Hồi ký Lệ Thu là cuốn sách kể về cuộc đời của ca sĩ Lệ Thu, người đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp âm nhạc. Cuốn sách tập trung vào những khó khăn và thách thức mà Lệ Thu đã phải đối mặt khi làm nghề ca sĩ. Từ những bài hát đạt được thành công đến những lúc khó khăn và buồn bã, Hồi ký Lệ Thu mang đến một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và sự đam mê trong nghệ thuật. Đây là một cuốn sách tuyệt vời về một người nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam..
Một đoạn hồi ký về cuộc đời được ca sĩ Lệ Thu kể lại sau đây sẽ giúp độc giả hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một danh ca tiêu biểu của làng nhạc miền nam trước 1975.
—
Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tôi tin mọi thứ đều do trời định cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ. Ngay cả khi bén duyên ca hát rồi, tôi cũng chẳng mơ được gọi hai tiếng “danh ca”. Bước lên sân khấu, tôi cứ thế hát bằng tất cả xúc cảm, bằng tâm hồn mình. Có lẽ vậy mà tiếng hát tôi còn được thính giả yêu quý tới giờ. Vì giọng hát theo thời gian sẽ khác đi nhưng tâm hồn trong tiếng hát thì bất biến.
Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả. Bên nội, bên ngoại đều khá giả. Mẹ tôi trải qua 8 lần sinh nở nhưng các anh chị tôi không được hưởng phúc phận, cứ lên 3 là mất. Chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Mẹ lúc nào cũng âu yếm gọi tôi “em ơi”, “cô ơi”.
Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê miền Bắc ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát.
Tuổi thơ tôi bình yên trôi. Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội. Thấy tôi mê nhạc, gia đình cho tôi đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ gởi tôi vào trường dòng từ lúc lên 5 cho tôi học piano. Đam mê được thỏa nguyện tạo nên trong tôi tình yêu vô cùng trong âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi. Ca hát, với tôi là duyên số, là phước phần trời định. Gia đình tôi, các chú, các cậu đều hát rất hay. Tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc không ai có cái nghiệp như tôi.
Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền mẹ cả, phải chịu đựng đủ điều. Đủ thứ việc trong nhà, cụ phải giang tay cáng đáng, chẳng bao giờ được nghỉ tay.
Năm tôi 10 tuổi, mẹ con tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Nhà tôi hồi đó nằm trên đường Phan Đình Phùng, cạnh nhà có một ông thầy dạy nhạc. Tôi thường nghe tiếng nhạc phát ra từ nhà ông rồi cứ thế véo von hát theo. Bạn bè, bà con lối xóm cứ thế kéo sang đứng chật trước cửa nhà, trầm trồ: “Ôi, con bé này hát hay quá!”. Tôi nghe thì biết vậy chứ có hiểu thế nào là hát hay hoặc chưa hay đâu.
Có người kêu tôi, đi thi hát đi. Tôi tò mò hỏi thế thi hát là thi như thế nào? Họ bảo lên đài phát thanh ghi tên, rồi đứng trong phòng kính có đặt một tấm gương cho mình nhìn vào và hát. Trí óc non nớt của một đứa con gái 13, 14 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chưa từng đến phòng thu, làm sao có thể hát trước một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình trong một căn phòng kín như thế? Tôi sợ nên không dám đi thi.
Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một nhỏ bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Toàn bạn bè chơi với nhau, có gì đâu mà ngại. Tôi liền đứng lên hát bài Tà Áo Xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong vô thức tự nhiên tôi hát bài đó thôi chớ không nghĩ chuyện kiêng kỵ gì hết.
Tự dưng đâu, giọng hát tôi “lọt tai” ông chủ phòng trà. Ổng bèn ngỏ lời mời tôi đi hát. Gia đình tôi gia giáo, biết chắc là mẹ không thể nào chấp nhận chuyện này nên tôi thẳng thừng từ chối. Ông thuyết phục tôi rằng: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn thảo luận bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.
Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi, tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết, chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt, và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại được bật lên một cách tự nhiên như thế.
Xế nhà tôi có anh hàng xóm thích tôi lắm. Mỗi lần ăn cơm xong, có tráng miệng lúc trái na, lúc trái cam, anh không ăn mà để dành cho tôi. Thấy tôi đi qua, ảnh không dám đưa tận tay, chỉ quẳng cho tôi và tôi cũng hồn nhiên nhận. Ảnh và tôi học khác trường. Bốn năm trời ảnh cứ đạp xe đứng ngóng tôi trong những giờ ra chơi vậy đó. Tối nào tôi cũng đi hát khiến ảnh tò mò. Độ đâu vài tháng, anh biết được và đem mách mẹ tôi. Cụ nghe chuyện, nổi trận lôi đình. Cụ sợ tôi khổ do vướng phận “xướng ca vô loài”, rồi vướng chuyện trai gái này nọ. Tôi đứng im re nghe cụ rầy, không dám giải thích tiếng nào hết.
Bẵng đi ba bốn hôm, không thấy tôi đến, nghĩ là có chuyện, ông chủ phòng trà tìm đến tận nhà. Mẹ tôi cấm ngặt. Ông thuyết phục mẹ tôi rằng, tôi có giọng hát rất hay và lạ, mong mẹ đừng để lỡ cơ hội và tài năng của tôi. Thấy mẹ còn lo lắng, ông mời mẹ lên phòng trà mục sở thị. Mẹ tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền mới quyết định đi thử. Bữa đó, gia đình tôi đông người đi xem lắm. Bác tôi cứ liên tục đay nghiến mẹ: “Tại sao cô lại để cho nó đi hát chứ?”.
Coi tôi bước lên bục hát vài bài rồi xuống, mẹ tôi còn tưởng là lừa cụ do đâu nghĩ mọi chuyện dễ dàng vậy mà được trả thù lao cao thế. Đi vài đêm, nghe thính giả vỗ tay rần rần, cụ bắt đầu lay chuyển và đồng ý, với điều kiện phải cho cụ theo. Suốt hai năm như vậy, cụ mới cảm thấy yên tâm để tôi đi một mình.
Ngày ấy, con gái đến tuổi cập kê mà chưa cưới hỏi thì các cụ lo sốt vó. Tôi lại vướng nghiệp cầm ca nên mẹ tôi càng rầu. Thành ra, anh chàng kia mới quen tôi đâu được một tháng thì đem sính lễ tới nhà hỏi cưới tôi, cụ gật đầu gả liền.
Thời đi học, cũng lãng mạn, làm thơ này nọ nhưng tôi chưa bao giờ biết yêu ai. Đùng một cái đi lấy chồng, mọi thứ kéo từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Tôi hơn hai mươi tuổi đầu mà chuyện bếp núc, chuyện làm dâu, chuyện vợ chồng cứ lóng nga lóng ngóng. Năm này qua tháng khác, riết người ta làm sao chịu nổi. Thành ra, tụi tôi mỗi người mỗi hướng. Tôi không thấy buồn gì hết. Tại hồi đó, tôi có biết yêu là thế nào đâu. Nhiều người cho rằng, cái tên và những bài tôi hát đồng cảm với cuộc đời tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao nó lại vận vào mình. Để đến khi gặp người mình yêu thương thật lòng thì chuyện lại dở dở dang dang. Âu lỗi cũng ở mình và ở người. Tự ái và cái tôi lớn hơn sự cảm thông thì đành lỗi duyên giai ngẫu…
Ở tuổi này rồi, sự trải nghiệm khiến tôi thấm lẽ đời. Tạo hóa vốn dĩ rất công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng thì phải lấy lại một cái gì đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Hôn nhân là chuyện nợ, chuyện duyên. Nếu có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi. Dẫu gì cũng đã cùng nhau qua một đoạn đường trần.
Tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Quá khứ là gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Có câu danh ngôn vầy, hãy khép lại cánh cửa quá khứ và mở cánh cửa 3. Người Mỹ hay dùng thành ngữ “Born to be that way” để nói về vận mệnh. Có những người sinh ra để hưởng phú quý, có người số phận khổ sở,… còn tôi sinh ra để làm một nghệ sĩ. Chuyện trở thành một ca sĩ là điều tất yếu và nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn làm như vậy.
Điều khiến tôi hối tiếc nhất là tôi đã sống chưa đủ đầy bổn phận với mẹ, với các con. Chưa đủ đầy ở đây là không trực tiếp chăm sóc, nhìn các con trưởng thành từng ngày. Có lẽ, tôi hơi ích kỷ… Không! Đúng ra là tôi ích kỷ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thổ lộ điều này. Tôi chỉ nghĩ cho mình, tự thương mình nhiều quá mà quên mất những điều người thân trông chờ và cần ở mình. Nếu được sống lại, có lẽ, tôi sẽ sống khác đi. Sẽ biết cách cân bằng hơn giữa công việc và gia đình thay vì lúc nào cũng chỉ miệt mài dồn sức cho công việc.
Cũng vì lẽ ấy nên tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ xa con cháu… Tôi yêu thương và muốn bù đắp cho chúng. Các con trưởng thành và xây dựng cuộc sống riêng ở đâu thì đó là nơi chúng phải gắn bó dài lâu. Với tôi, nơi nào được gần những người mình yêu thương, nơi đó chính là nhà.
Ở tuổi này rồi, thi thoảng tôi nghĩ đến chuyện trở về thế giới bên kia. Ai rồi cũng phải về thôi mà, phải không? Không phải vì tôi buồn, vì thiếu thốn, hiu quạnh hay bất cứ lý do nào khác. Danh vọng, tiền tài, gia đình, tôi may mắn được ơn phước cho đủ đầy rồi. Còn mong gì hơn? Chỉ là, cái đẹp biến mất khi dấu ấn vẫn còn, hẳn sẽ trọn vẹn hơn.
Hoàng Linh Lan ghi lại lời kể của Lệ Thu
Đoạn hồi ký này kể về cuộc đời và sự nghiệp ca hát của ca sĩ Lệ Thu, người tiêu biểu trong làng nhạc miền Nam trước năm 1975. Lệ Thu được sinh ra trong một gia đình khá giả và có một cuộc sống bình yên trước khi chuyển đến Sài Gòn. Từ khi còn nhỏ, Lệ Thu đã thể hiện đam mê âm nhạc và sau đó thành công trong sự nghiệp ca hát. Tuy gia đình không ủng hộ ban đầu nhưng với tài năng của mình, Lệ Thu đã thành công và được yêu mến bởi thính giả.
Hastags: #Hồi #ký #Lệ #Thu #Một #đời #sĩ #hát #trong #buồn #tênh