Phần 3 của loạt bài viết về những bài nhạc vàng nổi tiếng bị nhầm lẫn tên nhạc sĩ tiếp tục đề cập đến các bài như Hành Trang Giã Từ, Vùng Lá Me Bay và Đôi Mắt Người Xưa. Các bài hát này đã không đúng tên chủ sở hữu ban đầu và gây hiểu lầm cho người nghe. Tuy nhiên, những tác phẩm này vẫn được yêu thích bởi giai điệu và lời bài hát sâu sắc, mang đến cho người nghe những trải nghiệm đặc biệt và cảm xúc sâu sắc..
Nối tiếp 2 phần đầu của bài viết nói về các bài nhạc vàng nổi tiếng đã bị nhiều người nhầm lẫn tên tác giả sáng tác, xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết thứ 3, cũng là bài sau cùng.
Mục đích của những bài viết này là để đính chính lại những nhầm lẫn lâu nay của công chúng nghe nhạc, cũng như của giới ca sĩ hoặc nhà sản xuất chương trình, vì sơ xuất đã vô tình phủ nhận công sức của những nhạc sĩ sáng tác ra các bài nhạc vàng bất hủ.
Hành Trang Giã Từ – Chuyện Người Đan Áo (nhạc sĩ Trường Sa)
Nhật Trường – Trần Thiện Thanh có lẽ là ca sĩ kiêm nhạc sĩ thành công nhất của dòng nhạc vàng.
Nhật Trường thường hát nhạc của chính ông sáng tác với bút danh (cùng là tên thật) Trần Thiện Thanh, vì vậy nên có một số bài hát Nhật Trường đã thu âm, dù của nhạc sĩ khác sáng tác nhưng khán giả lại lầm tưởng là của Trần Thiện Thanh sáng tác, đó là những ca khúc đó là Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ, cùng của nhạc sĩ Trường Sa, và Lời Tình Viết Vội của nhạc sĩ Giao Tiên.
Click để nghe Nhật Trường hát Chuyện Người Đan Áo trước 1975
Nhạc sĩ Trường Sa thường được biết đến với những bài tình ca buồn gắn liền với tên tuổi danh ca Lệ Thu là Mùa Thu Trong Mưa, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi. Tuy nhiên, trước khi cho ra đời những tuyệt phẩm này, nhạc sĩ Trường Sa đã sáng tác những bài nhạc phổ thông đại chúng gắn liền với tên tuổi Nhật Trường: Một Lần Xa Bến, Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ. Cũng vì Nhật Trường quá thành công với những ca khúc này nên người ta tưởng rằng Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ là của Trần Thiện Thanh sáng tác.
Click để nghe Nhật Trường hát Hành Trang Giã Từ trước 1975
Lời Tình Viết Vội (nhạc sĩ Giao Tiên)
Trường hợp bài hát Lời Tình Viết Vội, cũng giống như 2 bài của nhạc sĩ Trường Sa, đã gắn liền với tên tuổi Nhật Trường từ trước năm 1975, nên nhiều người tưởng là của Trần Thiện Thanh sáng tác. Tuy nhiên câu chuyện có phần phức tạp hơn.
Thực ra, ban đầu bài hát Lời Tình Viết Vội mang tên là Thư Ngoài Biên Trấn, được nhạc sĩ Giao Tiên bán bản quyền cho hãng Asia Sóng Nhạc và ca sĩ Trang Mỹ Dung thu âm lần đầu khoảng năm 1970.
https://www.youtube.com/watch?v=WSt_RQDT9-g
Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Thư Ngoài Biên Trấn
Sau đó một thời gian, khoảng năm 1973, nhạc sĩ Giao Tiên phụ trách làm biên tập cho băng nhạc Kim Đằng, chính ông đã đổi tên bài hát Thư Ngoài Biên Trấn thành Lời Tình Viết Vội, đồng thời sửa lại một ít phần ca từ để ưng ý hơn, rồis đưa cho Nhật Trường mời thu âm, và từ đó Lời Tình Viết Vội đã gắn liền với tên tuổi Nhật Trường.
Click để nghe Nhật Trường hát Lời Tình Viết Vội
Như vậy Thư Ngoài Biên Trấn (Trang Mỹ Dung thu âm) và Lời Tình Viết Vội (Nhật Trường thu âm) thực ra chỉ là một, được chính nhạc sĩ Giao Tiên sửa tựa đề, đổi chút lời nhạc. Tuy nhiên vì Nhật Trường quá thành công với Lời Tình Viết Vội nên nhiều người nhầm tưởng rằng ông sáng tác ca khúc này. Thậm chí sau khi Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua đời, những người con của ông cũng đã tưởng như vậy, dẫn đến tranh chấp về tác quyền với tác giả thực sự của bài hát là nhạc sĩ Giao Tiên.
Bài Tango Cho Riêng Em (nhạc sĩ Lê Dinh)
Sau 1975, nhạc sĩ Lam Phương có ca khúc điệu tango rất nổi tiếng mang tên Bài Tango Cho Em. Ngoài ra, còn có một bài tango khác có tên gần giống như vậy, đó là Bài Tango Cho Riêng Em. Tuy nhiên không hiểu vì sao hầu hết các băng đĩa nhạc ở hải ngoại đều ghi tác giả bài hát này là Hoàng Nguyên. Lúc sinh thời, khi trả lời phỏng vấn trong Jimmy’s Show, nhạc sĩ Lê Dinh xác nhận đây là tác phẩm của ông sáng tác, đồng thời khẳng định rằng trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Hoàng Nguyên không sáng tác bài hát nào mang giai điệu tango.
Lời bài hát này như sau:
Một bài tango anh viết cho riêng em
Để hồn lâng lâng theo tiếng nhạc êm
Cho nhớ thương sao dài thêm
Cho bướm bên hoa đẹp thêm
Thức giấc anh gọi tên em…
Ngay cả trung tâm Asia, vốn gắn bó mật thiết với nhạc sĩ Lê Dinh, cũng ghi tên người sáng tác bài hát này là Hoàng Nguyên trong Asia số 63 năm 2009 (Hồ Hoàng Yến hát).
Click để nghe Hồ Hoàng Yến hát Bài Tango Cho Riêng Em
Tám Nẻo Đường Thành (nhạc sĩ Hoài Linh)
Sự kiện Mậu Thân năm 1968 đã mang lại nhiều cảm xúc để các nhạc sĩ sáng tác ra nhiều bài hát buồn, trong đó tiêu biểu nhất là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy và Những Con Đường Trắng, 2 ca khúc viết về Huế. Viết về Tết Mậu Thân ở Sài Gòn thì có ca khúc Tám Nẻo Đường Thành của nhạc sĩ Hoài Linh, nhưng không hiểu vì sao sau này nhiều nơi lại ghi nhầm thành Trầm Tử Thiêng.
Ðốt đêm đen, trái châu treo thay đèn lấp lánh
Cầu chữ Y, Lộ Hàng Xanh
Lửa bạo thiêu tám nẻo đường thành…
Kim (nhạc sĩ Y Vũ)
Kim là tên của một ca khúc nổi tiếng thuộc thể loại kích động nhạc của nhạc sĩ Y Vũ, tuy nhiên một thời gian dài nhiều người nhầm tưởng là của nhạc sĩ Y Vân, là anh ruột của nhạc sĩ Y Vũ. Có lẽ lý do là vì thập niên 1960-1970, nhạc sĩ Y Vân có nhiều ca khúc mang giai điệu nhanh và sôi động tương tự, như là 60 Năm, Không, Sài Gòn…, nên nhiều người tương rằng Kim cũng là của Y Vân sáng tác.
Hoàn cảnh sáng tác bài Kim được chính nhạc sĩ Y Vũ kể lại với người viết, đó là vào năm 1963, nhạc sĩ có thời gian làm việc ở Bà Rịa, đến tối thường sang các vũ trường ở Vũng Tàu để nhảy đầm và quen với một vũ nữ tên Kim ở vũ trường Blue Star, sau đó họ trở thành tình nhân. Mặc dù trước đó, Y Vũ đã từng trải qua rất nhiều mối tình thoáng qua với nhiều vũ nữ, nhưng với cô gái tên Kim, ông thật sự nghiêm túc khi đã dẫn cô Kim về giới thiệu cùng gia đình, và cả nhà đều mến thương cô. Một ngày kia ông đang ở Saigon thì nhận được tin Kim qua đời vì bệnh tim. Trong niềm thương tiếc, ông hồi tưởng lại những ký ức tươi đẹp rồi viết thành bài hát Kim để tưởng nhớ người yêu:
Cớ sao buồn này KIM
Cớ sao sầu này KIM
Ai thương em hơn anh mà tìm
Cớ sao hoài này KIM
Có biết cho lòng anh
đã mơ từng phút vui buồn cùng em…
Click để nghe Hùng Cường hát Kim trước 1975
Vùng Lá Me Bay (nhạc sĩ Anh Việt Thanh)
Nhìn lá me bay nhớ kỷ niệm hai chúng mình
Ngày đó quen nhau vương chút tình trên tóc mây
Đôi mắt thơ ngây, hoa nắng ươm đầy
Đẹp tựa như lá me bay, men tình anh trót vay.
Đây là ca khúc nổi tiếng được nhạc sĩ Anh Việt Thanh sáng tác vào mùa hè năm 1972, được ca sĩ Giao Linh hát lần đầu trong băng Kim Đằng số 5.
Click để nghe Giao Linh hát Vùng Lá Me Bay trước 1975
Sau này tại hải ngoại, từ cuối thập niên 1980 đến thập niên 1990, dù được những ca sĩ hải ngoại nổi tiếng thu âm lại, như Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Phương Dung… nhưng bài hát chưa bao giờ được xếp vào danh sách top những ca khúc nhạc vàng được yêu thích nhất. Đến năm 2011, ca sĩ Như Quỳnh phát hành solo album mang tên Lạ Giường, và bài hát được yêu thích nhất trong CD này chính là bài Vùng Lá Me Bay. Có thể nói Như Quỳnh đã mang một Vùng Lá Me Bay tươi mát trở lại trong làng nhạc vàng, từ đó tạo thành một hiện tượng chưa từng có ở trong nước lẫn hải ngoại, khi có đến vài chục phiên bản khác nhau được các ca sĩ cùng nhau cover lại.
Click để nghe Như Quỳnh hát Vùng Lá Me Bay trên Paris By Night năm 2011
Tuy nhiên có một sự nhầm lẫn đáng tiếc, đó là Thúy Nga lại ghi tên nhạc sĩ sáng tác Vùng Lá Me Bay là nhạc sĩ Trần Quang Lộc, làm cho nhiều khán giả nhầm lẫn về nhạc sĩ sáng tác ca khúc này suốt trong nhiều năm. Đến vài năm gần đây thì mới có sự đính chính tác giả thực sự là nhạc sĩ Anh Việt Thanh.
Tình Nào Trong Mắt Em (nhạc sĩ Ngân Giang)
Chuyện tình của tôi,
tan vỡ từ lâu rồi
tưởng không bao giờ còn nhớ
Nhưng bỗng một hôm trên đường ra phố thị,
tôi gặp người yêu ngày nào.
Đó là lời của một ca khúc rất quen thuộc đối với những người yêu nhạc vàng có tựa đề là Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, nhưng sau này thường bị ghi sai tên thành Đôi Mắt Người Xưa, và tên nhạc sĩ cũng đổi thành Trúc Phương.
Sự nhầm lẫn nghiêm trọng này có lẽ xuất phát từ lời của bài hát, có nhắc nhiều lần câu: “đôi mắt người xưa”, nói về đôi mắt của một người con gái đã làm cho người tình cũ bị ám ảnh không nguôi khi vô tình gặp lại trên phố sau một thời gian dài xa cách. Vì vậy sau 1975, khi các ca sĩ hát lại ca khúc này tại hải ngoại thì tưởng rằng bài hát này tên là Đôi Mắt Người Xưa, trùng tên với một bài hát do nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác (ít người biết đến và không nổi tiếng bằng bài Tình Nào Trong Mắt Em). Từ đó xảy ra tình trạng có thể gọi là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ca sĩ hát bài Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang nhưng lại để tên bài hát là Đôi Mắt Người Xưa, ghi tên sáng tác là Trúc Phương.
Trong cuốn băng Premier 3 phát hành trước 1975, Chế Linh hát ca khúc này và ghi rõ là Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, mời các bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe Chế Linh hát Tình Nào Trong Mắt Em trước 1975
Đường Tình Đôi Ngả (nhạc sĩ Ngân Giang)
Đường Tình Đôi Ngả là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Ngân Giang được ký với bút danh Nguyễn Vỹ. Tuy nhiên thời gian sau này, nhiều nơi ghi tác giả bài hát này là Lê Văn Thiện, dẫn đến sự nhầm lẫn trong cả công chúng nghe nhạc lẫn giới cả sĩ.
Cho đến nay, khi nhắc đến Đường Tình Đôi Ngả, không thể không nhắc đến đôi song ca được xem là thành công nhất tại hải ngoại từ cuối thập niên 1980, đó là Giao Linh – Tuấn Vũ.
Thôi em hãy đi về vĩnh biệt kể từ đây
Còn luyến lưu làm chi, còn vấn vương làm gì
Ai thật lòng yêu ai đến bây giờ mình đã biết
Chuyện tình đôi ta em hãy xem là huyền thoại
Click để nghe Giao Linh – Tuấn Vũ song ca bài Đường Tình Đôi Ngả
Bài hát này đã được Giao Linh và Tuấn Vũ song ca trong CD Đôi Mắt Người Xưa vào khoảng cuối thập niên 1980 với phần hòa âm của nhạc sư Lê Văn Thiện. Bằng một cách nào đó, người ta lại liên kết bài Đường Tình Đôi Ngả với cái tên Lê Văn Thiện, từ đó về sau nhiều nơi ghi tác giả ca khúc này là Lê Văn Thiện, và sự nhầm lẫn này kéo dài từ đó cho đến tận ngày nay.
Nếu xem lại hình bìa băng nhạc Premier số 3, có thể thấy tác giả bài hát Đường Tình Đôi Ngả được ghi là Nguyễn Vỹ. Sau này đã có nhiều thông tin xác nhận đó là bút danh của nhạc sĩ Ngân Giang (tên thật là Nguyễn Văn Vỹ).
Phiên Khúc Mùa Đông (nhạc sĩ Lê Hựu Hà)
Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng
Tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân…
Đó là lời ca thật ám ảnh của nhạc sĩ Lê Hựu Hà trong ca khúc nổi tiếng Phiên Khúc Mùa Đông. Tuy nhiên một thời gian thật dài, vì thiếu thông tin tư liệu nên nhiều người nhầm tưởng bài hát này là của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang.
Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là 2 cái tên chủ chốt của ban nhạc Phượng Hoàng danh tiếng, và những ca khúc của họ sáng tác cũng khá tương đồng, thoạt đầu nghe thì có thể khó phân biệt. Tuy nhiên nếu để ý kỹ, nhạc của Nguyễn Trung Cang thì u uẩn, nhạc của Lê Hựu Hà thì thường là tươi mới và lạc quan. Vì vậy, khi nghe lời ca thật buồn và ám ảnh trong bài hát Phiên Khúc Mùa Đông, nhiều người đã nhầm đó là sáng tác của Nguyễn Trung Cang.
Nếu xem lại bìa tờ nhạc phát hành trước 1975 sau đây, dễ dàng nhận thấy tác giả thực sự phải là Lê Hựu Hà.
Hẹn Một Mùa Xuân (nhạc sĩ Đinh Việt Lang)
Nhắc đến nhạc sĩ Đinh Việt Lang, nhiều người nhớ đến ca khúc Lạnh Lùng (thơ của Vạn Thuyết Linh). Ngoài ra ông cũng là tác giả của bài nhạc xuân rất nổi tiếng là Hẹn Một Mùa Xuân, nổi tiếng với giọng ca Duy Khánh trước 1975. Tuy nhiên thời gian sau này, nhiều nơi ghi nhầm tên bài hát thành Tôi Sẽ Về, và tên tác giả cũng ghi sai thành Lam Phương.
Tôi sẽ về khi mùa Xuân đơm hoa trước ngõ
Để em gái nhỏ mắt thơ ngây
Tóc thôi biếng chải vì đợi chờ
Đêm yên giấc ngủ cơn mơ dỗ ngọt
Cho môi em mềm mùa Xuân.
Click để nghe Duy Khánh hát Hẹn Một Mùa Xuân trước 1975
Tình Yêu Và Huyền Thoại (nhạc sĩ Văn Trí)
Trong dòng nhạc trữ tình Việt Nam, ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại là một nhạc phẩm khá đặc biệt, không chỉ gây mê đắm bởi giai điệu và ca từ đẹp đến ngỡ ngàng, mà còn để lại cho công chúng một dấu hỏi lớn về tác giả thật sự của nó.
Nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời
Chàng đuổi theo trên chuyến xe cuộc đời
Nàng vươn tay hái sao trời đỉnh núi
Kết lên tóc mây như đôi mắt tình yêu….
Lần theo những bản thu thanh, có thể thấy Tình Yêu Và Huyền Thoại đã ra mắt công chúng từ trước năm 1975 với tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan.
Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975
Giai đoạn sau này, bài hát cũng đã được nhiều giọng ca nữ thể hiện, như Thái Hiền, Phi Khanh, Như Mai, Trịnh Vĩnh Trinh,… Tuy nhiên trong tất cả các lần thu thanh đó, tên tác giả bài hát đều để trống, hoặc ghi là “Khuyết danh”.
Có nhiều nơi ghi tên nhạc sĩ sáng tác Tình Yêu Và Huyền Thoại là Minh Kỳ, tuy nhiên điều này không đúng, và nét nhạc bài này cũng không giống với những ca khúc thông thường của nhạc sĩ Minh Kỳ.
Cách đây vài năm, thật may mắn là có một độc giả tên là Mỹ Dung sinh sống ở New Zealand gửi đến cho chúng tôi thông tin về một nhạc sĩ tên thật là Văn Minh Trí, sinh năm 1940, ông học sư phạm ở Sài Gòn khoá 1963-1967 và làm sau đó về dạy môn Việt Văn ở trường Trung Học An Xuyên tỉnh Cà Mau.
Có một độc giả khác là Việt Hùng Trịnh gửi đến hình ảnh tờ học bạ có ghi dòng nhận xét của giáo sư Văn Minh Trí đến học trò như sau:
Giáo sư Văn Minh Trí đó chính là nhạc sĩ Văn Trí rất nổi tiếng với ca khúc Hoài Thu đã gắn liền với giọng hát Thanh Thuý, đồng thời ông cũng chính là tác giả của ca khúc “khuyết danh” Tình Yêu Và Huyền Thoại, sáng tác năm 1968. Sau đây là bản nhạc được nhạc sĩ ký tên đề tặng:
Sau 1975, nhạc sĩ Văn Trí sống lặng lẽ ở vùng New Zealand xa xôi, vắng bóng cộng đồng người Việt, không tham gia gì đến văn nghệ hải ngoại nên rất người biết đến ông. Vì vậy cuộc sống của nhạc sĩ Văn Trí kín tiếng và âm thầm, cũng giống như chính ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại của ông vậy.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
Bài viết này nối tiếp hai bài trước để đính chính những sai lầm về tác giả các bài nhạc vàng nổi tiếng. Nó giới thiệu rằng bài viết cuối cùng nhằm chỉ ra những tác giả thực sự của các bài hát vàng bất hủ. Bài viết tiếp tục nêu ra các ví dụ cụ thể như Chuyện Người Đan Áo, Hành Trang Giã Từ của nhạc sĩ Trường Sa, Lời Tình Viết Vội của nhạc sĩ Giao Tiên và những nhịp đậm tình như Tango Cho Riêng Em của nhạc sĩ Lê Dinh và Tám Nẻo Đường Thành của nhạc sĩ Hoài Linh. Bài viết cũng nhắc đến sự nhầm lẫn về tác giả của bài hát Kim của nhạc sĩ Y Vũ và Vùng Lá Me Bay của nhạc sĩ Anh Việt Thanh. Các bài hát này đã bị nhầm tưởng là do các nhạc sĩ khác sáng tác.
Hastags: #Những #bài #nhạc #vàng #nổi #tiếng #bị #nhầm #lẫn #tên #nhạc #sĩ #Phần #Hành #Trang #Giã #Từ #Vùng #Lá #Bay #Đôi #Mắt #Người #Xưa