991, sau khi trở lại Việt Nam, dù mắt đã gần như không còn nhìn thấy, Lê Tấn Quốc nhận được lời mời làm trưởng ban nhạc nhà hàng Thanh Niên. Sau những biến cố thăng trầm trong đời sống cá nhân, tiếng kèm saxophone của người nghệ sĩ mù Lê Tấn Quốc ngày càng thăng hoa, da diết và truyền cảm. Số phận cũng không quá bạc bẽo với Lê Tấn Quốc khi người đàn bà thứ 2 nhỏ hơn ông tới 18 tuổi xuất hiện, yêu thương, chăm sóc và cùng ông tạo dựng một gia đình mới với hai người con chung.
Về phía Hoạ Mi, sau khi chia tay Lê Tấn Quốc, cô tiếp tục ở lại Pháp một thân một mình vừa đi diễn lo kinh tế, vừa chăm sóc 3 người con. Dù nhận được nhiều lời mời đi lưu diễn xa nhưng Hoạ Mi buộc phải từ chối, vì không thể để các con ở lại một mình. Cô tâm sự:
“Cũng từ đó tôi buộc phải từ bỏ đam mê của mình để lo cho các con. Làm sao có thể để các con ở nhà một mình để đi hát? Nhất là các bác sĩ cũng cảnh báo căn bệnh chồng tôi mang có tính di truyền. Các con tôi phải được kiểm tra mắt mỗi năm cho đến khi 18 tuổi”
Năm 1995, Hoạ Mi nhận lời cầu hôn của một người đàn ông Pháp gốc Việt, lớn hơn cô 12 tuổi, là chủ một xưởng sản xuất kem và bánh ngọt. Sau khi tổ chức đám cưới ở Pháp, Hoạ Mi đưa chồng về Việt Nam tổ chức lễ báo hỷ tại nhà hàng Maxim’s, nơi gắn bó với cô một thời tuổi trẻ. Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc và vợ mới cũng được mời đến dự và chúc mừng Họa Mi.
Sau khi kết hôn, Hoạ Mi nghỉ đi hát, chuyên tâm cùng chồng lo công việc kinh doanh và chăm sóc gia đình. Cô có thêm 1 người con với người chồng thứ hai này.
Từ năm 2010, Hoạ Mi trở về sống tại Việt Nam, đồng thời chính thức trở lại sân khấu ca nhạc sau nhiều năm vắng bóng. Cô có một số sản phẩm âm nhạc hợp tác cùng chồng cũ, đặc biệt là cả hai có dịp tái ngộ trên sân khấu chương trình Sol Vàng tại nhà hát Hoà Bình, tối 13/06/2015 với ca khúc Em Đi Rồi do Hoạ Mi thể hiện cùng tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Lê Tấn Quốc.
Đó có thể xem là một kết cuộc đẹp cho cuộc hôn nhân đầy bão tố một thời của ca sĩ Họa Mi và nghệ sĩ Lê Tấn Quốc.
Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)
Năm 2010, ca sĩ Họa Mi và nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc hợp tác thực hiện một CD mang tên “Một Mai Em Đi”. Họ cũng trình diễn chung nhiều lần trên sân khấu. Dù không còn tình yêu nhưng họ vẫn giữ lại tình thân của gia đình. Họa Mi từ nhỏ đã phải trải qua nhiều khó khăn, nhưng may mắn là đã thành công trong sự nghiệp ca hát. Lê Tấn Quốc cũng là tay saxophone hàng đầu và từng có nhiều kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu. Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh, Họa Mi quyết định ở lại Pháp khi đi lưu diễn năm 1988, tạo ra một cú sốc lớn cho Lê Tấn Quốc và gia đình.
Hastags: #khúc #Đi #Rồi #nhạc #sĩ #Lam #Phương #và #chuyện #tình #đầy #bão #tố #của #Họa #Lê #Tấn #Quốc