Hoàng Oanh, nữ ca sỹ nổi tiếng Việt Nam, có một cuộc đời đầy âm nhạc. Trong phần 1, cô chia sẻ về tiếng hát của mình, được khám phá và phát triển từ thời đầu sự nghiệp. Với giọng hát tuyệt vời và cảm xúc truyền tải, Hoàng Oanh đã trở thành một biểu tượng văn hóa âm nhạc Việt Nam. Phần 2 của cuộc trò chuyện là về kỷ niệm, trong đó Hoàng Oanh nhớ lại những thời khắc quan trọng trong sự nghiệp và cuộc sống, những trải nghiệm và thành công trong sự nghiệp âm nhạc của mình..
Bài viết dài và công phu này của tác giả Duy An, thống kê chi tiết được hầu như tất cả hoạt động âm nhạc của ca sĩ Hoàng Oanh trong gần 70 năm qua.
Bài viết này chia làm 4 phần, xin giới thiệu phần 1 và 2 sau đây, nói về cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Hoàng Oanh thời kỳ trước năm 1975.
Hoàng Oanh là một trong những giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam, là tiếng hát vàng bất diệt với thời gian đã góp mặt trong giai đoạn phát triển Tân Nhạc đến đỉnh cao tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và sau này tại Hải Ngoại, là người nghệ sĩ chân chính, đoan trang đã dành cả một đời cho âm nhạc.
Cô là tên tuổi nổi tiếng với nhiều ca khúc vượt thời gian như: Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh), Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương), Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (Lê Dinh), Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng), Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Hoài Linh), Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An), Một Người Đi (Mai Châu), Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương), Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ), Hai Vì Sao Lạc (Anh Việt Thu)…
Tiếng hát ngọt ngào của Hoàng Oanh sớm được mến mộ từ buổi bình minh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Cô là tiếng hát thiếu nhi, tiếng hát của thưở học trò, tiếng hát của tình ca quê hương, tiếng hát của thời chinh chiến, tiếng hát cho người lưu vong, tiếng hát gợi nhớ quê hương và là giọng ngâm thơ trác tuyệt. Trước năm 1975, tiếng hát Hoàng Oanh lúc nào cũng ngự trị trên đài phát thanh, trên màn ảnh đài truyền hình và chắc rằng đã ngự trị trong hàng triệu con tim yêu nhạc của khắp miền Nam.
Hoàng Oanh là một tài năng hiếm quý của âm nhạc Việt Nam, khi cô có thể trình bày nhiều thể loại nhạc khác nhau. Giọng hát sang trọng của những bản nhạc tiền chiến, ngọt ngào với những bài hát quê hương hay u sầu trong những tình ca dang dở. Chúng ta nhớ đến Hoàng Oanh với những bài hát viết về Huế, với tình ca quê hương, với những bản dân ca của cả ba miền, với Thánh ca và với cả hùng ca… Tất cả, cô đều thể hiện thành công một cách trọn vẹn, riêng biệt và đầy tính nghệ thuật.
Dưới đây là phần tiểu sử đầy đủ, những hoạt động và đóng góp miệt mài của ca sĩ Hoàng Oanh cho âm nhạc Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, để thỏa lòng yêu mến của những khán thính giả muốn tìm hiểu thân thế, sự nghiệp và con đường văn nghệ cô đã đi qua.
- PHẦN 1 – GIAI ĐOẠN TRƯỚC NĂM 1960
1. Tiểu Sử Của Ca Sĩ Hoàng Oanh:
Hoàng Oanh tên thật là Huỳnh Kim Chi, sinh ngày 06 tháng 11 năm 1946, nguyên quán tại Mỹ Tho (tỉnh Định Tường ngày trước) nhưng lớn lên ở Sài Gòn. Cô là chị cả trong một gia đình có sáu chị em (hai trai và bốn gái).
Thuở nhỏ, Hoàng Oanh đã thích ca hát. May mắn được thân phụ, là một nhạc sĩ biết sử dụng nhiều loại nhạc khí, đã hướng dẫn và tập luyện cho Hoàng Oanh biết hát từ năm 4 tuổi, bằng những bài hát thiếu nhi như Tuổi Thơ (của Lê Thương):
“Trời xanh xanh mát
Hương thơm thơm ngát
Cùng nhau, ta múa điệu ca
Cùng nhau, ta hát đời ta…”
(Tuổi Thơ, Lê Thương)
2. Tiếng Hát Thiếu Nhi:
Năm 5 tuổi, Hoàng Oanh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Pháp Á (Radio France Asie) tổ chức và đoạt giải nhất với số điểm 18.30. Khi đó, cô dùng tên thật là Kim Chi để dự thi. Chủ sự đài phát thanh là ông Hoàng Cao Tăng. Thành phần ban giám khảo của cuộc thi gồm các nhạc sĩ: Võ Đức Thu, Trần Văn Lý, Trần Văn Nhi và Đỗ Tri Kế. Do còn bé và thân hình nhỏ nhắn, thấp hơn máy vi âm nên ông chủ sự Đài phải mang đến một chiếc ghế cao và đặt em bé Kim Chi đứng trên ghế, cô mới có thể với tới tầm micro để cất tiếng hát chinh phục ban giám khảo và từ đó chinh phục hàng triệu khán thính giả yêu nhạc của Việt Nam.
Những ca sĩ nổi tiếng như: Duy Khánh, Mai Hương, Hùng Cường, Thanh Vũ, Minh Trang (vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước), Bạch Yến, Hà Thanh, Khánh Ly, Thúy Nga (vợ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ), Thanh Sơn (tác giả của Nỗi Buồn Hoa Phượng) và Tuấn Khanh (tác giả của Hoa Xoan Bên Thềm Cũ)… cũng đều đoạt giải và thành danh từ những cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Pháp Á.
Năm 6 tuổi, Hoàng Oanh được mời hát cho Ban Nhi Đồng của Đài Pháp Á, dưới quyền điều khiển của nhạc sĩ Trần Văn Lý, phát thanh vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần.
Năm 8 tuổi, Hoàng Oanh trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức với hai bài hát: Có Một Đàn Chim (của Phan Huỳnh Điểu) và Hương Lúa Miền Nam (của Phó Quốc Lân). Đêm hôm ấy, chương trình còn có sự xuất hiện ca diễn của Ban Hợp Ca Thăng Long. Và Hoàng Oanh đã liên tiếp xuất hiện trên sân khấu của trường Võ Khoa Thủ Đức thêm mấy năm sau đó.
“Xây ánh vinh quang, về miền Nam sáng huy hoàng
Lúa thơm đầy đồng, ta cùng nhau xây cuộc sống
Sau lũy tre xanh, đời người dân sống no lành|
Tiếng vang câu hò, đây miền Nam miền Tự Do…”
(Hương Lúa Miền Nam, Phó Quốc Lân)
Hoàng Oanh năm 10 tuổi
3. Giọng Ngâm Thơ Trên Các Đài Phát Thanh:
Năm 12 tuổi, Hoàng Oanh đã biết ngâm thơ vì cô rất yêu thích thơ. Cô thường nghe những giọng ngâm thời đó như: Hồ Điệp, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Bích Thuận, Giáng Hương, Nguyễn Thanh và Hoàng Thư ngâm những bài thơ trên đài phát thanh hàng tuần rồi tự tạo cho mình một lối ngâm riêng.
Giọng ngâm thơ truyền cảm của Hoàng Oanh được nhạc sĩ Lê Thương (là người bạn thân của thân phụ Hoàng Oanh) nhận xét trong một tạp chí phê bình văn học (xuất bản năm 1964): “Dễ thương nhất có tiếng ngâm vượt núi của Hoàng Oanh, nõn nà, cao vút đến mây xanh, nghe mát mẻ như gió chiều hồ Lăng Bạc”. Và Lê Thương còn mô tả thêm về giọng hát của Hoàng Oanh: “Giọng hát Hoàng Oanh dìu dặt dâng lên nỗi niềm u uất tự ngàn xưa, vun vút lao về phủ nặng tâm tư, rồi êm ả quyện hương vị ngọt ngào của vườn cây trái bát ngát lúa đồng, ve vuốt từng ngọn cỏ mềm khắp nơi hoang dã, hun hút trong thâm u…”
Trong bài viết Hoàng Oanh – Tiếng Hát Thuở Sân Trường Phượng Thắm (trong loạt bài Chân Dung Những Tiếng Hát), nhà văn Hồ Trường An đã nhận định: “Cô tạo lối ngâm thơ riêng biệt, không giống lối ngâm thơ của ai khác, cực kỳ huê dạng, xứng đáng ở hàng đầu về tinh thần sáng tạo.”
Từ đó, Hoàng Oanh đã góp giọng ngâm trong nhiều ban ngâm thơ trên các đài phát thanh như: Tao Đàn (của Đinh Hùng), Duyên Thi Nhạc (của Dương Thiệu Tước), Diễn Đàn Thi Văn (của Nguyễn Đình Toàn), Tiếng Thơ (của Thanh Nam), Thi Nhạc Giao Duyên (của Thục Vũ), Ly Tao (của Thái Thủy), Mây Tần (của Kiên Giang)… cùng với các nghệ sĩ: Hồ Điệp, Hồng Vân, Bích Thuận, Hoàng Hương Trang, Hỷ Khương, Quách Đàm, Hoàng Thư, Nguyễn Thanh, Quang Minh, Đoàn Yên Linh, Nguyễn Đình Nghĩa và Tô Kiều Ngân…
Những tác phẩm thơ Hoàng Oanh thường ngâm là: Hai Sắc Hoa Tigôn (T.T.Kh), Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp), Màu Tím Hoa Sim (Hữu Loan), Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (Kiên Giang), Những Bóng Người Trên Sân Ga (Nguyễn Bính), Cảm Xúc (Hồ Dzếnh), Buồn Trong Kỷ Niệm (Nhất Tuấn)…
“Hôm nay đi Chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương…”
(Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp do cô Hồ Điệp và Hoàng Oanh ngâm trên đài phát thanh)
4. Thơ Và Nhạc:
Hoàng Oanh là ca sĩ mở đầu cho lối ngâm một vài câu thơ trước khi vào hát một bản nhạc. Thế nên, ngoài nổi tiếng về giọng hát thì cô còn được chú ý đặc biệt về tài ngâm thơ. Hoàng Oanh được mời thâu dĩa nhựa 45 vòng lần đầu tiên: Trường ca Hòn Vọng Phu (của nhạc sĩ Lê Thương) do Duy Khánh ca và Hoàng Oanh ngâm thơ, kế đó là bản Ngậm Ngùi (Phạm Duy & Thơ: Huy Cận) do Anh Ngọc ca và Hoàng Oanh ngâm thơ, được hãng dĩa Asia Sóng Nhạc (do ông Nguyễn Tất Oanh làm giám đốc) phát hành. Sau đó, trong một dĩa ngâm thơ (cũng được Asia Sóng Nhạc phát hành), Hoàng Oanh đã ngâm riêng bài thơ Đẹp Hậu Giang của thi sĩ Kiên Giang.
Từ đó cho đến về sau, Hoàng Oanh đã ngâm rất nhiều thơ, trước những bài hát do cô thể hiện. Có những bài, tác giả đã đặt sẵn một vài câu thơ để cô ngâm. Có những bài, cô phải tìm những đoạn thơ phù hợp để ngâm nga dẫn vào bài hát. Có thể gọi Hoàng Oanh là sứ giả của thi nhạc giao duyên.
“Đời xưa, đời xửa vua gì
Có người đứng ngóng chồng về đầu non
Thế rồi mong mỏi, mong mòn
Thế rồi hóa đá ôm con đứng chờ…”
(Trường ca Hòn Vọng Phu, Lê Thương)
Là một ca sĩ nổi tiếng với tài ngâm thơ, Hoàng Oanh được rất nhiều nhà thơ và khán giả đặt thơ để gửi tặng. Cho đến ngày nay, những bài thơ đó vẫn còn được cô lưu giữ một cách cẩn thận. Đó là sáng tác của các thi sĩ: Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương với thủ bút, Cao Tần (Lê Tất Điều), Thi Vũ với thủ bút, Huy Lực Bùi Tiên Khôi và thơ của rất nhiều khán thính giả thương mến Hoàng Oanh.
“Em rực rỡ giữa bầu trời thanh sắc
Ngàn hương thơm trong một đóa vô cùng
Em cất lên tiếng tơ đồng réo rắt
Giọng ngâm vàng thơ rót ngọc không trung.”
(Giọng Ngâm Vàng, Huy Lực Bùi Tiên Khôi)
5. Tiếng Hát Của Thuở Học Trò:
Năm 1958, Hoàng Oanh gia nhập Ban Thiếu Nhi của Đài Quân Đội, do nhạc sĩ Lê Đô đảm trách, cùng thời với Tuấn Ngọc, Quốc Thắng, Tuấn Tùng, Phương Lan và Kim Chi… Trên Đài Quân Đội, Hoàng Oanh thường song ca cùng Tuấn Ngọc những nhạc phẩm như: Thuyền Trăng (Nhật Bằng & Thanh Nam) và Gió Chiều (Văn Phụng)…
Ở Ban Thiếu Nhi, do trùng tên với nghệ sĩ Kim Chi nên nghệ danh của cô được đổi thành Hoàng Oanh cho đến bây giờ. Cô cho biết, nghệ danh Hoàng Oanh được thân phụ đặt cho cô bắt nguồn từ những lời hát của Lê Thương:
“Chờ tin thơ chim Hoàng Oanh đưa
Còn xa bay trong áng sương mờ…”
(Bản Đàn Xuân, Lê Thương)
Cũng trong năm đó, Hoàng Oanh hát cho Ban Tuổi Xanh của kịch sỹ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ (anh trai của nhạc sĩ Phạm Đình Chương) ở Đài Phát Thanh Sài Gòn, tiền thân là Ban Thiếu Sinh Nhi Đồng của ca sĩ Minh Trang. Ban Tuổi Xanh quy tụ nhiều giọng ca tuổi xanh thời đó như: Bích Chiêu, Mai Hân, Mai Hương, Bạch Tuyết, Tuấn Ngọc, Quốc Thắng, Kim Chi, Đoan Trang (ca sĩ Quỳnh Giao), Tuyết Phương, Lê Phi, Lê Út, Anh Minh, Tuấn Tùng, Hoàng Oanh, Phương Tâm (Phương Hoài Tâm), Phương Mai, Xuân Thu, Tí Hon, Quỳnh Mai (Vân Quỳnh), Quỳnh Như (Vân Hòa) và một nhạc sĩ duy nhất trong ban nhạc là Hoàng Linh (học trò của nhạc sĩ Võ Đức Tuyết).
Hoàng Oanh thường đơn ca hoặc hợp ca cùng các bạn nghệ sĩ tí hon những bài hát như: Một Đàn Chim Nhỏ (Phạm Duy), Học Sinh Hành Khúc (Lê Thương), Chị Hằng (Minh Kỳ), Thằng Cuội (Lê Thương), Em Bé Quê (Phạm Duy) và Mùa Thi (Đỗ Kim Bảng)…
“Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao
Lúc khắp quốc dân tranh đấu, hy sinh cho nền độc lập
Học sinh nề chi tuổi xanh chung sức phấn đấu
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên.”
(Học Sinh Hành Khúc, Lê Thương)
Đầu năm 1958, Hoàng Oanh trình diễn trên sân khấu Đại Nhạc Hội Hoàng Thi Thơ kỳ 1 trong Ban Hợp Ca Nhi Đồng (do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thành lập cũng vào đầu năm 1958) gồm 5 nghệ sĩ tí hon, mỗi người vừa hát vừa sử dụng một loại nhạc khí: Quốc Thắng (Guitar), Hoàng Thi Thao (Violin), Kim Chi (Đánh muỗng), Phương Lan (Tambourine) và Hoàng Oanh (Percussion) được hoan nghênh với những nhạc khúc vui tươi như Tình Đêm Liên Hoan (của Hoàng Thi Thơ) và Về Dưới Mái Nhà (của Xuân Tiên).
“Theo tiếng gọi quê hương,
Anh ra ngoài biên cương, say với đời đấu tranh
Rồi bên suối xanh, chợt nghe tiếng oanh
Lòng anh nao nao nhớ đến phút này…”
(Tình Đêm Liên Hoan, Hoàng Thi Thơ)
Đến giữa năm 1958, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thành lập Ban Hợp Xướng Nhi Đồng với 21 ca sĩ như: Hoàng Oanh, Tuấn Ngọc, Bích Vân, Phước Vân, Ngọc Vân, Tuyết Vân, Quốc Thắng, Kim Chi và Phương Lan… trình diễn trên sân khấu Đại Nhạc Hội Hoàng Thi Thơ kỳ 2.
Cuối năm 1958, Hoàng Oanh hát trên sân khấu Đại Nhạc Hội Tất Niên do hai kịch sĩ Vũ Huân và Vũ Huyến tổ chức tại rạp Nam Quang. Cô đã đơn ca bài Bánh Xe Lãng Tử (của Trọng Khương) trong chương trình này.
Năm 1960, Hoàng Oanh gia nhập Ban Việt Nhi (Thiếu Niên Nhi Đồng Việt Nam) của nhạc sĩ Nguyễn Đức ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ban Việt Nhi và nhóm Gia đình văn nghệ Nguyễn Đức là ban quy tụ nhiều ca sĩ nổi danh thời đó (cũng như cho đến bây giờ) như: Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Quỳnh Giao, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Loan, Phương Hoài Tâm, Tuyết Vân và Quốc Dũng…
Những bài hát Hoàng Oanh thường trình bày thời bấy giờ là: Gươm Thần (của Thẩm Oánh), Làng Tôi (của Chung Quân), Tuổi Thơ (của Lê Thương), Ơn Nghĩa Sinh Thành (của Dương Thiệu Tước), Ơn Cha và Lòng Mẹ (của Y Vân)…
“Ơn Cha như Thái Sơn cao bao từng
Ngoài tuy cương quyết mà trong thương mến
Ơn Cha như đuốc cao soi trên đường
Đuốc soi tâm hồn dắt con tìm hướng…”
(Ơn Cha, Y Vân)
Chương trình của nhạc sĩ Nguyễn Đức được phát thanh hàng tuần (vào ngày chủ nhật) mở đầu bằng kèn rạng đông cùng tiếng gà gáy sáng, với các tiết mục đơn ca hoặc hợp ca, Y Học Thường Thức cho thiếu nhi (do bác sĩ Trương Ngọc Hơn phụ trách), kể chuyện vui (do Thanh Hoài phụ trách), phần trả lời thư tín của thính giả, chương trình giáo dục thiếu nhi, đố vui, câu đố về lịch sử… Thời gian ở Ban Việt Nhi, Hoàng Oanh thường song ca với Tuyết Vân (chị của nhạc sĩ Quốc Dũng) những bài như Đêm Buồn (Văn Phụng phổ nhạc từ Ca Dao) và góp giọng trong những tiết mục hợp ca như: Trường Làng Tôi (Phạm Trọng Cầu), Mùa Thi (Đỗ Kim Bảng), Ông Nỉnh Ông Nang (Lê Thương) và Đại Phá Quân Thanh (Hoàng Thi Thơ)…
“Hôm nay ngày thi
Bao nhiêu người đi
Xe rộn rịp, lớp tràn người
Niềm vui vấn vương
Thi ơi là thi
Sinh mi làm chi
Bay nghẹn ngào, bám ồn ào
Buồn vui vì mi…”
(Mùa Thi, Đỗ Kim Bảng)
Hoàng Oanh thời nữ sinh
- PHẦN 2 – GIAI ĐOẠN 1960 – 1975
1. Tiếng Hát Của Thời Chinh Chiến:
Khởi từ năm 1960, Hoàng Oanh bắt đầu tham gia các ban ca nhạc người lớn trên các đài phát thanh.
Năm 1961, Hoàng Oanh được mời thu thanh vào dĩa nhựa 45 vòng bài hát đầu tiên Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ (Hoài Linh). Tiếp theo là các bản: Đèn Khuya (Lam Phương, 1962), Xa Vắng (Y Vân, 1963), Tình Chàng Ý Thiếp (Y Vân), Sương Lạnh Chiều Đông (Mạnh Phát, 1965), Một Chuyến Xe Hoa (Minh Kỳ & Dạ Lý Hương) và Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ & Hoài Linh, 1965)… do hãng dĩa Việt Nam (cô Sáu Liên làm giám đốc) phát hành.
“Mình vui được sao nếu chưa thanh bình
Từng đoàn người trai đi viết sử xanh
Thì gian nhà xinh vắng đi mình anh
Cũng thôi chớ buồn em nhé
Tiễn đưa nhớ ngày đăng trình…”
(Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ, Hoài Linh)
Năm 1962, Hoàng Oanh tham gia đại hội văn nghệ Tiếng Thời Gian do hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Mạnh Phát tổ chức tại Gia Định.
2. Tiếng Hát Ngự Trị Trên Đài Phát Thanh:
Kể từ năm 1962, Hoàng Oanh là ca sĩ thường trực của rất nhiều ban ca nhạc ở các đài phát thanh Sài Gòn (còn gọi là đài Quốc Gia hay Vô Tuyến Việt Nam), Quân Đội, Tiếng Nói Tự Do và Mẹ Việt Nam như:
Tiếng Tơ Đồng (của Hoàng Trọng)
Tiếng Thùy Dương (của Châu Kỳ)
Trường Sơn (của Duy Khánh)
Hải Sơn (của Nghiêm Phú Phi)
Cổ Kim Hòa Điệu (của Dương Thiệu Tước)
Tiếng Hát Đôi Mươi (của Trần Thiện Thanh)
Nhạc Vàng (của Phó Quốc Lân)
Tiếng Hát Hậu Phương (của Phạm Mạnh Cương)
Hoàng Lang
Y Vân
Võ Đức Thu
Tiếng Ca Gửi Người Tiền Tuyến
Chương trình Thẩm Thúy Hằng (của Nha Tâm Lý Chiến)…
Thế nên, hầu như ngày nào, chúng ta cũng nghe được tiếng hát và tiếng ngâm của Hoàng Oanh trên làn sóng điện. Những tác phẩm thường được cô trình bày đơn ca hoặc chung với ban hợp ca trên đài phát thanh là: Thiên Thai (Văn Cao), Dừng Bước Giang Hồ (Hoàng Trọng), Cánh Hoa Yêu (Hoàng Trọng), Tình Đầu (Hoàng Trọng), Người Yêu Của Lính (Trần Thiện Thanh), Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng (Trần Thiện Thanh), Thế Rồi Một Mùa Hè (Phạm Mạnh Cương), Thu Ca (Phạm Mạnh Cương), Bài Ca Chiến Thắng (Minh Duy), Dựng Một Mùa Hoa (Hoài An), Lòng Mẹ (Y Vân), Cánh Hoa Thời Loạn (Y Vân), Đi Từ Đồng Ruộng Bao La (Duy Khánh)…
“Vườn lòng vừa hé hoa yêu đời
Tình đầu đã chớm trên môi cười
Hoa nao gió ngân lời
Dù rằng thời gian trôi
Nhưng không xóa phai nhòa tình người…”
(Tình Đầu, Hoàng Trọng)
Từ đây, Hoàng Oanh ký hợp đồng thâu dĩa với các hãng dĩa: Việt Nam, Asia Sóng Nhạc, Sơn Ca, Continental, Thiên Thai, Vô Tuyến…
Khi phong trào thu băng Cassette, băng Akai bắt đầu phát triển và thịnh hành, Hoàng Oanh cộng tác với nhiều hãng thu băng như: Hoàng Thi Thơ, Họa Mi, Âm Thanh, Nguồn Sống, Nhã Ca, Shotguns, Thanh Thúy, Trường Sơn, Tiếng Hát Đôi Mươi, Phạm Mạnh Cương, Tiếng Thùy Dương…
“‘Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…”
(Nhà văn Lê Thanh Thái)
Năm 1964, Hoàng Oanh trình diễn trên sân khấu Đại Nhạc Hội Sống do nhạc sĩ Lam Phương và kịch sĩ Túy Hồng tổ chức tại rạp Thanh Bình (có sự tham dự của ca sĩ Bạch Yến mới từ Pháp về). Tiếp đó, nhạc sĩ Lam Phương đưa cả đoàn đi lưu diễn ở Quy Nhơn, Đà Nẵng và Huế (trong đoàn còn có ca sĩ Phương Dung).
“Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự, ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn thương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người quê, thương nhớ lắm chi…”
(Ai Ra Xứ Huế, Duy Khánh)
Vào thời gian này, Hoàng Oanh nhận lời xuất hiện trong các đêm nhạc do Thanh Thương Hội Sài Gòn, Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam tổ chức. Năm 1965, Hoàng Oanh tham dự Đại Nhạc Hội Trung Thu tổ chức tại rạp Quốc Thanh.
3. Góp Mặt Trên Màn Ảnh Đài Truyền Hình:
Kể từ năm 1965, Hoàng Oanh bắt đầu góp mặt thường xuyên trên màn ảnh của đài truyền hình Việt Nam (còn gọi là đài truyền hình Sài Gòn) trong nhiều ban ca nhạc khác nhau như: Hương Thời Gian (của Nguyễn Văn Đông), Hoa Thời Đại (của Phạm Mạnh Cương và Như Hảo), Tiếng Tơ Đồng (của Hoàng Trọng), Tiếng Hát Đôi Mươi (của Trần Thiện Thanh), Lan Đài, Nguyễn Đức…
Từ đó, nhiều thính giả chỉ nghe tiếng hát và tiếng ngâm của Hoàng Oanh trên đài phát thanh mới biết mặt của cô.
“Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên…”
(Hè Về, Hùng Lân)
Những tác phẩm Hoàng Oanh thường thể hiện ở các ban ca nhạc trên đài truyền hình là: Thế Rồi Một Mùa Hè (Phạm Mạnh Cương), Hai Người Tâm Sự (Thanh Sơn), Hương Lúa Miền Nam (Phó Quốc Lân), Hè Về (Hùng Lân), Cánh Hoa Yêu (Hoàng Trọng), Tình Đầu (Hoàng Trọng, Hoàng Oanh hát tam ca cùng Tuyết Vân và Phương Hồng Hạnh), Thương Về Mùa Đông Biên Giới (Nguyễn Văn Đông), Nhớ Mùa Hoa Tím (Mạnh Phát), Đại Phá Quân Thanh (Hoàng Thi Thơ), Rừng Lá Thấp và Không Bao Giờ Ngăn Cách (Trần Thiện Thanh)…
4. Những Ca khúc Được Sáng Tác Riêng Cho Hoàng Oanh Trình Bày:
Giọng ca của Hoàng Oanh luôn được các tác giả nhắm đến khi sáng tác những bài hát mới. Điển hình là:
Nhạc sĩ Lê Dinh với ca khúc Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (1964)
Hoài Linh với Về Đâu Mái Tóc Người Thương(1964)
Minh Kỳ với Mưa Trên Phố Huế (Lời của Tôn Nữ Thụy Khương, 1965) và Người Em Vỹ Dạ
Châu Kỳ với Sao Chưa Thấy Hồi Âm (1964) và Hồi Âm (hát chung với Hồng Phúc, 1965)
Duy Khánh với Sầu Cố Đô (1965)
Anh Bằng với Đôi Bóng (1964)
Anh Việt Thu với Mưa Đêm Nay (Phổ thơ của Trường Anh, 1966) và Đạ Tạ…
“Chiều mưa trên kinh đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ
Anh còn nhớ không?”
(Mưa Trên Phố Huế, Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương)
Năm 1967, có tin đồn Hoàng Oanh bị xe đụng chết. Báo chí thời đó chạy theo tin đồn, đi phối kiểm tin tức tại các đài phát thanh, đài truyền hình, Nha Cảnh Sát Công Lộ, trường Đại Học Văn Khoa và nhà riêng của Hoàng Oanh (ở Đa Kao). Vì tin đồn kéo dài dai dẳng, hãng dĩa Sóng Nhạc và đài truyền hình phải lên tiếng đính chính, ban giám hiệu của trường Gia Long đã mời Hoàng Oanh vào trường gặp mặt các nữ sinh để xóa tan tin đồn thất thiệt đó.
Năm 1968, Hoàng Oanh trình diễn trên sân khấu rạp Hưng Đạo trong chương trình Đại Nhạc Hội Hoa Tình Thương.
Năm 1969, nhân dịp Tết Kỷ Dậu, Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa thành lập phái đoàn văn nghệ đi lưu diễn ở Âu Châu gồm các nghệ sĩ: Hà Thanh, Hoàng Oanh, Phương Ánh (cải lương), ban AVT và các nhạc sĩ: Vĩnh Phan, Nguyễn Đình Nghĩa và Huỳnh Anh. Đoàn trình diễn cho kiều bào và sinh viên Việt Nam du học, tại tám thành phố ở Pháp là: Paris, Lille, Bordeaux, Toulouse, Grenoble, Lyon, Dijon và Besançon, hai thành phố ở Thụy Sĩ: Lausanne, Genève và thành phố Liège ở Bỉ.
5. Quá Trình Học Vấn Của Hoàng Oanh:
Tuy sớm nổi tiếng nhưng Hoàng Oanh không bao giờ xao lãng chuyện học hành. Cô luôn chú tâm đến việc học song hành với việc ca hát. Cô nữ sinh nhu mì, ngoan hiền Huỳnh Kim Chi đã trải qua quá trình học vấn ở các ngôi trường:
- Tiểu Học: Trường Cầu Kho, trường Võ Tánh (Phú Nhuận)
- Trung Học: Trường Nữ Trung Học Gia Long
- Đại Học: Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn
Cô tốt nghiệp Cử nhân (Ban Sử Địa) ở Đại Học Văn Khoa, một điều có thể coi là hiếm có trong làng ca nhạc Việt Nam thời đó. Năm 1971, với danh nghĩa là cựu nữ sinh trường Gia Long, Hoàng Oanh trở lại tham dự đêm văn nghệ kỷ niệm của trường Gia Long tổ chức tại rạp Quốc Thanh.
“Hỡi người em gái Gia Long ơi,
Hỡi người em chốn xa xôi
Áo trinh thơm mùi giấy…”
(Người Yêu Của Lính, Trần Thiện Thanh)
6. Hôn Nhân Và Gia Đình Của Ca Sĩ Hoàng Oanh:
Năm 1972, nữ ca sĩ Hoàng Oanh bước lên xe hoa với dược sĩ Mã Gia Minh, tức nhạc sĩ Mai Châu (tác giả của ca khúc Một Người Đi) sau 9 năm quen nhau. Cuộc hôn nhân êm đềm giữa ca sĩ và nhạc sĩ của tác phẩm Một Người Đi đã tạo nên một gia đình hạnh phúc, thuận hòa cho đến ngày nay và hai con trai nay đã trưởng thành là: Mã Gia Khải Minh (hiện là nha sĩ) và Mã Gia Long Minh (hiện là dược sĩ).
“Chinh nhân ơi, khi anh trở về
Chinh nhân ơi, khi anh trở về
Người yêu ra mừng đón
Người yêu anh bé nhỏ sẽ thương anh trọn đời.”
(Một Người Đi, Mai Châu)
Ngoài tác phẩm Một Người Đi đã đi sâu vào lòng người, nhạc sĩ Mai Châu còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng trước năm 1975 như: Một Ngày Tôi Đi Qua, Ve Gọi Tiếng Hè, Tiếng Hát Chinh Nhân, Mưa Cao Nguyên, Xuân Về Trên Đất Mẹ, Cánh Nhạn Đầu Xuân…
Hoàng Oanh & Mai Châu lúc đám cưới và hiện nay
Vợ chồng Hoàng Oanh & Mai Châu
Gia đình Hoàng Oanh & Mai Châu
7. Lòng Mến Mộ Của Khán Thính Giả Dành Cho Hoàng Oanh:
Công chúng yêu nhạc trước nay dù là người già hay trẻ, thành thị hay thôn quê, ở Hải Ngoại hay trong nước đều dành cho Hoàng Oanh những tình cảm sâu đậm và lòng quý mến đối với người ca sĩ khả ái, nhu mì và tự trọng này. Thế nên, tin tức Hoàng Oanh lấy chồng đã nhanh chóng được lan truyền, để lại bao nuối tiếc cho những người trai yêu mến cô thời đó. Và một trong số những người “nuốt lệ làm vui nhìn chiếc xe hoa” là ca sĩ Nhật Trường, tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Tình yêu đơn phương của Nhật Trường dành cho Hoàng Oanh đã để lại cho đời một số nhạc phẩm giá trị.
“Chuyện tình yêu ban đầu,
Mấy ai may mắn chung nhịp cầu
Nàng đội hoa theo chồng,
Nước mắt tôi rớt bên bờ sông…”
(Gặp Nhau Làm Ngơ, Trần Thiện Thanh)
Và mãi đến bây giờ, sau mấy chục năm, khi Nhật Trường đã qua đời, khán thính giả gần xa mới được biết những bài hát nổi tiếng như: Người Yêu Của Lính (1965), Một Đời Yêu Em (1970) và Gặp Nhau Làm Ngơ (1974)… là ông viết tặng riêng cho Hoàng Oanh. Điều này được tiết lộ để người yêu nhạc biết đến xuất xứ, lý do ra đời một số những nhạc khúc nổi tiếng của Trần Thiện Thanh.
Năm 1974, Hoàng Oanh cùng phái đoàn Văn Nghệ Việt Nam tham dự Đại Hội Quốc Tế khu vực nói tiếng Pháp diễn ra Québec (Festival International Francophone in Québec) – Canada.
8. Những Ca Khúc Nổi Tiếng Được Bắt Đầu Với tiếng hát Hoàng Oanh:
Trong 15 năm từ 1960 – 1975, rất nhiều các tác phẩm được các nhạc sĩ giao cho Hoàng Oanh hát đầu tiên và trở nên phổ biến khắp miền Nam như:
Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 (Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh, hát chung với Nhật Trường)
Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An)
Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng)
Xa Vắng và Tình Chàng Ý Thiếp (của Y Vân)
Biển Tình (Lam Phương)
Nếu Đời Không Có Anh (Hoàng Trang)
Một Chuyến Xe Hoa (Minh Kỳ & Dạ Lý Hương)
Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ & Hoài Linh)
Để Trả Lời Một Câu Hỏi (Trúc Phương)
Ngày Sau Sẽ Ra Sao (Vân Tùng)
Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh)
Tha La Xóm Đạo (Dzũng Chinh & Thơ:Vũ Anh Khanh)
Con Đường Mang Tên Em (Trúc Phương, hát chung với Duy Khánh)
Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Hoài Linh)
Buồn Chi Em Ơi (Lam Phương)
Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương (Minh Kỳ, hát chung với Trung Chỉnh)
Người Yêu Của Lính (Trần Thiện Thanh)
Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè (Bắc Sơn)
Khúc Hát Mùa Chiêm (Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương, hát chung với Duy Khánh)
Ai Cho Tôi Tình Yêu (Trúc Phương)
Quê Mẹ (Thu Hồ)
Thương Về Mùa Đông Biên Giới (Nguyễn Văn Đông)
Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (Huỳnh Anh & Thơ: Kiên Giang)
Bà Mẹ Phù Sa (Phạm Duy)
Tám Điệp Khúc (Anh Việt Thu)
Sương Lạnh Chiều Đông (Mạnh Phát)
Chuyện Buồn Năm Cũ (Song Ngọc)
Một Người Đi (Mai Châu)
Nửa Đêm Biên Giới (Anh Bằng)
Trộm Nhìn Nhau (Trầm Tử Thiêng)
Đồi Thông Hai Mộ (Hồng Vân)
Chuyến Đò Không Em (Hoài Linh & Anh Phong)
Tiếng Hai Đêm (Hoàng Nguyên)…
“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi
Cầu thân ái đêm nay gãy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…”
(Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Trầm Tử Thiêng)
Hoàng Oanh là một trong số những ca sĩ thu thanh nhiều nhất thời bấy giờ. Tính đến năm 1975, đã có hơn 200 dĩa hát với tiếng hát Hoàng Oanh được phát hành.
9. Những Nhạc Sĩ, Ca Sĩ Mà Hoàng Oanh Có Cơ Hội Cộng Tác:
Trong sự nghiệp ca hát lừng lẫy của mình, Hoàng Oanh đã hát nhạc rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như: Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Lê Thương, Nguyễn Hiền, Phạm Đình Chương, Phó Quốc Lân, Thẩm Oánh, Nhật Ngân, Thu Hồ, Văn Phụng, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Huỳnh Anh, Hoài An, Hoài Linh, Hoàng Trọng, Mai Châu, Châu Kỳ, Anh Việt Thu, Hoàng Nguyên, Trần Thiện Thanh. Y Vân, Duy Khánh, Dzũng Chinh, Đỗ Kim Bảng, Hàn Châu, Hoàng Thi Thơ, Mạnh Phát, Phạm Mạnh Cương, Phạm Thế Mỹ, Thanh Sơn, Vân Tùng, Trúc Phương, Văn Giảng, Nhóm Lê Minh Bằng và các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng…
Những ca sĩ mà Hoàng Oanh thường hát chung trước năm 1975: Duy Khánh (Khúc Hát Mùa Chiêm), Thanh Phong (Trộm Nhìn Nhau), Thanh Vũ (Mỗi Người Một Tâm Sự), Phương Đại (Đường Chân Trời), Hồng Phúc (Hồi Âm), Trung Chỉnh (Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương), Mai Hương (Thề Non Nước), Tuyết Mai (Ai Buồn Hơn Ai)…
10. Đời Nghệ Sĩ Êm Đềm:
Hoàng Oanh là điển hình cho những người nữ nghệ sĩ dù nổi tiếng nhưng vẫn giữ được cuộc sống bình dị. Tính tình hiền hậu, nụ cười dễ mến và sự tôn trọng nghề hát là những điều dễ nhận ra ở cô. Trong bài viết Hoàng Oanh – Tiếng Hát Của Giòng Thơ Nhạc Giao Duyên, tác giả Phạm Khanh đã có nhận xét: “Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió. Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình bằng hữu và trong tình cảm nồng hậu của khán thính giả…”
Trong suốt quãng thời gian ca hát hơn 20 năm ở miền Nam, khán thính giả biết đến Hoàng Oanh qua làn sóng điện, đài truyền hình, các dĩa hát, tờ nhạc và báo chí… Hoàng Oanh không bao giờ hát ở phòng trà hay vũ trường. Cô cho biết: “Thời gian đó, Hoàng Oanh còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, Hoàng Oanh phải tập trung học bài và ôn thi. Và Hoàng Oanh nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của Hoàng Oanh. Vào thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông nhưng Hoàng Oanh từ chối vì bận chuyện bài vở vào buổi tối. Hoàng Oanh chỉ thỉnh thoảng nhận lời hát cho các đại nhạc hội”.
“Có tiếng nói đậm đà
Người yên lành như một giấc mơ…”
(Trường Ca Con Đường Cái Quan, Phạm Duy)
11. Năm 1975
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, một ngày trước biến cố, Hoàng Oanh cùng gia đình kịp thời di tản sang Hoa Kỳ, bỏ cuộc đời hào quang tại Việt Nam để bắt đầu những năm tháng tha hương ở Hải Ngoại. Biến cố 1975 làm mất hết các phần thu thanh và trình diễn của Hoàng Oanh trên các đài phát thanh và truyền hình. Khi ra đi, cô chỉ kịp mang theo một ít tư liệu đến Hoa Kỳ, trong niềm tiếc thương khôn nguôi cho quê hương bỏ lại.
Hết phần 1 và 2, mời xem tiếp phần 3 và 4, viết về sự nghiệp của Hoàng Oanh ở hải ngoại: link:
Bài viết của tác giả Duy An
Bài viết này trình bày về cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Hoàng Oanh, một trong những giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam. Cô đã góp mặt trong giai đoạn phát triển Tân Nhạc ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và sau đó tại Hải Ngoại. Hoàng Oanh đã trình bày nhiều ca khúc nổi tiếng vượt thời gian và có giọng hát ngọt ngào, thiếu nhi và gợi nhớ quê hương. Bài viết cũng nêu lên các hoạt động và đóng góp của Hoàng Oanh trong âm nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua.
Hastags: #Hoàng #Oanh #Một #đời #âm #nhạc #Phần #Tiếng #hát #và #kỷ #niệm