Nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020) vừa qua đời, để lại niềm tiếc thương lớn trong lòng người hâm mộ âm nhạc. Ông là một nhạc sĩ tài năng, sản xuất nhiều ca khúc nổi tiếng với chất giọng sâu lắng và lời nhạc tình cảm. Tác phẩm của ông thể hiện sự tinh tế và sáng tạo, khiến người nghe không thể quên. Lam Phương đã gắn bó với dòng nhạc trữ tình Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho làng nhạc Việt Nam và để lại di sản âm nhạc vĩnh cửu..
Nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn từ biệt dương thế vào lúc 18 giờ 7 phút (theo giờ California) ngày 22/12/2020 tại thành phố Fountain Valley – Hoa Kỳ. Trước đó không lâu, ông phải nhập viện cấp cứu khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Sau thời gian tích cực chữa trị, trái tim đa cảm của người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nhạc Việt đã vĩnh viễn ngừng đập.
Điều đáng buồn là nhạc sĩ Lam Phương nằm viện và qua đời trong thời gian dịch bệnh nên không ai có thể vào thăm. Cách đây không lâu, qua báo chí, nhạc sĩ Lam Phương đã bày tỏ nỗi niềm rằng luôn mong ngày trở về nhưng sức khoẻ không cho phép: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.
Ngoài ra, trước khi mất 1 tháng, nhạc sĩ Lam Phương có nói chuyện qua điện thoại vào ca sĩ Quang Thành vào dịp lễ Tạ Ơn, ông đã nói rằng ước mong sau khi mất thì có thể được nằm cạnh mộ mẹ ở quê nhà Kiên Giang.
Qua những câu chuyện này, có thể thấy dù đã viễn xứ 45 năm, vì hoàn cảnh nên không thể trở về được lần nào, nhưng trong thâm tâm, nhạc sĩ Lam Phương rất nặng lòng với quê hương.
Click để nghe những ca khúc chọn lọc của Lam Phương sáng tác & thu âm trước 1975
Từ sau năm 2010 đến nay, chỉ trong vòng 10 năm, những nhạc sĩ tài năng nhất của dòng nhạc vàng còn lại như là Anh Bằng, Lê Dinh, Huỳnh Anh, Nhật Ngân, Thanh Sơn, Nguyễn Văn Đông, và Lam Phương… là những đại diện ưu tú nhất của làng văn nghệ miền Nam trước 1975 đã lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại những tiếc thương vô bờ đối với công chúng yêu nhạc, là những mất mát không thể bù đắp đối của nền âm nhạc Việt Nam.
Trước đó, nhạc sĩ Lam Phương đã có thời gian hơn 20 năm sống chung với cơn đau bệnh. Năm 1999, tai họa ập đến khi ông bị tai biến, liệt nửa người, nói rất khó khăn, sinh hoạt thường ngày phải nhờ đến người trợ giúp, là người em gái từ Pháp sang chăm sóc, rồi sau này là một người cháu.
Vào năm 2019, nhạc sĩ Lam Phương tâm sự trên Người Việt TV rằng một ngày hiện nay đối với ông chỉ là quanh quẩn trong 4 góc phòng. Tuổi cao, không ngủ được, buổi sáng dậy thật sớm nằm nghe lại những bản nhạc của chính mình, rồi coi TV đến trưa, cố đếm thời gian qua thật nhanh nhưng đêm về lại trằn trọc với những nỗi niềm xa xứ và chống chọi những cơn đau do bệnh. Tình cảnh đó của ông khiến người ta liên tưởng đến một sáng tác rất nổi tiếng trước năm 75 của ông: Xin Thời Gian Qua Mau.
Ngoài ra, có một ca khúc khác được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác từ đầu thập niên 1990, nhưng rất giống với tình cảnh của ông sau cơn đau bệnh ập xuống, đó là bài Một Mình:
Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh…
Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi lớn nhất của nhạc Việt nói chung, và của dòng nhạc vàng nói riêng, với số lượng bài hát nổi tiếng rất đồ sộ, được sáng tác trải dài qua nhiều thập niên, từ thập niên 1950 ở Sài Gòn, cho đến thập niên 1980, 1990 tại Pháp và Mỹ. Hiếm có một nhạc sĩ nào sáng tác bền bỉ và có số lượng ca khúc được công chúng nhớ đến nhiều như vậy.
Cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua rất nhiều thăng trầm, cả về sự nghiệp lẫn tình cảm riêng và cuộc sống cá nhân. Ở thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ có thể sống dư dả chỉ bằng nghề viết nhạc, bởi vì những ca khúc của ông viết ra rất ăn khách, bán được rất nhiều, lên đến hàng triệu bản. Tiêu biểu nhất là chỉ với 1 ca khúc Thành Phố Buồn, nhạc sĩ Lam Phương nhận được 12 triệu đồng tiền bán tờ nhạc, một con số rất lớn thời đó, bằng với thu nhập trong 20 năm của 1 đại tá quân đội. Nếu tính ra tiền USD thời điểm bài hát ra đời thì bài Thành Phố Buồn có giá trị gần nửa triệu đô la.
Sau 1975, để lại một tài sản rất lớn còn ở trong nhà băng, gia đình nhạc sĩ Lam Phương ra đi tay trắng trên con tàu Trường Xuân, gần như phải làm lại từ đầu. Kể từ sau đó, để mưu sinh trên xứ người, để có tiền nuôi vợ con, ông phải làm đủ những công việc chân tay, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện,…
Ở khía cạnh tình cảm, nhạc sĩ Lam Phương cũng nổi tiếng với những chuyện tình được ông nhắc đến trong rất nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng, như chuyện tình đơn phương với Bạch Yến trong Tình Bơ Vơ, Chờ Người, hay nhiều nhạc phẩm khác có thấp thoáng bóng dáng giai nhân như Phút Cuối, Biết Đến Bao Giờ, Biển Tình, Thành Phố Buồn, Bài Tango Cho Em…
Những chuyện tình trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương cũng mang nhiều sắc thái, từ rạo rực và tràn ngập trong hạnh phúc lứa đôi như trong các bài hát Ngày Hạnh Phúc, Bài Tango Cho Em, Bé Yêu, Thiên Đàng Ái Ân… nhưng cũng nhiều khi phải chìm ngập trong muôn trùng sầu khổ trong các bài hát Tình Bơ Vơ, Tình Chết Theo Mùa Đông, Thành Phố Buồn, Phút Cuối, Lầm, Say, Một Mình, Tình Vẫn Chưa Yên…
Cùng với các số ít nhạc sĩ cùng thời khác như Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Lam Phương có sức sáng tác rất bền bỉ cả trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 tại hải ngoại. Sau thời gian đầu vất vả mưu sinh, khi cuộc sống đã dần ổn định, nhạc sĩ Lam Phương tiếp tục cho ra mắt rất nhiều tác phẩm và được yêu thích nhiều không kém các bài hát trước năm 1975. Một điều đặc biệt là những nhạc phẩm được ông viết sau năm 1975 như Bãi Nắng, Như Giấc Chiêm Bao, Mưa Lệ, Bài Tango Cho Em, Thiên Đàng Ái Ân, Say, Lầm, Tình Đẹp Như Mơ, Một Mình, Tình Vẫn Chưa Yên… đều viết cho cảm xúc của chính nhạc sĩ. Nhạc sĩ Lam Phương từng nói rằng phần nhiều các ca khúc trước 1975 được ông viết theo nhu cầu của nhà xuất bản, các hãng thu đĩa, nghĩa là “theo đơn đặt hàng”. Sau này, có một sự chuyển hướng, đó là sau nhiều mất mát, đau thương đã trải qua trong cuộc đời, ông chỉ viết nhạc cho chính mình. Chính điều đó làm cho những bài nhạc sau này của ông, dù vui hay là buồn, đều rất giàu cảm xúc.
Những nhận xét về nhạc sĩ Lam Phương của những người trong giới văn nghệ:
Nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn:
“Con kênh đầy vơi với thủy triều. Trước khi nước rút đi, nó phơi bầy đến cả sự khô cạn, như một tấm lòng khi cho hết và cũng chẳng còn gì để che dấu. Lúc thủy triều trở lại, kênh lại tràn đầy, nhảy bờ.
Nhạc của Lam Phương, tình ca của Lam Phương đầy ắp cái cho đi đã hết và chờ đợi phút phục sinh để có thể cho đi thêm nữa…”
Nhà văn Duyên Anh:
“Thuở ban đầu của âm nhạc là Lam Phương thuần hương vị miền Nam. Dân chúng đón tiếp anh như nhánh sông đón tiếp phù sa của Hậu Giang. Phù sa âm nhạc Lam Phương bảng lảng âm điệu hai trăm năm đất mới. Anh gần gũi người miền Nam vì anh cảm xúc niềm xúc cảm của người miền Nam. Âm nhạc Lam Phương ví như con thuyền chở đầy trăng nhẹ trôi trên mặt sông Tiền, sông Hậu. Nó buồn vui cái buồn vui của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên. Nó được hát bởi những giọng kể Lục Vân Tiên đơn sơ và đôn hậu.
Cả triệu người đã say mê nhạc Lam Phương. Nhạc Lam Phương lãng đãng trên đồng luá bát ngát, trên sông nước mênh mông. Nó từ ngõ hẻm thành phố về đường mòn thôn ổ. Nó trong trường học. Nó ngoài sa trường. Nó xanh mắt thanh niên. Nó hồng môi thiếu nữ. Luôn luôn bình dị. Mãi mãi Lục Vân Tiên.
Hãy ví Lam Phương như Lục Vân Tiên đi …
Niềm mong ước của tôi, của những người yêu mến Lam Phương là, ngày nào đó, anh tìm lại Kiều Nguyệt Nga, đứng trên bờ sông tâm tưởng cũ, mở lối về nguồn, khơi vết trăm nhánh nghìn con. Để dân tộc có nhiều, thật nhiều ca khúc mang hơi thở nồng nàn, đôn hậu, xao xuyến, bồi hồi của miền Nam yêu dấu.”
MC – nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn:
“Hát nhạc Lam Phương, người ta dễ dàng nhận ra tấm lòng chan hoà của anh, khao khát được chia xẻ thăng trầm với mọi cảnh đời chung quanh. Bài tango “Kiếp Nghèo” không thể là những cảm xúc giả tạo. Nỗi bâng khuâng của “Ngày Tạm Biệt” không thể là những xao xuyến vay mượn. Phải xuất phát từ một tâm hồn nghệ sĩ có trái tim độ lượng đích thực, mới cho đời được những dòng nhạc như thế.
Ra hải ngoại, Lam Phương không dừng lại. Khung cảnh xã hội mới, những khắt khe của cuộc sống xứ người, những xáo trộn bất thường về tình cảm, ở Lam Phương, không ảnh hưởng đến khả năng của người nghệ sĩ, mà ngược lại, làm phong phú thêm vốn liếng sáng tạo. Anh vẫn viết đều, miệt mài đưa ra hàng loạt tác phẩm mới trong điều kiện phổ biến khó khăn hơn, bởi cộng đồng người Việt trải rộng khắp năm châu.
Từ khoảng 1981 – 1982 tôi đã được nghe một loạt tình ca của anh viết ở Paris. Có lúc thấy anh buồn vì “Tình Vẫn Chưa Yên”. Vài năm sau lại thấy anh vui, có lẽ bởi vì “Từ Ngày Có Em Về” đã làm nguồn hứng gần gũi để anh viết “Bài Tango Cho Em” rất đặc sắc. Trong lúc nhiều nhạc sĩ trước 75 đã rút lui vào hậu trường thì Lam Phương vẫn là điểm sáng trên sân khấu hải ngoại rộng lớn.
Gần đây nhất,anh cho người yêu nhạc một loạt tặng phẩm quí, gói ghém trong hai mươi tình khúc mới. Đợt tình ca có những bản nhạc đã nhanh chóng trở thành niềm yêu thương của người sành điệu. Từ “Em Đi Rồi” đến “Cỏ Úa”, đã được thâu trong băng Thúy Nga cho tôi thấy dòng nhạc sung mãn của Lam Phương như một nguồn suối bất tận, chẩy mãi, cống hiến mãi không ngừng nghỉ.
Tôi không hy vọng, qua vài lời giới thiệu ngắn ngủi của tôi, có thể nói lên được một phần những công trình lớn lao trong vườn hoa âm nhạc của Lam Phương. Mấy dòng mạo muội này, chỉ hoàn toàn để bầy tỏ một cách chủ quan lòng quí trọng và ngưỡng phục đối với người nghệ sĩ đã đóng góp cho nhạc Việt Nam bốn thập niên qua, những tác phẩm có giá trị nhất định mà mãi mãi người đời sẽ ghi nhận.”
Tác giả Vũ Anh:
“Cuộc đời khởi đi từ sự nghèo khổ của Lam Phương ở tuổi chưa đầy 20 bằng những giai điệu đầy lãng mạn này khiến nó không trở thành một thứ tình cảm buồn đến tuyệt vọng. Ngược lại, đó là một lời than thở nhẹ nhàng, một lời trách móc gửi đi cho gió. Những kỷ niệm ấy vẫn còn lắng đọng trong tâm tư của con người đã ngụp lặn trong sóng gió của lịch sử và của cuộc đời mình. Nó không hề gây cho anh một lòng thù hận nào đối với xã hội, bởi vì tài năng đã làm cho cái nghèo ấy trở thành những hình ảnh lãng mạn.
Những tác phẩm giá trị đã làm cho tên tuổi của anh bừng sáng và đem lại cho anh một số thu hoạch đáng kể…”
nhacxua.vn biên soạn
Nhạc sĩ Lam Phương đã qua đời vào ngày 22/12/2020 tại Hoa Kỳ sau một thời gian điều trị căn bệnh tim và tai biến mạch máu não nghiêm trọng. Ông đã nằm viện và qua đời trong thời gian dịch bệnh nên không ai có thể vào thăm. Trong những năm cuối đời, ông sống cô đơn và gặp nhiều khó khăn do bệnh tật. Nguyện vọng cuối cùng của ông là được nằm cạnh mộ mẹ ở quê nhà Kiên Giang. Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi lớn nhất của nhạc Việt, với nhiều ca khúc nổi tiếng và đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.
Hastags: #Vĩnh #biệt #nhạc #sĩ #Lam #Phương