“Bài hát”Thương Người Ở Lại” là một sáng tác bị bỏ quên của nhạc sĩ Anh Bằng, là phần tiếp nối nghẹn ngào của ca khúc “Nỗi Lòng Người Đi”. Bài hát kể về tình đau buồn của người ở lại, nhớ nhung và tâm sự với người đã đi xa. Dù không nhận được sự quan tâm nhiều như “Nỗi Lòng Người Đi”, ca khúc vẫn ghi dấu trong lòng người nghe với thông điệp cảm động và lời nhạc sâu lắng.”.
Nhạc sĩ Anh Bằng là một trong những tên tuổi lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam với rất nhiều sáng tác đã trở thành bất tử. Ngoài những ca khúc sáng tác độc lập, ông còn cùng với hai nhạc sĩ, cũng là hai người bạn, người cộng sự thân thiết Lê Dinh và Minh Kỳ – lập nên nhóm nhạc Lê Minh Bằng. Chỉ trong vỏn vẹn trong 10 năm, nhóm sáng tác Lê Minh Bằng đã để lại cho âm nhạc Việt Nam một số lượng lớn ca khúc quen thuộc mà cho tới nay công chúng vẫn còn yêu thích, dù thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ.
Nhắc tới nhạc sĩ Anh Bằng, những người yêu nhạc trữ tình không ai là không biết đến giai điệu nhẹ nhàng tình cảm và lời ca da diết của bài hát Nỗi Lòng Người Đi. Bài hát có ca từ mộc mạc, giai điệu lãng mạn và tha thiết, mang hơi hướm của dòng nhạc “tiền chiến”, đã kể lại một chuyện tình buồn với sự chia ly đẫm nước mắt của chính bản thân tác giả.
Với Nỗi Lòng Người Đi, nhạc sĩ Anh Bằng không chỉ khóc cho mỗi mối “tơ duyên lìa tan” của riêng mình, mà đó còn là tiếng lòng của bao đôi nam nữ đã phải lìa xa nhau trong biến cố lịch sử năm 1954. Bài hát không chỉ được yêu thích về phương diện giai điệu hay nội dung, mà còn vì cả yếu tố lịch sử của nó nữa.
Nhiều người yêu nhạc đã quá quen thuộc với Nỗi Lòng Người Đi, nhưng hầu như không ai biết tới một ca khúc khác của ông, có thể được coi là phần 2 của “Nỗi Lòng Người Đi”, đó là bài hát mang tên “Thương Người Ở Lại”, được thâu thanh lần đầu tiên và duy nhất trước năm 1975 bởi giọng ca Thanh Vũ – giọng ca bị lãng quên, như một bài viết nhacxua.vn đã từng đề cập tới.
Thật trùng hợp là bài hát “bị quên lãng”, được hát bởi một giọng ca “bị lãng quên”.
Click để nghe Thanh Vũ hát Thương Người Ở Lại trước 1975
Ngay trong tên gọi Thương Người Ở Lại, có thể thấy được sự liên quan mật thiết với Nỗi Lòng Người Đi. Nếu như bài hát nổi tiếng này là lời giãi bày nỗi lòng của kẻ ra đi, tuy đã yên vui “hái hoa tiên dâng đời” ở phương Nam ấm áp, nhưng vẫn đau đáu nhớ về Hà Nội – nơi có người tình dấu yêu đã xa cách, thì bài hát Thương Người Ở Lại là cảm xúc yêu thương chân thành dành cho người ở lại, cùng lời nhắn nhủ mong có được một ngày hạnh ngộ, có thể nối lại duyên xưa sau khi những đau thương, chia cắt, những hận thù đã tàn theo khói súng.
Về giai điệu và ca từ, vì cùng một tác giả nên cả hai bài hát đều mang chung một phong cách lãng mạn. Tuy vậy, Thương Người Ở Lại vẫn có được những nét riêng.
Mở đầu bài hát là nhịp điệu buồn, chầm chậm như bước chân của người mang niềm tâm sự mỗi lúc chiều tà. Giây phút tĩnh lặng là lúc những tâm tư, xúc cảm và kỷ niệm cũ ùa về:
“Thà, thà rằng mình đừng quen nhau
Đừng thương nhau, phải không em
Hà Nội đắm trong u sầu…”
Khi tình duyên đã không trọn, đôi đường chia phôi, người ta thường tiếc nhớ về những tháng ngày say đắm cũ, những nồng nàn tình ái đã qua đi. Đôi khi người ta cũng có chút hối tiếc vì định mệnh đã cho được gặp nhau, thương yêu nhau, nhưng rồi tất cả còn lại chỉ là những đau thương chỉ vì thời cuộc đã cách ngăn đôi người. Hà Nội của ngày tháng cũ, Hà Nội yêu dấu với những ngày tháng tươi đẹp, thơ mộng, được “quen sống ca vui bên nàng”, thì giờ đây “bao nhiêu mộng đẹp, yêu thương” đó đã thành khói và “tan theo mây chiều”, để lại một Hà Nội u sầu vì sự xoay vần của thế cuộc.
Trong cảm xúc hối tiếc đó của tác giả có chút gì trách móc, hờn giận cùng sự hoài nghi của người mang thương nhớ không nguôi. Không biết là người ở nơi cố hương có còn thương, còn nhớ những kỷ niệm đẹp, những lời nồng nàn đắm đuối trao nhau hay không? Hay là đã “xa mặt cách lòng”, tình cảm đã theo thời gian cùng chìm vào quên lãng:
“…Thà, thà rằng mình đừng trót nói
Câu ân tình ngọt ngào đắm đuối
Chắc bây giờ thì đã quên rồi…”
Người tha hương nhớ về Hà Nội, thương nhớ về chốn kinh kỳ xa xôi, nơi có người tình nhỏ đã từng một thời bên nhau chia sẻ bao ân tình ngọt ngào đắm đuối, nhưng nay thì cả không gian và thời gian đã trở nên xa xôi cách trở.
Qua bài hát Nỗi Lòng Người Đi thì kết cục của chuyện tình buồn đó đã được nhiều người đã biết đến, những nhớ nhung và xúc cảm dạt dào đã gợi lên trong lòng người ra đi những tiếng ca và cung điệu u hoài, để xót thương cho Hà Nội, cho người tình ở lại:
“Hà Nội giờ này còn đâu vui
Hà Nội ơi, ngày xa vắng
Gợi bao tiếng ca u hoài…”
Nhiều lần nhìn màu tím nhuộm dần chân trời, nhìn chiều lặng tắt để nhường bước cho màn đêm, người nhạc sĩ không thể kìm lòng trước những thương nhớ trong giờ phút thinh lặng, khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm:
“…Nhiều lần buồn nhìn chiều hấp hối
Xót thương về Hà thành chới với
Giữa muôn vàn hận sầu tím môi…”
Nhiều lần buồn nhìn “chiều hấp hối” – Đây là hình ảnh ước lệ rất độc đáo để mô tả một khung trời chiều đang nhạt phai dần, tối dần, rồi lịm tắt, nhường thế gian lại cho bóng đêm mịt mùng. Trong khoảnh khắc đó, người nhạc sĩ mang nhiều tâm sự buồn thương, thương về người tình yêu dấu, thương cho cả cố hương đã xa ngút ngàn.
Cảm xúc chân thành, thương nhớ đó đã trào dâng mãnh liệt, để rồi dần lắng xuống đầy dịu dàng, trìu mến:
“…Hà Nội yêu ơi
Đợi chờ tôi nhé em
Mình gần qua bóng đêm
Đón bình minh tiếng chim ca êm đềm
Đón niềm vui chứa chan trên tơ mềm
Đừng giận hờn ai, em ơi thương nhau mãi…”
“Em” ở trong những câu hát này có thể là nhạc sĩ muốn gọi người yêu nơi xa, và cũng có thể ông muốn nhân cách hóa vùng đất Thăng Long, để trao cho nơi này này một linh hồn. Tác giả bài hát đã trìu mến, âu yếm, yêu thương Hà Nội tựa như một người tình, vì đó là nơi đã chứng kiến cuộc tình của ông và người yêu nhỏ, cũng là nơi có đầy biến động vào giai đoạn giữa thập niên 1950.
Lời bài hát là để gửi cho người tình, cũng là lời nhắn nhủ về Hà Nội, với hy vọng rằng khi bóng đêm đã tàn cũng là lúc bắt đầu chờ đợi hừng đông của ngày mới sẽ đến. Bao nỗi đau thương và chia ly của ngày cũ sẽ tan biến khi chào đón “tiếng chim ca êm đềm” lúc bình minh, mang theo niềm vui chứa chan và êm dịu như tơ mềm, khi đó người lại được gặp người, trùng phùng trong niềm vui tao ngộ. Nhạc sĩ cũng khuyên nhủ người tình đừng để hận sầu của cuộc đời làm héo úa tim yêu, hãy giữ hoài niềm “thương nhau mãi”, dù có phải đi qua nhiều chông gai, chua cay:
“…Tình mình gặp nhiều chông gai
Nhiều chua cay, phải không em
Hồ Gươm liễu xanh buông dài…”
Xa cách nhau từ thuở “năm lên mười tám”, cái tuổi của thanh xuân, của tuổi chớm bước vào yêu, những tưởng rằng rồi cũng sẽ có một ngày được tái ngộ. Nhưng rồi mười năm, hai mươi năm trôi qua, và sau đó là vĩnh viễn, vẫn không được thấy mặt nhau, không được cầm tay nhau lần nữa. Rặng liễu quanh Hồ Gươm buông dài, mãi mãi ngậm ngùi vì không còn được trông thấy bóng đôi nhân tình xưa hò hẹn, không còn người đứng đợi trông người nơi ven hồ, khua mặt nước trong vắt “như bài thơ” nữa.
Nhìn lại những ngày tháng say đắm bên nhau, rồi cách chia, đằng đẵng hơn một thập kỷ, người nhạc sĩ cũng không ngờ rằng cái ngày rẽ lối lịch sử năm xưa đã làm cho họ mãi mãi chia lìa nhau:
“…Mình, nào ngờ một ngày rẽ lối
Sống âm thầm lòng đầy tiếc nuối
Tháng năm dài đành buồn lẻ loi…”
Giữa lúc còn bên nhau, đâu ai nghĩ và dám nghĩ đến ngày chia phôi. Nhưng thời cuộc, cuộc đời đâu biết xót thương cho những mảnh đời, những tình cảm riêng tư. Cuộc chia ly đớn đau, theo sau đó là những năm tháng năm dài ly loạn đã làm cho lửa nồng yêu đương lịm tắt, khiến con người ta đành ngậm ngùi sống âm thầm trong nuối tiếc và nỗi buồn lẻ loi…
Có thể những lúc chiều tà yên ắng, họ tìm những phút vui lẻ loi trong những hồi ức xa xưa, thuở ân tình còn thắm đượm. Nhưng niềm vui chẳng được bao nhiêu, ngay sau đó là những nhớ thương, buồn tủi, cay đắng và hối tiếc kéo nhau về.
Căn cứ vào nội dung và giai điệu bài hát, có thể thấy được sự tương quan giữa “Nỗi Lòng Người Đi” và “Thương Người Ở Lại”, nội dung câu chuyện mang tính nối tiếp nhau. Tuy vậy, hai bài hát lại mang hai số phận thật trái ngược. Trong khi Nỗi Lòng Người Đi trở thành một ca khúc vượt thời gian và hàng trăm bản thu âm đã từng được thực hiện, thì Thương Người Ở Lại chỉ có duy nhất một phiên bản thu trong dĩa nhựa với giọng ca lãng tử, khỏe khoắn và sang cả của Thanh Vũ. Cho tới sau này, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, cũng chưa thấy ai hát lại ca khúc này.
Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
Nhạc sĩ Anh Bằng là một trong những tên tuổi lớn nhất của nền âm nhạc tân nhạc Việt Nam. Ông đã có nhiều sáng tác nổi tiếng và trở thành bất tử. Ông cùng với hai người bạn thành lập nhóm nhạc Lê Minh Bằng và sáng tác nhiều ca khúc quen thuộc cho âm nhạc Việt Nam. Ca khúc “Nỗi Lòng Người Đi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Anh Bằng, kể về một chuyện tình buồn trong thời gian chiến tranh. Bài hát “Thương Người Ở Lại” được coi như phần 2 của “Nỗi Lòng Người Đi”, nói về tình yêu và nhớ nhung người ở lại.
Hastags: #khúc #Thương #Người #Ở #Lại #Sáng #tác #bị #lãng #quên #của #nhạc #sĩ #Anh #Bằng #Lời #tâm #sự #tiếp #nối #của #Nỗi #Lòng #Người #Đi