Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn đã sáng tác bài hát “Con Đường Màu Xanh”, một tác phẩm nổi tiếng trong làng nhạc Việt Nam. Bài hát này đã gắn kết nhiều tâm hồn của người nghe bởi những lời ca cảm động và giai điệu ngọt ngào. “Con Đường Màu Xanh” đã trở thành một biểu tượng của sự hòa bình và yêu thương trong thời gian khó khăn. Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn đã góp phần xây dựng nên một giai điệu mang ý nghĩa nhân văn, khiến bài hát trở thành một sự tôn vinh cho tình yêu và sự đoàn kết..
Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn sinh tại Sài gòn nhưng lại trải qua thời thơ ấu và học tiểu học tại Đà Lạt. Anh hay theo cha đi câu cá ở hồ Xuân Hương rồi đem về thả trong cái hồ nhỏ trước sân nhà. Gia đình anh nghèo, nhưng anh rất yêu thành phố của tuổi thơ cơ cực và đẹp đẽ với những buổi sớm mai thức dậy tràn ngập ánh mặt trời, ngắm những bông hoa pensée nở giữa các luống khoai bắp và những cơn mưa bong bóng. Về sau, anh đã viết một số ca khúc về thành phố Đà Lạt của tuổi thơ với bao kỷ niệm như “Tình yêu cho Đà Lạt”, “Bong bóng mưa”…
Tháng 4 năm 1975, Trịnh Nam Sơn theo gia đình người chị gái di tản, đến đảo Guam một thời gian ngắn rồi định cư ở Mỹ. Cũng như nhiều người Việt mới nhập cư, với vốn tiếng Anh rất ít ỏi, anh làm rất nhiều công việc lao động chân tay để kiếm sống, không nề hà việc gì, từ rửa xe hơi, rửa chén đĩa ở nhà hàng đến theo những tàu đánh cá lên tận vùng Alaska băng giá để đánh bắt cua biển. Hầu như ngày nào anh cũng làm việc 18-20 tiếng, chỉ có 4-6 tiếng để ngủ và phải ngủ luôn trên tàu, không có thời gian để ngắm cảnh. Cuối năm 1976, anh qua California và bắt đầu vừa đi làm, vừa theo học đại học cộng đồng. Anh vừa đi học, vừa đi làm, chơi nhạc với những nhóm nhạc người Hoa ở vùng Los Angeles, rồi thấy vốn liếng âm nhạc của mình quá nghèo nàn nên quyết định bỏ hết mọi việc để đi học nhạc tại Viện Âm nhạc Dick Grove (Dick Grove School of Music).
Anh đã kể về bước đầu đến với âm nhạc: “Tôi thật sự không biết mình mê nhạc từ lúc nào, chỉ biết là thích thôi. Có thể tôi đã mê vì nhạc của Beethoven nhưng hình như bệnh lười làm tôi trước đó học nuốt không trôi nhạc lý trong mấy trường college, chỉ thích đánh nhạc bằng tai cho đến khi có một chuyến thử tài của một nhạc sĩ người Mỹ thổi trumpet với tôi. Lúc đó, tôi mới quyết định theo học ngành nhạc một cách nghiêm chỉnh. Tôi xuất thân từ Viện Âm nhạc Dick Grove. Tốt nghiệp ngành viết nhạc phim và chỉ huy dàn nhạc. Vì trường này chuyên về nhạc nên thời gian học khá cực, từ 9 giờ sáng cho tới 10 giờ đêm, 6 ngày một tuần, và chương trình kéo dài 2 năm. Năm đầu tiên, chúng tôi chỉ học viết các thể loại của nhạc jazz, từ sáng tác, hòa âm, chỉ huy cho tới phối khí. Sau đó, mỗi thứ bảy, chúng tôi phải chỉ huy dàn nhạc 18 piece big band đánh những sáng tác mình viết để thầy thẩm định khả năng. Trong 3 tháng cuối của năm đầu, chúng tôi bắt đầu tập trung vào cách viết và điều khiển dàn nhạc giao hưởng từ 39 cho tới 63 nhạc công. Qua năm thứ hai thì tập trung suốt một năm học cách viết cho tứ tấu dàn dây (string quartet). Tôi sử dụng guitar, saxophone, piano…
Trong thời gian 1986-1988, tôi làm thành viên của ban nhạc The Brothers Four (do Chí Tài làm trưởng ban nhạc) với điều kiện là anh em đồng ý từ từ chuyển hướng qua trình bày những sáng tác mới của các thành viên trong ban nhạc để tạo nét đặc biệt riêng. Tuy nhiên ban nhạc đã không thực hiện được đường lối như đã có ý lúc đầu, “Dĩ vãng” và “Quên đi tình yêu cũ” cũng nằm trong số phận đó nên tôi quyết định tách rời để thực hiện những mong muốn của mình. Sau đó, tôi quyết định thực hiện quay music video bài ‘Dĩ vãng’ theo lối MTV và nhờ chị Khánh Ly hát nhạc phẩm này đầu tiên. Chị Khánh Ly có nhận lời hát và quay video, tuy nhiên giờ phút chót thì chị bị bệnh khá lâu. Video không thể chờ vì mướn dàn quay khá nặng tiền cho nhạc sĩ nghèo như tôi nên tôi quay qua nhờ Ngọc Lan. Ngọc Lan nhận lời, nhưng khi nghe đến quay music video thì Ngọc Lan nói không được vì cô cũng đang sắp sửa thực hiện music video đầu tay do anh Đặng Trần Thức thực hiện. Thế là tôi lại chạy qua nhờ Julie hát. Julie nhận lời hát với hai điều kiện: 1. Phải để cho Julie đổi lời. 2. Phải chờ Julie đi hát show khoảng một tháng ở châu Âu về. Chuyện để Julie đổi lời cũng không sao vì tính tôi không khó khăn về lời cho lắm, nhưng chuyện phải chờ 1 tháng thì không thể được. Tôi lại quay qua anh Duy Quang nhờ hát theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Trần Quảng Nam, nhưng anh Duy Quang có trung tâm riêng nên chỉ hát độc quyền. Tôi không còn biết nhờ vả ai nữa nên bất đắc dĩ đành quyết định chính mình hát vậy…”
Sau khi ca khúc “Dĩ Vãng” ra mắt và nhanh chóng được nhiều người yêu thích, anh cho ra mắt thêm nhiều ca khúc mới theo lối viết nhạc rất đặc trưng của anh như anh đã chia sẻ: “Tất cả những bài nhạc tôi viết đều là viết nhạc trước rồi mới viết lời sau. Lý do như sau: tôi đã quen với cách viết cho nhạc khí nên cứ theo như vậy mà làm. Cách viết nhạc trước đối với riêng tôi thì không bị gò bó bởi vần bằng trắc của chữ. Ngược lại thì mình phải chịu mất đi một vài chữ hay vì muốn giữ nốt nhạc đơn điệu đã quân bình của mình…”
Nhạc của Trịnh Nam Sơn thuộc nhiều thể điệu khác nhau như album đầu tay của anh là “Dĩ vãng” cho thấy: boston, rumba, classic ballad, cha cha, pop ballad, pop rock, blues, soft rock…
https://www.youtube.com/watch?v=Txzah3uMrNQ
Click để nghe Trịnh Nam Sơn hát Con Đường Màu Xanh
Ca khúc “Con Đường Màu Xanh” được dùng làm chủ đề của những chương trình nhạc của Trịnh Nam Sơn là một ca khúc được sáng tác vào năm 1991: “Tôi viết ca khúc này năm 1991, dựa trên cảm xúc và kỷ niệm riêng của tôi. Tôi viết để an ủi người và tự an ủi mình. Lúc đó, tôi vừa mới quay trở lại thời độc thân. Đổ vỡ nào chẳng buồn, con đường màu xanh đó là nguyện ước về tương lai và hy vọng”.
Tình yêu đã chấm dứt như mây tan giữa trời, trái tim đã nguội lạnh, không còn có được những cảm xúc như ngày xưa, hai người đành phải chia tay, nhưng nhìn người yêu trở về một mình dưới cơn mưa làm cho son môi nhạt nhoà, anh chợt thấy xót xa, cầu mong sao những giọt nước mắt của nàng sẽ mau khô, nỗi buồn sẽ không còn vấn vương trong tâm trí của nàng và màu xanh của hy vọng sẽ lại ngập tràn trên con đường nàng đang đi:
Này người yêu xin quay mặt đi
Đã hết thương yêu nhau rồi
Này người yêu em đi về đi
Xin em đừng hờn trách tôi
Vì giờ đây trái tim đã giá lạnh.
Từng giọt mưa bay trong chờ mong
Khẽ xóa môi son phai nhòa
Nhìn giọt mưa bay trong trời thu
Cho ai lòng càng nát tan
Vì giờ đây tôi và em chia tay.
Người yêu ơi vẫy tay biệt ly
Em cô đơn trên con đường dài
Giọt nước mắt hãy lau thật khô
Vì không muốn thấy em u sầu
Tôi mong em từ nay
Hãy xóa hết tâm tư buồn vương.
Người yêu ơi vẫy tay biệt ly
Em thênh thang trên con đường về
Giọt nước mắt hãy lau thật khô
Tình yêu đã tan theo mây trời
Tôi mong em từ nay
Nhìn lại con đường em đi trên
Đầy màu xanh…
Bài viết của Huỳnh Duy Lộc
nhacxua.vn đăng lại với sự đồng ý của tác giả
Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn là người Sài Gòn nhưng lớn lên ở Đà Lạt. Anh có thời thơ ấu đầy đẹp và yêu thích thành phố này. Sau khi di cư sang Mỹ, anh làm rất nhiều công việc để kiếm sống. Anh theo học âm nhạc tại Viện Âm nhạc Dick Grove và tốt nghiệp ngành viết nhạc phim và chỉ huy dàn nhạc. Anh đã viết nhiều ca khúc nổi tiếng như “Dĩ Vãng” và “Con Đường Màu Xanh”. Ca khúc “Con Đường Màu Xanh” là một ca khúc về hy vọng và mong muốn tương lai.
Hastags: #Nhạc #sĩ #Trịnh #Nam #Sơn #và #khúc #Con #Đường #Màu #Xanh