Đoàn Chuẩn là một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến với sự nghiệp và cuộc đời đầy thăng trầm. Ông đã tạo nên những bản nhạc thu hút lòng người, thể hiện tình yêu với mùa thu. Cuộc đời ông cũng không tránh khỏi những gian nan và thử thách, nhưng ông luôn vượt qua và tiếp tục sáng tác những tác phẩm đẹp và sâu sắc. Với tài năng và lòng đam mê âm nhạc, Đoàn Chuẩn đã để lại dấu ấn lớn trong làng nhạc Việt Nam và góp phần làm phong phú thêm văn hóa âm nhạc nước ta..
Đoàn Chuẩn là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam thập niên 1950. Nhạc của ông có giai điệu và ca từ đẹp và lãng mạn rất đặc trưng, nhưng vẫn khá tương đồng với dòng nhạc tiền chiến trước đó, nên dù cho nhạc của ông sáng tác sau thời kỳ này nhưng vẫn được nhiều người xếp vào loại nhạc tiền chiến.
Số lượng sáng tác của Đoàn Chuẩn được biết đến không nhiều, chưa tới 20 bài, nhưng đều được xem là tuyệt tác bất hủ, tiêu biểu nhất là Tà Áo Xanh, Lá Đổ Muôn Chiều, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Gửi Người Em Gái, Thu Quyến Rũ,…
Đất cảng Hải Phòng là nơi đã sản sinh nhiều nhạc sĩ tài hoa, để lại cho đời những tình khúc bất hủ, tô điểm những giai điệu tuyệt vời cho nền âm nhạc Việt Nam. Có đến 5 nhạc sĩ lừng danh được sinh ra ở Hải Phòng vào thời điểm đầu thập niên 1920, đó là Lê Thương, Tô Vũ, Hoàng Quý, Văn Cao, Đoàn Chuẩn.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ngày 15/6/1924 tại đảo Cát Hải, Hải Phòng. Cha mẹ của ông là chủ của hãng nước mắm Vạn Vân, nổi tiếng khắp Đông Dương, thậm chí đã đi cả vào trong tục ngữ:
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn học tây ban cầm với Nguyễn Thiện Tơ, sau đó học hạ uy cầm với William Chấn – họ đều là những nghệ sĩ guitar thế hệ đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1946, gia đình Đoàn Chuẩn dời về Thanh Hóa, ông vào Liên khu 4, tại đây ông gặp Tô Vũ, Tạ Phước, cùng đi hát với Ngọc Bích và sáng tác bài Tình Nghệ Sĩ (1948). Sau đó, ông theo một đoàn cứu thương, lên Việt Bắc, làm bài Đường về Việt Bắc.
Năm 1950, Đoàn Chuẩn bỏ kháng chiến về thành và bắt đầu phát hành một loạt ca khúc đã sáng tác từ trước, đồng thời sáng tác thêm nhiều bài mới, đều được phát trên đài phát thanh và được khán giả yêu thích tân nhạc nồng nhiệt chào đón. Các bài hát này cũng được Tinh Hoa Huế xuất bản dưới tên: Nhạc Đoàn Chuẩn – Lời Từ Linh.
Về nhân vật Từ Linh trong bút hiệu Đoàn Chuẩn – Từ Linh này, ông Từ Linh không phải là nhạc sĩ mà là nhiếp ảnh gia tên thật là Hà Đình Thâu. có nhiều thông tin cho rằng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật.
Năm 1954, sau hiệp định Geneve, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chọn ở lại Hà Nội chứ không di cư như nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc lãng mạn khác. Ông chỉ sáng tác trong một thập niên (1947-1958), ca khúc đầu tay Ánh Trăng Mùa Thu được viết năm 1947, và từ đó có thêm nhiều ca khúc đã nổi tiếng qua năm tháng, vượt thời gian và không gian, và vài ca khúc được sáng tác rải rác trong những thập niên sau này, như: Tâm Sự (1956), Một Gói Nho Khô, Một Cánh Pensée (1988), Phấn Son (1989), Mầu Nắng Có Bao Giờ Phai Đâu (1989).
Như đã nói ở phần đầu, nhạc của Đoàn Chuẩn được xếp vào loại nhạc tiền chiến, vốn là tên gọi dành cho các bài hát được sáng tác trước năm 1945. Vì vậy, nói đúng hơn, nhạc của Đoàn Chuẩn chỉ mang giai điệu, âm hưởng của dòng nhạc tiền chiến. Tuy nhiên nếu không xét về thời gian, mà chỉ coi nhạc tiền chiến đơn thuần là dòng nhạc âm hưởng Tây phương, có lời ca đẹp, lãng mạn, trau chuốt, thì nhạc của Đoàn Chuẩn đều phù hợp với những tính chất đó.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lập gia đình khi còn học trường trung học Louis Pasteur. Thuở còn đi học, “cậu công tử nhà giàu” Đoàn Chuẩn có chiếc xe Ford Frégatte và chiếc Buick, thuộc loại sang nhất không những ở thành phố cảng Hải Phòng mà cả Hà Nội.
Chuyện tình của Đoàn Chuẩn được kể lại rằng ông và vợ học cùng lớp với nhau, chàng công tử say mê cô nữ sinh Nguyễn Thị Xuyên con nhà nghèo và có nhan sắc tuyệt vời. Chưa từng hẹn hò với nhau, ông đã hối thúc thân mẫu sang xin cưới hỏi.
Sau vài năm lập gia đình, Đoàn Chuẩn sống cuộc đời phiêu lãng, với âm nhạc, với những cuộc tình văn nghệ chất ngất yêu thương trong lời ca nét nhạc. Người bạn đời trăm năm vẫn chịu đựng với tính bay bướm nghệ sĩ của chồng, một lòng chung thủy nuôi con. Họ vẫn là vợ chồng và sống bên nhau cho đến cuối cuộc đời.
Sau này, người vợ hiền thục kể về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn như sau: “Cái anh chàng ấy có nói với tôi câu nào đâu, tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật. Tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên quá… Sau đó tôi đến lớp thấy sợ và ngượng lắm. Ông Chuẩn cứ lờ đi như không chuyện gì. Rồi lâu dần để ý nhau mà có tình ý. Bạn bè trong lớp biết được, chúng trêu quá… bị chế nhiều, tôi xấu hổ phải bỏ học giữa chừng khi còn chưa đến kỳ nghỉ hè…”
Đám cưới được tổ chức vào dịp hè năm đó.
Là người đẹp trai, hào hoa, lại là công tử nhà giàu, dĩ nhiên là sẽ có nhiều bóng hồng đi qua cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông được những người đương thời kể lại là rất đa tình, đã sáng tác nhạc tặng cho nhiều giai nhân mà ông mến mộ, theo đuổi, nhưng người bạn đời vẫn thông cảm tâm hồn lãng mạn của người nhạc sĩ và kể lại như sau:
“Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả. Ông viết Đường Về Việt Bắc, nhớ nhà, nhớ vợ và màu tím áo lụa Hà Đông tôi mặc khi còn đi học. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông tặng tình ca cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy”. (Theo báo Phụ Nữ – Xuân 2001).
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng có sáng tác nhạc để tặng cho vợ của mình, nổi tiếng nhất là Đường Về Việt Bắc, để bày tỏ tâm sự của người nhạc sĩ với vợ lúc xa cách khi từ bỏ cuộc sống ấm no nơi đô hội để bước chân vào Khu Bốn, sau khi đã đưa vợ con di tản lên vùng núi đồi Việt Bắc:
“Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng, nhớ người.
Đường về Việt Bắc bao cách xa,
nhìn về đường lối đây núi cao, muôn xa xăm,
đây lá hoa reo ngàn xưa.
Đường về ngập gió tha phương,
tiếc đời gấm hoa, màu sắc núi rừng…
Nhớ nhau từng phút yêu từng giây.
Đường về Việt Bắc xa xôi rừng núi.
Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi…”
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mang trong mình dòng máu nghệ sĩ nên không muốn nối nghiệp kinh doanh của cha mẹ để lại mà đi vào lãnh vực nghệ thuật. Với cây đàn Hạ Uy Cầm, Đoàn Chuẩn sống cuộc đời lang bạt, phóng khoáng và đầy tính nghệ sĩ.
Sau năm 1956, hãng nước mắm Vạn Vân và tài sản gia đình Đoàn Chuẩn nhà nước bị tịch thu, ông phải đi dạy nhạc để sống qua ngày nơi căn nhà nhỏ ở đường Cao Bá Quát.
Từ cuối thập niên 1950 trở đi, vì chủ trương văn nghệ lúc đó nên nhạc của Đoàn Chuẩn hoàn toàn không được phổ biến ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam thì những bài nhạc của ông rất phổ biến và được yêu thích trong dòng người di cư vào miền Nam.
Ông bà Đoàn Chuẩn có sáu người con, trong đó có ca sĩ Đoàn Chính hồi chánh vào giữa thập niên 60 và đã qua đời vào giữa năm 2019. Tháng 7-1990, vợ chồng Đoàn Chuẩn có sang thăm con cái ở Canada nhưng không tham gia trong sinh hoạt nghệ thuật nào ở hải ngoại trong thời gian lưu lại. Bốn người con còn lại của họ vẫn ở Hà Nội.
Đầu năm 2000, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Sau đó, ông tỉnh lại nhưng mất tiếng nói, chỉ có thể bút đàm cho đến lúc qua đời lúc 22 giờ, ngày 15 tháng 11 năm 2001.
Nhắc đến Đoàn Chuẩn là những đến những ca khúc về mùa thu. Trong 10 tình khúc nổi tiếng nhất của ông, có đến 9 tác phẩm viết về mùa thu, duy chỉ có bài Gửi Người Em Gái Miền Nam là viết về mùa xuân, nhưng trong ca khúc vẫn còn hình ảnh của mùa thu đã xa.
Click để nghe 10 bài hát nổi tiếng nhất của Đoàn Chuẩn thu âm trước 75
Lúc sinh thời, Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng nói: “Giời đất cho ta đủ cả bốn mùa, nhưng hình như chỉ có mùa thu là mùa của tình yêu, vì mùa hè thì oi bức, ồn ào quá; còn mùa đông lại giá lạnh, cô quạnh quá; mùa xuân thì vạn vật còn mải “rong chơi”…” Có lẽ vì vậy mà ông đã sáng tác nên những ca từ về mùa Thu đầy cảm xúc làm say mê biết bao thế hệ suốt 60-70 năm qua.
Giai đoạn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác nhiều nhất là thời kỳ đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước, khi ông trở về Hà Nội từ chiến khu. Thời kỳ này đã tạo ra một Đoàn Chuẩn được mệnh danh là “vua slow” với những tình khúc về mùa thu xứ Bắc.
Nhận xét về nhạc của Đoàn Chuẩn, xin trích một đoạn nhận xét của tác giả Nguyễn Thụy Kha: “Trong giai điệu của ông, ta cảm thấy có tiếng lá rơi nhè nhẹ, có tiết heo may se lạnh, có cả mùi thơm của cốm ủ lá sen. Nghe giai điệu của ông, ta cảm thấy bâng khuâng, yêu thương, luyến tiếc. Hơn nữa, còn thấy phảng phất ở giai điệu ấy hình bóng huyền diệu của những “tuyệt sắc giai nhân” đã hơn một lần làm xao xuyến trái tim “chàng công tử Hà Nội” dịu dàng và đa tình này.
Vẫn một tình nghệ sĩ ấy, vẫn một tà áo xanh ấy, vẫn gặp gỡ và chia tay muôn thuở. Nhưng trong giai điệu của Đoàn Chuẩn, mùa thu Hà Nội đã luồn vào trong từng ngóc ngách, trong từng cung bậc. Thật ngỡ ngàng với Thu quyến rũ khi Đoàn Chuẩn da diết “Mây bay về đây cưới trời”. Giai điệu là một đám cưới giữa mây và trời giữa mùa thu – mùa hợp hôn của con người. Vậy nên, khi ca sĩ hát là “cuối trời” hoặc “cuốn trời” thì cũng đã là làm thấp tư tưởng Đoàn Chuẩn cũng như cảm xúc thăng hoa của ông rất nhiều lần”.
nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn
Đoàn Chuẩn là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình Việt Nam thập niên 1950. Nhạc của ông mang giai điệu và ca từ đẹp và lãng mạn, khá tương đồng với nhạc tiền chiến. Ông sáng tác chưa đến 20 bài nhưng đều được xem là tuyệt tác bất hủ. Ông sinh ra ở Hải Phòng và học tay ban cầm và uy cầm từ những nghệ sĩ guitar tiêu biểu. Ông đã sáng tác các ca khúc nổi tiếng như “Tà Áo Xanh”, “Lá Đổ Muôn Chiều”, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”. Ông lập gia đình và sống cuộc đời bay bướm nhưng vẫn có vợ hiền thục chăm sóc và thông cảm cho ông.
Hastags: #Cuộc #đời #và #sự #nghiệp #nhạc #sĩ #Đoàn #Chuẩn #Người #nhạc #sĩ #của #những #mùa #thu #quyến #rũ