Ca khúc Nương Chiều (nhạc sĩ Phạm Duy) là một bản tình ca sâu lắng, mang đến cảm xúc thấm đượm cho người nghe. Bài hát miêu tả hình ảnh cô nàng đến từ xa, mang theo nỗi buồn tương tư trên bờ suối. Âm nhạc nhẹ nhàng, êm dịu cùng lời ca sâu lắng tạo nên một tác phẩm mang đến sự thăng hoa tình cảm. Nương Chiều không chỉ đơn thuần là một bản nhạc, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đi vào lòng người với tình yêu và nỗi buồn sâu thẳm..
Ca khúc Nương Chiều được nhạc sĩ Phạm Duy viết năm 1948 khi ông vẫn đang miệt mài rong ruổi khắp nẻo đường chiến khu, khi mà bước chân lãng du vẫn chưa dừng lại ở nơi Thái Hằng. Một hôm giữa núi rừng Cao-Bắc-Lạng, ông đặc tả cảnh chiều ở vùng sơn cước tuyệt đẹp này như sau:
Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều.
Chiều ơi, lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm hơi, ới chiều…
Click để nghe Thái Thanh hát Nương Chiều
Bài hát có giai điệu dìu dặt, mang đậm chất đồng quê, đồng nội mà không cần phải có điệu nhạc valse trong các bài hát cùng thời như Quê Em Miền Trung Du, Ngày Mùa, Làng Tôi, hoặc là điệu rumba, mambo sau này như Khúc Ca Ngày Mùa.
Lời bài hát có những hình ảnh, ca từ mang nét đặc trưng của vùng núi, nông thôn xứ Bắc, như là như trâu bò giục mõ hay là quẩy lúa trên vai…
Ở các vùng núi này, người nông dân thường đeo mõ vào cổ trâu bò (ở miền Nam gọi là đeo chuông), khi chúng vào rừng ăn lá mà không có tiếng mõ phát ra liên hồi thì sẽ dễ bị lạc mất. Rồi trong từng chiều trên những ngõ dẫn về lại bản làng, tiếng mõ phát ra từ xa xăm báo hiệu đã đến giờ những người nhà nông đang dẫn đàn gia súc trở về, rồi sau đó sẽ cùng nhau sum vầy bên bếp vui lửa ấm nhà sàn.
Hình bóng áo chàm trong đoạn này là màu chàm lấy từ cây chàm, loại cây nhỏ, lá cho một hoá chất nhuộm quần áo không phai, màu xanh dương đậm.
Áo màu chàm cũng là đặc trưng của người Tày-Nùng ở vùng Cao-Bắc-Lạng ở vùng Đông Bắc. Nếu như đi lên một chút về phía Hà Giang, nơi có nhiều người H’mong với trang phục mang nhiều màu sắc rực rỡ, thì người Tày-Nùng chỉ có một màu chàm-tím-đen.
Người nhạc sĩ trẻ tuổi, tài hoa họ Phạm được chứng kiến hình dáng những cô thôn nữ áo chàm quảy lúa ở trên vai, bước chân về trên đường chiều sơn cước và in nghiêng bóng dài chơi vơi trên sườn núi, một khung cảnh thật đẹp.
Vào thời điểm ban đầu, ca khúc Nương Chiều có ca từ mang đậm màu sắc của kháng chiến, đó là:
Thu về Việt Bắc căm hờn
Đâu dân cày ca theo làn gió.
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe những oán thương
Ðây nhà nông phá rừng gây luống…
Sau này, khi nhạc sĩ Phạm Duy dinh tê về thành (Hà Nội, tháng 5 năm 1951), ông sửa phần điệp khúc này thành lời khác, quen thuộc hơn với khán giả, không còn Việt Bắc nữa mà mang màu sắc lãng mạn hơn so với phần lời nguyên thuỷ. Tuy nhiên cả 2 lời hát này vẫn mang nghĩa là kêu gọi người nông dân ra sức và nhiệt thành tham gia sản xuất cho kháng chiến, đó là:
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió.
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống…
Mai về để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.
Ở cuối bài hát là bức tranh tuyệt đẹp vùng sơn cước:
Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều
Hình như trong chúng ta ai cũng từng nhìn thấy thấp thoáng bóng trăng mờ lấp ló vào buổi chiều hôm, nhưng chỉ người nghệ sĩ có cái nhìn thật vi tế mới có thể gọi thành “mọc ánh trăng tơ”, và gọi từng bụi khói toả từ mái nhà sàn đang lên bếp lửa cho bữa cơm chiều là “thở khói âm u”. Rồi đỉnh cao của cách dùng chữ, của những ca từ tuyệt mỹ của nhạc sĩ Phạm Duy là câu hát: Cô nàng về để suối tương tư…
Đằng sau câu hát này có cả một câu chuyện được nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại.
Trong một lần Đỗ Trung Quân có dịp cùng nhạc sĩ Phạm Duy trở về vùng núi phía Bắc, từ ngọn đèo cao nhìn xuống thung sâu, buổi chiều êm đềm, mái nhà sàn ở sườn núi lên làn khói lam, con suối nhỏ dưới thung thấp thoáng bóng áo chàm, váy sống của các cô Tày, Thái, vác mai, cuốc từ nương rẫy nào đó ra suối vén váy rửa chân tay, nông cụ…
Bất chợt cụ Phạm hỏi Đỗ Trung Quân:
– Anh có biết vì sao tôi viết “chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u, cô nàng về để suối tương tư…” trong bài Nương Chiều không?
– Lúc đó cháu chưa sinh ra, có ở chiến khu đâu mà biết ạ!
– Đấy! anh cứ nhìn xem, các cô kéo váy rửa chân, đùi trắng thế kia mà chỉ có con suối nhìn ngược lên nó mới được thấy tất tần tật, tương tư là cái chắc!
Khóe miệng cụ Phạm thoáng một nét cười tinh quái!
Nét đẹp tự nhiên, mộc mạc và thuần khiết như những bông hoa núi rừng của các cô gái miền sơn cước đã dấy lên những xúc cảm dạt dào của người nhạc sĩ, rồi đi vào thi ca, trở thành bất tử với thời gian.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
Bài hát “Nương Chiều” được sáng tác bởi nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1948. Ca khúc này mang giai điệu đồng quê và không sử dụng điệu nhạc valse như các bài hát cùng thời. Lời bài hát mô tả cảnh chiều ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, với hình ảnh của trâu bò về sau khi đi làm cày, và áo chàm trên vai khi quẩy lúa. Ca khúc ban đầu có sử dụng ca từ kháng chiến nhưng sau đó đã được sửa lại để gần gũi hơn với khán giả. Câu chuyện phía sau bài hát được nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại, với hình ảnh của các cô gái rửa chân tay dưới suối và nụ cười tinh quái của nhạc sĩ Phạm Duy.
Hastags: #Cảm #nhận #về #khúc #Nương #Chiều #nhạc #sĩ #Phạm #Duy #cô #nàng #về #để #suối #tương #tư