Ngọc Chánh, một nhạc sĩ nổi tiếng trong ban nhạc Shotguns, đã ra đi mãi mãi. Ông đã góp phần không nhỏ vào sự thành công và danh tiếng của ban nhạc. Ngọc Chánh đã sáng tác những bài hát độc đáo và nổi tiếng, gắn bó với công chúng và làm say mê lòng người yêu nhạc. Sự mất mát này đã làm rung động cả làng nhạc, và chúng tôi xin chia sẻ niềm tiếc thương sâu sắc đối với gia đình và người hâm mộ của ông. Ngọc Chánh sẽ mãi mãi sống trong trái tim của chúng ta thông qua những ca khúc tuyệt vời mà ông để lại..
Nhạc sĩ Ngọc Chánh, tên tuổi gắn liền với ban Shotguns trước 1975, đã vừa qua đời tại Nam California – Hoa Kỳ vào lúc 6h chiều thứ bảy 7-1-2023 (giờ địa phương), theo giờ Việt Nam là 9h sáng 8-1-2023, hưởng thọ 86 tuổi. Ông được người yêu nhạc trữ tình biết đến với những bài hát nổi tiếng sáng tác chung với Phạm Duy là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư và Tuổi Biết Buồn. Ngoài ra ông còn thành lập hãng băng đĩa Shotguns và có nhiều đóng góp quan trọng trong làng nhạc khi đã lăng xê thành công được nhiều bài hát, ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh tên thật Nguyễn Ngọc Chánh, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1937 tại Sài Gòn trong gia đình có tất cả 10 anh chị em. Tuy nhiên 8 trong số 10 anh chị em này đều không may qua đời từ lúc nhỏ, chỉ còn lại 2 người là nhạc sĩ Ngọc Chánh (thứ sáu) và người em gái út là Ngọc Lan (tên giấy tờ là Nguyễn Thị Trí).
Nhạc sĩ Ngọc Chánh mê nhạc và có năng khiếu từ thuở bé. Lúc lên 6 tuổi, ông được học guitar với một người bạn lớn tuổi hơn tên là Cổ Tấn Tịnh Châu, rất giỏi về ngón đàn Flamenco, rồi sau đó học thêm với một nhạc sĩ người Philippines là Monito. Có lẽ nhờ vậy mà ngay từ lúc nhỏ ông đã có kiến thức khá vững vàng về nhạc lý, có thể tự soạn được 2 cuốn sách hướng dẫn Tự Học Đàn Guitar từ khi mới 13, 14 tuổi.
Năm 1945, khi được 8 tuổi, ông được vào trường dòng Lasan Đức Minh ở Tân Định, đến năm 11 tuổi thì chuyển sang trường Lê Văn Hai học trong 2 năm rồi vào học trung học đệ nhất cấp tại Trường Kỹ Thuật Cao Thắng vào năm 1950. Trong khoảng thời gian học tại đây, nhạc sĩ Ngọc Chánh viết 2 cuốn sách tự học về guitar rồi bán bản quyền sách cho nhà xuất bản Mỹ Tín vào năm 1953 với giá 24.500. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách dạy về guitar sớm nhất của làng nhạc thời đó.
Lúc đó ông Mỹ Tín có một tiệm nổi tiếng sản xuất và bán đàn guitar ở đường Võ Tánh, đồng thời có trưng một số cây đàn piano cũ, là niềm mơ ước của Ngọc Chánh nên ông đã xin mua một cây piano cũ với giá 22.000 đồng bằng cách đổi bản quyền sách của mình và được ông chủ trả thêm 2.500 đồng. Số tiền đó mang về biếu mẹ và đãi bạn ăn mừng.
Có đàn nhưng không có tiền học piano, nhà lại nghèo nên khó xin được tiền đi học đàn nên Ngọc Chánh nói dối gia đình là đi học tiếng Anh để lấy tiền đi học piano với thầy Nguyễn Văn Dung trên đường Hiền Vương.
Nhờ chơi được cả guitar và piano nên khi mới 20 tuổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh được nhận vào phục vụ trong Ban Văn Nghệ của Bộ Công Dân Vụ và được hoãn quân dịch. Sau đó ông chơi đàn tại khắp các quán nhỏ rồi đến các nhà hàng trong thời gian khoảng 2 năm.
Từ năm 1960 đến 1966, nhạc sĩ Ngọc Chánh lần lượt được mời làm trưởng ban nhạc tại rất nhiều nơi từ nhỏ đến lớn, bắt đầu là sân khấu ca nhạc tại Hồ Tắm Cộng Hòa, sau đó là vũ trường Melody, Lai Yun, Văn Cảnh, Eden Rock, nhà hàng Mỹ Phụng…
Năm 1966, được lệnh tổng động viên, ông tham gia vào Biệt đoàn văn nghệ trung ương, sau đó là ban Hoa Tình Thương cùng với nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có nhạc sĩ Khánh Băng, Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Elvis Phương, Pat Lâm, nhạc công Duy Khiêm, trống Phùng Trọng…
Sang năm 1968, vì sự kiện Tết Mậu Thân nên toàn bộ những chương trình giải trí ở các phòng trà, vũ trường tại Sài Gòn đều bị đóng cửa, giới nghệ sĩ bị thất nghiệp hàng loạt, ngoại trừ một số ca sĩ hát nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ.
Trước tình hình đó, ca sĩ Pat Lâm được người cha nuôi người Mỹ làm ở Đại sứ quán Mỹ đề nghị ông quy tụ những nghệ sĩ trong ban Hoa Tình Thương để thành lập một ban nhạc trình diễn vào mỗi cuối tuần tại USO (viết tắt từ United Services Organizations, là tổ chức phi lợi nhuận đưa các hoạt động giải trí tới phục vụ quân đội Mỹ đóng ở khắp nơi trên thế giới), cũng như biểu diễn ở các club Mỹ khắp miền Nam.
Khi đó các nghệ sĩ đang thất nghiệp, gặp được lời đề nghị quý giá này, chỉ 1 tuần sau ban nhạc Shotguns đã được thành lập với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống, sau đó thay bằng Lưu Bình), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Được một thời gian thì bổ sung thêm giọng hát Ngọc Mỹ và Quốc Hùng đánh bass, Duy Khiêm đánh guitare accord…
Nhạc sĩ Ngọc Chánh và ca sĩ Pat Lâm là 2 linh hồn của ban nhạc đã quyết định chọn tên ban nhạc là Shotguns, bắt nguồn từ bài nhạc Mỹ của Junior Walker trong đĩa đơn cùng tên là Shotgun rất ăn khách vào thời điểm đó.
Sang năm 1969, khi tình hình đã lắng dịu hơn, sinh hoạt âm nhạc về đêm trở lại bình thường thì nhạc sĩ Ngọc Chánh quyết định về đóng đô và trình diễn âm nhạc hàng đêm ở Sài Gòn. Giai đoạn này, Ngọc Chánh cũng chuyển hướng cho ban Shotguns, từ một ban nhạc chuyên hát nhạc Pop Rock, nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ, chuyển sang hát nhạc Việt trữ tình, nhẹ nhàng và lãng mạn cho người Việt nghe. Quyết định này ban đầu không được nhiều người trong ban đồng tình, vì hát cho club Mỹ được nhiều tiền hơn hát cho khán giả Việt Nam.
Đầu năm 1970, khi ca sĩ Jo Marcel rời phòng trà Queen Bee để xây dựng Ritz, ca sĩ Khánh Ly đã thuê lại Queen Bee nằm trên tầng 2 của khu thương xá Eden và mời ban nhạc Shotguns về đóng đô mỗi đêm.
Đầu năm 1971, Khánh Ly rời Queen Bee để khai trương phòng trà – vũ trường Tự Do thì nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận thầu lại Queen Bee, đồng thời thuyết phục được ca sĩ Thanh Thúy trở lại sân khấu ca nhạc sau 5 năm giải nghệ đi lấy chồng. Sự tái xuất này của danh ca Thanh Thúy gặt hái được những thành công rực rỡ.
Trụ ở phòng trà Queen Bee được 3 năm, nhạc sĩ Ngọc Chánh đưa toàn ban Shotguns về số 91 đường Công Lý, nhận lại phòng trà Quốc Tế ở góc Lê Lợi – Công Lý để khai thác từ tháng 5 năm 1974 và hoạt động thêm 1 năm thì xảy ra biến cố 1975.
Tại phòng trà Queen Bee và Quốc Tế, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tạo ra được một nơi sinh hoạt văn nghệ sôi động với những giọng ca nổi tiếng nhất Sài Gòn là Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai… và là nơi làm bệ phóng cho những giọng ca thế hệ sau đó được thành danh: Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín…
Song song với việc biểu diễn chương trình văn nghệ hàng đêm, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn tổ chức thực hiện băng nhạc Shotguns từ năm 1969 cho đến năm 1975, ra mắt hơn 30 băng nhạc Shotguns rất giá trị mà cho đến nay vẫn còn nhiều người tìm nghe.
Thập niên 1960 ở miền Nam Việt Nam là thời kỳ vàng son của dĩa nhựa với hàng chục hãng thu âm cùng hoạt động rất sôi nổi, với những nhãn hiệu vẫn còn quen thuộc với người yêu nhạc cho đến nay là Asia Sóng Nhạc, Continental, Hãng Dĩa Việt Nam, Vô Tuyến, Tình Ca Hai Mười…
Sang thập niên 1970, dĩa nhựa bắt đầu dần thoái trào, nhường chỗ cho loại băng cối magnetic ưu việt hơn về khả năng lưu trữ, thời lượng của mỗi băng. Một trong những nhãn hiệu đầu tiên phát hành nhạc trên băng magnetic chính là Shotguns, bắt đầu xuất hiện từ năm 1969, được công chúng lẫn giới chuyên môn đánh giá cao về mặt nghệ thuật lẫn kỹ thuật.
Báo chí Sài Gòn thập niên 1970 đã gọi những băng nhạc Shotguns do nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống con người, chứa đầy những buồn vui hờn giận, là thương hiệu bảo chứng cho giá trị nghệ thuật cao của loại băng nhạc có các bài hát và bản thu âm được chọn lọc kỹ lưỡng, cùng hầu hết những ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc miền Nam thời vàng son.
Với chất lượng âm thanh 4 chiều chuyển động, tiền thân của surround sound sau này, các băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh thực thiện đã đi tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có chất lượng tốt nhất thời bấy giờ.
Trong gần 6 năm, kể từ 1969 đến 1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thực hiện khoảng trên 30 băng nhạc Shotguns, đến nay đã hơn 40 năm kể từ ngày cuốn băng Shotguns cuối cùng được phát hành, nhưng đông đảo người yêu nhạc trước 1975 vẫn đang tìm nghe lại những băng nhạc này, như là tìm lại những giá trị xưa cũ không bị phai mờ theo thời gian.
Về xuất xứ của tên gọi Shotguns, vào năm 1968, nhạc sĩ Ngọc Chánh là trưởng ban nhạc mang tên Shotguns, chuyên biểu diễn tại các club Mỹ, rồi sau đó là đóng đô hàng đêm ở vũ trường Queen’s Bee ở lầu 2 của thương xá Eden.
Theo nhạc sĩ Ngọc Chánh kể lại, lý do ông chọn cái tên Shotguns, đó là vì mục đích ban đầu của ban nhạc mà ông cùng với ca sĩ Pat Lâm thành lập là để chơi nhạc ở các club phục vụ cho quân nhân Mỹ, nên đã quyết định chọn tên của một bài nhạc Mỹ đình đám thời đó để làm tên ban nhạc.
Ban nhạc Shotguns có thời gian đã tập trung được những gương mặt ưu tú của làng nhạc Sài Gòn, như nhạc sư Lê Văn Thiện, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chuyên về dương cầm, nhạc sĩ Xuân Tiên thổi sáo, nhạc sĩ Đan Thọ chuyên vĩ cầm, nhạc sĩ Hoàng Liêm chuyên guitar, saxo Trần Vĩnh, guitar bass Duy Khiêm, Cao Phi Long chuyên về trompet, cùng những tiếng hát lừng lẫy là Pat Lâm, Elvis Phương.
Một năm sau đó (1969), nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu sản xuất những băng nhạc đầu tiên, cũng chọn tên là Shotguns vốn đã quen thuộc trong làng nhạc vào thời đó. Tuy nhiên ông đã vấp phải những thất bại đầu tiên khi bước chân vào lĩnh vực mới này.
Băng nhạc Shotguns số 1 phát hành ngày 22 tháng 7 năm 1969 gồm 2 cuốn nhạc Việt và nhạc Mỹ riêng biệt, được thu âm ở phòng thu đường Bùi Hữu Nghĩa của một chuyên viên từng làm ở đài phát thanh Sài Gòn với phần hoà âm và ban nhạc do chính Ngọc Chánh đảm trách.
Trong cuốn băng Shotguns 1 nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Ngọc Chánh chọn bản Một Trăm Phần Trăm (nhạc sĩ Tuấn Hải – Ngọc Sơn) để mở đầu. Đây là ca khúc nhạc lính rất nổi tiếng thời điểm đó với giọng ca Hùng Cường đang làm mưa làm gió trên thị trường nhạc, thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình và đài phát thanh, vì vậy nên nhạc sĩ Ngọc Chánh rất tin tưởng vào sự thành công của băng Shotguns 1 này.
Tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác, cuốn băng đầu tay này của nhạc sĩ Ngọc Chánh bán được rất ít. Ông kể lại rằng trong một lần khi đi công tác ở Ban Mê Thuột đã mang theo 20 cuốn băng Shotguns 1 nhạc Việt Nam vào một club dành cho quân đội và gửi số băng này nhờ bán giùm. Bà chủ club này có chồng là Thiếu tá, ông nghe xong cuốn băng này liền nói bà vợ đem trả lại tất cả, với lý do là không chấp nhận bài Một Trăm Phần Trăm do Hùng Cường ca.
Ngoài ra thì cuốn Shotguns 1 Nhạc Mỹ cũng không bán được bao nhiêu. Kết quả là 2 cuốn băng Shotguns 1 bị lỗ nặng.
Thất bại này được nhà báo Nguyễn Việt giải thích là do trưởng ban Shotguns không tìm hiểu kỹ thị hiếu người mua băng nhạc khi bước chân vào lĩnh vực này. Trong cùng 1 băng, ông lại cho xuất hiện cùng lúc 2 trường phái âm nhạc khác nhau: Hùng Cường, Duy Khánh… xuất hiện cùng lúc với Thanh Lan, Khánh Ly, Elvis Phương… nên không được thính giả đón nhận.
Từ kinh nghiệm này, ở các chương trình sau đó nhạc sĩ Ngọc Chánh đã rất thận trọng khi chọn bài hát, ca sĩ. Ông tiếp tục cuốn Shotguns 4 (không có cuốn số 2 và số 3 vì muốn tránh xa cuốn số 1 thất bại) và bắt đầu bán được nhiều, có lợi nhuận để đầu tư tiếp. Cho đến cuốn Shotguns số 6 là Băng Vàng Shotguns 1970 thì thành công rực rỡ. Một tờ nhật báo bán chạy nhất lúc bấy giờ đưa tin về kỹ thuật thu âm tiên tiến của ban nhạc lần đầu có mặt ở Việt Nam, giới nghe âm nhạc bắt đầu chú ý và từ đó Shotguns trở thành nhãn hiệu băng được mọi người tin cậy, bán chạy nhất bấy giờ.
Cho đến ngày nay, người yêu nhạc vẫn còn nhắc đến các chương trình được gọi là “Băng Vàng” phát hành hàng năm để kỷ niệm ngày thành lập của trung tâm. Người yêu nhạc vẫn còn tìm nghe các chương trình “Xuân” và “Tất Niên” của Shotguns để mừng Tết Tây và ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam hay băng “Giáng Sinh” cho ngày lễ Noel.
Click để nghe băng Shotguns Giáng Sinh
Điểm khác biệt và là thế mạnh của băng Shotguns so với các nhãn hiệu băng khác, đó là bài hát được tuyển lựa rất kỹ lưỡng. Nhiều nghệ sĩ đã nhận xét rằng nhạc sĩ Ngọc Chánh có một khả năng thẩm âm rất đặc biệt không phải ai cũng làm được, ông có thể đoán biết giọng hát lạ có thể thành danh hay không, hoặc đoán biết trước một bài hát mới có ăn khách hay không. Nhờ vậy mà những cuốn băng Shotguns do ông làm ra đều là những tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Ngoài ra, nhạc sĩ Ngọc Chánh có một ban nhạc riêng Shotguns, được xem là “đệ nhất ban nhạc”, nên có thể mạnh trong việc hòa thanh, thâu thanh, nâng tầm cho bài hát. Người hòa âm cho các băng nhạc thường là nhạc sư Lê Văn Thiện, một trong những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất, hoặc chính nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng tự hòa âm.
Một điều không thể không nhắc đến nữa là hầu hết những ca sĩ nổi tiếng nhất của các thế hệ khác nhau đều đã từng nhiều lần hát trong băng Shotguns, từ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú cho đến Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Trúc Mai, Hà Thanh, Thanh Lan, Chế Linh, Nhật Trường, Giao Linh, Hương Lan đến những ca sĩ “ruột” như Elvis Phương, Anh Khoa, Thái Châu, Dạ Hương…
Các băng nhạc măng tên Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh được đánh giá cao vì có giá trị nghệ thuật rất lớn, cộng với phần hòa âm độc đáo của ban nhạc Shotguns do nhạc sĩ Lê Văn Thiện hoặc chính nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn hòa âm.
Ngoài băng nhạc mang nhãn hiệu Shotguns chuyên về dòng nhạc trữ tình, tiền chiến với các giọng ca thượng thặng như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly… nhạc sĩ Ngọc Chánh còn chủ trương thực hiện các băng nhạc mang nhãn hiệu khác và dòng nhạc khác, điển hình là băng Nhạc Trẻ do Kỳ Phát phụ trách với các ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ là Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Xuân & Minh Phúc, Thái Hiền, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thanh Mai… Ngoài ra còn có các băng nhạc chủ đề Siêu Âm, Chế Linh, Hồn Nước (chuyên về cải lương)… cũng đều do nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban Shotguns thực hiện.
Nghe băng nhạc Shotguns năm 1970
Từ năm 1971 đến năm 1975, thị trường băng nhạc xuất hiện loạt băng chủ đề Thanh Thúy do ca sĩ Thanh Thúy thực hiện, rất được yêu thích cho đến ngày nay, và người đứng sau loạt băng này cũng chính là Ngọc Chánh, phụ trách phần thu thanh, hòa âm và ban nhạc.
Về sự nghiệp sáng tác của Ngọc Chánh, ông được biết đến với 3 ca khúc nổi tiếng nhất, đều là bài hát do ông viết nhạc, sau đó nhạc sĩ Phạm Duy viết lời, đó là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Tuổi Biết Buồn và Bao Giờ Biết Tương Tư.
Bài hát đầu tiên là Bao Giờ Biết Tương Tư, ban đầu là bản nhạc nền của Ngọc Chánh viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1970, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh, nói về chuyện tình thơ mộng của trùm du đãng nổi tiếng là Đại Cathay. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim ông đã viết, và ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư từ đó ra đời.
Click để nghe Lệ Thu hát Bao Giờ Biết Tương Tư trước 1975
Bài hát thứ 2 là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, cũng là bài nhạc phim chính cho một cuốn phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, cũng chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh mang tên Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, nội dung của bài hát là lời tâm sự của một giang hồ cộm cán từng “dẫm nát tơi bời” nay quay đầu hoàn lương “từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”.
Click để nghe Elvis Phương hát Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang trước 1975
Đến năm 1973, ban tổ chức đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Nhật Bản đã mời đoàn Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy tham dự. Nhận được lời mời, nhạc sĩ Phạm Duy tìm gặp Ngọc Chánh, ngỏ ý muốn viết chung một ca khúc để gửi dự thi. Nhạc sĩ Ngọc Chánh đã viết nhạc, và nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời để thành ca khúc Tuổi Biết Buồn. Tại Nhật, tiếng hát Thanh Lan cùng với ca khúc này đã vào đến vòng chung kết của đại hội âm nhạc Yamaha.
Click để nghe Thanh Lan hát Tuổi Biết Buồn trước 1975
Sau năm 1975, có một thời gian nhạc sĩ Ngọc Chánh cộng tác với đoàn Kim Cương để thực hiện các buổi diễn văn nghệ phục vụ cho chính quyền mới. Năm 1975, ông cùng với đoàn Kim Cương thực hiện băng nhạc đỏ mang tên Đường Chúng Ta Đi với sự tham gia của nhiều ca sĩ nhạc vàng là Thanh Tuyền, Hà Thanh, Lệ Thu, Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu…
Đến năm 1978, Ngọc Chánh cùng gia đình vượt biển sang Mã Lai, rồi sang Mỹ năm 1979. Cuối năm đó, ông tái lập lại ban Shotguns tại Hoa Kỳ và biểu diễn ở vũ trường Maxim’s – thành phố San Jose.
Năm 1983, vũ trường này bị cháy, nhạc sĩ Ngọc Chánh chuyển về Quận Cam để mở vũ trường Ritz, được sang lại từ nhạc sĩ Vô Thường. Phòng trà vũ trường Ritz mở rộng được quy mô gấp nhiều lần chỉ sau 5 năm, trở thành bệ phóng để hàng loạt ca sĩ thế hệ sau 1975 trở nên nổi tiếng là Ý Lan, Don Hồ, Dalena, Ngọc Lan, Lynda Trang Đài…
Sau gần 20 năm làm chủ ban nhạc, vũ trường và phòng trà ca nhạc, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã quyết định giải nghệ vào năm 1998. Từ đó về sau, ông cùng với vợ dành nhiều thời gian để đi du lịch nhiều nơi và theo đuổi niềm đam mê mới: nhiếp ảnh.
Từ đầu thập niên 1980, mặc dù rất bận rộn trong việc gầy dựng lại ban Shotguns và điều hành vũ trường những nhạc sĩ Ngọc Chánh vẫn dành thời gian đi học môn nhiếp ảnh. Đến năm 2007, ông thực sự bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chuyên chụp ảnh thiên nhiên.
nhacxua.vn
Nhạc sĩ Ngọc Chánh, thành viên của ban nhạc Shotguns trước năm 1975, đã qua đời tại Nam California, Hoa Kỳ, vào ngày 7/1/2023. Ông là người sáng tác những bài hát nổi tiếng như “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang”, “Bao Giờ Biết Tương Tư” và “Tuổi Biết Buồn” cùng với Phạm Duy. Ông cũng thành lập hãng băng đĩa Shotguns và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong làng nhạc trước năm 1975. Nhạc sĩ Ngọc Chánh có gia đình đông anh chị em và đã được nuôi dưỡng đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ. Ông đã học guitar và piano từ rất sớm và sớm trở thành một nhạc sĩ tài năng.
Hastags: #Vĩnh #biệt #nhạc #sĩ #Ngọc #Chánh #của #ban #nhạc #Shotguns